Nhiều sản phẩm mới được gắn "sao"

Năm nay, huyện Tân Kỳ đón nhận nhiều tin vui với 8 sản phẩm đạt “3 sao” OCOP cấp tỉnh. Ngoài những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất mang tính truyền thống của địa phương, còn có một số sản phẩm mới “bén duyên” trên địa bàn huyện, mở ra nhiều triển vọng để phát triển trên vùng đất đồi này.

bna_mo_hinh_trong_chuoi_nam_my_o_xa_dong_van_anh_xuan_hoang7356397_8122021.jpgMô hình chuối Nam Mỹ là sản phẩm của chuối vàng miền Tây xứ Nghệ, được bén duyên trên đất Tân Kỳ. Ảnh: XH

Sản phẩm mới mà chúng tôi muốn đề cập trước hết, đó là chuối vàng miền Tây xứ Nghệ (giống chuối Nam Mỹ) được HTX Chuối sạch Mỹ Thành trồng trên địa bàn xã Đồng Văn.

Có thể nói, bất cứ ai đến với mô hình trồng chuối Nam Mỹ của HTX Chuối sạch Mỹ Thành này cũng phải trầm trồ trước những mái đồi phủ kín màu xanh đậm của lá chuối, gần như 100% cây chuối trưởng thành đã trổ buồng. Dù được trồng trên đất đồi, nhưng cây chuối phát triển tốt, bởi có hệ thống tưới nước phun mưa phủ kín. Các thành viên của HTX cho biết, được trồng từ đầu năm 2021, sau 10 tháng chăm sóc theo quy trình an toàn, đến nay 26 ha giống chuối Nam Mỹ do 11 thành viên của HTX là người dân tại địa phương thực hiện đã khẳng định là thành công trên vùng đất đồi này.

Sản phẩm chuối vàng miền Tây xứ Nghệ đạt "3 sao" OCOP năm 2021. Ảnh: XH

Mới rồi, sản phẩm chuối vàng niềm Tây xứ Nghệ đã đạt “3 sao” OCOP cấp tỉnh, là điều kiện thuận lợi để sản phẩm bán vào các siêu thị, đặc biệt là xuất khẩu ra nước ngoài. Từ sự thành công của mô hình này, tới đây giống chuối Nam Mỹ sẽ mở rộng diện tích ra địa phương khác trên địa bàn huyện Tân Kỳ.

Một sản phẩm nông nghiệp đã được huyện Tân Kỳ quan tâm từ nhiều năm nay, đó là nấm sò trắng của Công ty CP Sinh học An Hà trên địa bàn xã Kỳ Sơn. Với quy mô trên 6.000 m2 sản xuất, được đầu tư bài bản, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động tại địa phương, mỗi năm cung ứng cho thị trường trên dưới 20 tấn nấm sò trắng. Sản phẩm nấm sò trắng ở đây được sản xuất theo quy trình sạch, an toàn, được người tiêu dùng tin tưởng từ nhiều năm nay.

Nấm sò trắng An Hòa đạt "3 sao" OCOP năm 2021. Ảnh: XH

Bà Vũ Thị Lĩnh - Giám đốc Công ty CP Sinh học An Hà cho rằng, sản phẩm nấm sò trắng của đơn vị đã đạt “3 sao” OCOP cấp tỉnh, là động lực để đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến mục tiêu đạt “4 sao” OCOP vào những năm tới. Đây cũng là niềm tin đối với khách hàng mỗi khi sử dụng sản phẩm nấm sò trắng của đơn vị.

Huyện Tân Kỳ là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển cây có múi, trong đó có sản phẩm bưởi, đặc biệt nhiều năm gần đây, một số địa phương đưa giống bưởi da xanh về trồng cho năng suất cao, chất lượng tốt. Do vậy, sản phẩm bưởi da xanh được trồng trên địa bàn xã Tân An vừa đạt “3 sao” OCOP đã khẳng định được điều đó.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên An Ngãi cho biết: Cách đây 6 năm, đơn vị cung ứng cây giống cho tổ hợp tác bưởi An Ngãi trồng trên diện tích 9,6 ha của 11 hộ tham gia. Đến nay, sản phẩm bưởi da xanh An Ngãi đã khẳng định được mẫu mã, chất lượng, bán với giá cao trên thị trường.

Bưởi da xanh An Nghãi, xã Tân An đạt "3 sao" OCOP năm 2021. Ảnh: XH
Năm 2021, ngoài 3 sản phẩm chuối vàng, nấm sò trắng, bưởi da xanh, trên địa bàn huyện Tân Kỳ còn có 5 sản phẩm tiêu biểu đạt “3 sao” OCOP cấp tỉnh: Bưởi Vực Rồng - xã Tân Long; dầu lạc Hòa Hảo - xã Nghĩa Hoàn; viên hoàn hà thủ ô mật ong và viên hoàn hà thủ ô tinh bột nghệ - HTX Thiên Ân, xã Nghĩa Hợp. Như vậy, từ năm 2019 đến nay, huyện Tân Kỳ đã có 14 sản phẩm đạt “3 sao” OCOP cấp tỉnh. Qua rà soát của ngành Nông nghiệp huyện cho thấy, Tân Kỳ vẫn còn nhiều sản phẩm mang tính truyền thống có thể tham gia chấm "sao" trong những năm tới.
 

Hướng đến nâng hạng "sao"

Ông Nguyễn Công Trung - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Kỳ cho biết: Để có được thành quả mang lại trong thực hiện sản phẩm OCOP, hàng năm, huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, nhằm phát huy tốt vai trò trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá các sản phẩm mang thế mạnh của địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về nội dung chương trình, thông qua đó giúp cho các tầng lớp nhân dân, các chủ thể có nhu cầu tham gia chương trình hiểu về OCOP, lợi ích cũng như điều kiện cần thiết khi tham gia chương trình.

Sản phẩm dầu lạc Hòa Hảo trên địa bàn xã Nghĩa Hoàn đạt "3 sao" OCOP năm 2021. Ảnh: XH

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã mang lại cho người dân, đặc biệt là những chủ thể có sản phẩm là thế mạnh của địa phương, của vùng được phát huy lợi thế, mang thương hiệu, thế mạnh đặc trưng của địa phương, vùng; giúp các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiêu thụ và quảng bá các sản phẩm của địa phương nhằm đem thương hiệu sản phẩm của địa phương đi tới người tiêu dùng một cách rộng rãi.

“Sau khi đạt “3 sao” OCOP cấp tỉnh, không có nghĩa là thỏa mãn, do vậy, vấn đề quan trọng nữa là các chủ thể, tổ chức sản xuất, tập trung nâng hạng sao cho các sản phẩm. Vì vậy, trong số 14 sản phẩm đã đạt “3 sao” OCOP, huyện Tân Kỳ đang định hướng một số sản phẩm có nhiều tiềm năng, mang tính đặc thù của địa phương để nâng hạng sao, điển hình như: Dầu lạc, chuối vàng miền Tây xứ Nghệ và các sản phẩm mật mía của địa phương”

Ông Nguyễn Công Trung - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Kỳ

Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tham mưu cho UBND huyện, sớm gửi văn bản cho các xã rà soát đăng ký các sản phẩm của năm 2022. Trong đó, quan tâm đến các sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương đủ điều kiện về quy mô, chất lượng: Dầu lạc Tân Long; miến gạo Nghĩa Thái; măng khô, võng gai Giai Xuân; mật ong ở các xã…
Sản phẩm viên hoàn tinh bột nghệ mật ong của HTX Thiên Ân - Nghĩa Hợp đạt "3 sao" OCOP năm 2021. Ảnh: XH

Qua 3 năm triển khai thực hiện trên địa bàn Tân Kỳ, chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là về mặt nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và doanh nghiệp, hợp tác xã về vị trí của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua việc tham gia chương trình, các chủ thể sản xuất đã hoàn thiện sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới ở huyện Tân Kỳ.