(Baonghean.vn) – Trong gia đình của đồng bào Thái, Khơ Mú ở các huyện miền Tây Nghệ An như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong... không thể thiếu chiếc mâm. Chiếc mâm gọi theo tiếng Thái là 'phươn', nó dùng để ăn cơm là chủ yếu, ngoài ra mần còn được dùng để bày các đồ vật, thức vật cúng tế tổ tiên.
Bằng đôi tay khéo léo, cùng với việc tận dụng nguồn nguyên vật liệu sẵn có, từ xa xưa, đồng bào Thái và Khơ Mú đã biết đan lên những chiếc mâm để gia đình sử dụng. Những chiếc mâm hết sức bền và đẹp mắt, hầu hết người đan đều sử kiểu nan nong 3 để đan mặt của mâm. Vật liệu chính là cây tre trơn (cây mét). Bộ mâm ăn của đồng bào gồm có chiếc mâm và những chiếc ghế bằng mây. Ngày nay, người dân còn đan những chiếc mâm để đem bán cho những người ở khắp nơi trên đất nước và cả nước ngoài. Chiếc mâm cũng được đan theo nhiều kiểu loại. Chiếc ghế và chiếc mâm sử dụng những vật dụng có độ bền hàng trăm năm như tre, mây... Nhiều người dân bản còn sống chủ yếu vào nghề đan lát. Đặc biệt đồng bào Khơ Mú có kỹ năng đan tinh xảo nhất. Những chiếc mâm được bày bán ở các chợ vùng cao, vào các hội chợ hay thỉnh thoảng bắt gặp ở vỉa hè của các phố huyện miền núi. Vào những ngày bình thường hay là gia đình có tiệc, có khách, chiếc mâm không chỉ mang ý nghĩa chỉ là vật dụng mà nó còn có cả bề dày về nét văn hóa của đồng bào vùng cao. Hồ Phương - Đình Tuân