(Baonghean.vn)- Người dân tộc Khơ Mú ở miền Tây Nghệ An có tới 5 bàn thờ tổ tiên, mỗi gian thờ chỉ là một gian bếp nhỏ, có treo một số dụng cụ sản xuất và nồi ninh xôi hàng ngày. Mỗi bàn thờ mang một ý nghĩa khác nhau.

Đây là gian thờ tổ tiên của đồng bào Khơ Mú vào ngày bình thường. Ngày thường, gian thờ này là gian bếp chỉ làm nhiệm vụ ninh xôi cho cả gia đình, không được nấu canh hay bất cứ thức ăn nào khác.
Nếu bình thường ta lên nhà của người Khơ Mú mà thấy 2 biểu tưởng này thì không nên quá tò mò mà chạm tay vào, vì đây là 2 bàn thờ tổ tiên quan trọng nhất của gia chủ. 2 "bàn thờ" này là nơi thờ cúng người cha quá cố của gia chủ và người cha đã mất bên vợ. Nếu ống tre phía trên là thờ người cha bên nội, thì máng bằng tre bên dưới là nơi thờ người cha bên ngoại.
Để thực hiện lễ cúng ở "bàn thờ" này, đồng bào thường lấy tiết của con gà bôi lên, thể hiện sự tôn kính đối với người cha đã khuất.
Còn bàn thờ đặt trên góc của gian bếp chính là bàn thờ tổ tiên với ý nghĩa bảo vệ những người phụ nữ và phù hộ họ sinh con đàn cháu đống.
Bàn thờ được đặt ngay phía trên cửa ra vào là bàn thờ tổ tiên có ý nghĩa bảo vệ sức khỏe, trừ tà ma cho tất cả các thành viên trong gia đình. Theo quan niệm của người Khơ Mú, nếu đã lập bàn thờ này thì bắt buộc phải giiết 1 con trâu để cúng.
Ban thờ này ở phía ngoài gian nhà, nó có ý nghĩa như một hàng rào linh thiêng bảo vệ toàn bộ ngôi nhà. Theo ông Moong Thái Nhi, trưởng phòng VH-TT huyện Kỳ Sơn cho biết, bàn thờ này gắn với một truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một đôi vợ chồng trẻ. Một hôm người chồng đi quăng chài dưới suối được rất nhiều cá nên người chồng ham cứ quăng mãi vào đến khu vực sinh sống của con hổ dữ. Người chồng bị con hổ này ăn thịt và lấy quần, áo hóa thành người chồng quay về nhà thức người vợ. Người vợ dậy nhóm lửa bếp cho sáng thì con hổ không cho nhóm vì sợ bị lộ đuôi của mình ra. Người vợ cũng rất nhanh ý, biết ngay đây không phải người chồng của mình, liền đi gọi anh em họ hàng xung quanh đến, người thì lấy cây quấn đuôi con hổ thò xuống dưới sàn nhà, người lấy cây rìu chặt đứt cổ con hổ. Từ đó đến nay, loài cây được người dân dùng quấn đuôi con hổ rất được người Khơ Mú quý trọng, thậm chí người dân không được sử dụng làm nhà, bờ rào hay bất cứ mọi cộng việc gì. Và cũng từ đó người Khơ Mú có thêm một bàn thờ này.
Vật cúng có ý nghĩa nhất trong tục cúng tổ tiên là trâu.
Để làm lễ cúng này phải có thời gian dài chuẩn bị vì nó khá tốn kém cho gia chủ. Trong ảnh là con trâu đã được làm thịt chuẩn bị cho lễ cúng dâng lên tổ tiên. Trong tất cả các phong tục của người Khơ Mú ở Kỳ Sơn, tục cúng tổ tiên là phong tục lớn nhất và có tầm quan trọng nhất với đồng bào nơi đây. Nhưng đây không phải không phải là phong tục được thực hiện thường xuyên, đôi khi cả một đời người chỉ làm duy nhất 1 lần.
Rượu cần cũng là thứ quan trọng trong các buổi lễ.
Thầy mo đang làm lễ.
Đặc biệt, lễ cúng tổ tiên hơn của người Khơ Mú ở Kỳ Sơn được thực hiện vào lúc giữa đêm.
Đốt lửa bằng que đuốc ngoài đường để mời tổ tiên về dự lễ.
Lễ cúng bên ngoài căn nhà, nơi có ban thờ tổ tiên bảo vệ căn nhà.
Sau lễ cúng tổ tiên, mời anh em họ hàng ăn uống tại gian nhà chính.

Lữ Phú 

TIN LIÊN QUAN