bna_52783015161_30122018.jpgĐồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh tư liệu

Dự báo, định hướng thông qua chất vấn

Điều được dư luận đánh giá cao là việc lựa chọn nội dung chất vấn của HĐND tỉnh qua 2 kỳ họp trong năm 2018 đã bám sát thực tiễn của cuộc sống. Ví dụ tại kỳ họp giữa năm (kỳ họp thứ 6), thông qua chất vấn liên quan đến việc thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh đã làm rõ thực trạng các tồn tại trong bồi thường tái định cư, cấp đất sản xuất cho người dân và yếu kém từ các công trình phục vụ dân sinh. Và điều quan trọng là sự vào cuộc của các cấp, các ngành để giải quyết các tồn tại đó sau kỳ họp kết thúc.

Bí thư Huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải chia sẻ, sau chất vấn của HĐND tỉnh, các ngành cấp tỉnh, huyện và chủ đầu tư dự án thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố có sự tập trung hơn trong việc giải quyết các tồn tại.

Theo đó chính sách hỗ trợ hộ nghèo trước đây chưa được thực hiện nay được thực hiện ở 100% hộ với tổng số tiền lên đến 13 tỷ đồng. Đó còn là chính  sách di vén dân, chi hỗ trợ nhà ở, chính sách về đất đai cũng được thực hiện bổ sung.

Các công trình giao thông, trường học, nhà văn hóa cộng đồng, nước sinh hoạt được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Riêng 3 bản ốc đảo trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ được đầu tư thêm 26 tỷ đồng để xây dựng hệ thống giao thông, công trình nước sạch.
Sau chất vấn, UBND tỉnh đã gửi kiến nghị Trung ương bổ sung chính sách hỗ trợ đền bù trên cốt ngập đối với dự án thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Mai Hoa
Tương tự tại dự án thủy điện Hủa Na, theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Quế Phong Lưu Văn Hùng, đến thời điểm này cũng đã giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng, như  cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đẩy nhanh tiến độ giao đất sản xuất lúa, đất rừng.

Chủ đầu tư cũng đã rà soát và hỗ trợ bổ sung một số nội dung như trang thiết bị cho các nhà văn hóa, công trình xử lý rác thải, việc hỗ trợ xử lý môi trường ở các điểm tái định cư, việc đối trừ đất giữa nơi đi và nơi đến, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân tái định cư...

Bên cạnh đó, theo Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân, thông qua chất vấn, HĐND tỉnh cũng đã đặt ra những vấn đề có tính dự báo liên quan đến  quy trình vận hành và giám sát vận hành việc xả đáy, xả lũ từ các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo an toàn vùng hạ du.
Đại biểu Lô Thị Kim Ngân chất vấn tại kỳ họp. Ảnh tư liệu
Và thực tiễn sau đó, do tác động của cơn bão số 3, số 4, cộng với việc vận hành xả lũ của một số nhà máy thủy điện trong những ngày cuối tháng 8/2018 vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân vùng hạ du. Từ đó đặt ra cho các cấp, các ngành trách nhiệm trong việc phê duyệt và giám sát quy trình xả đáy, xả lũ các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh nghiêm túc và chặt chẽ hơn.

Việc lựa chọn nội dung chất vấn của HĐND tỉnh trong năm 2018 còn mang tính gợi mở, định hướng phát triển của tỉnh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua chất vấn về thực trạng nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thông qua chất vấn, HĐND tỉnh cũng làm rõ, muốn đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; vấn đề cần được quan tâm hàng đầu đó là việc xác định các đề tài nghiên cứu khoa học vừa đảm bảo tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường kết nối các nhà khoa học để nghiên cứu và các doanh nghiệp để triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học; gắn với đó là các cơ chế, chính sách đi kèm để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng KHCN...

Nâng cao trách nhiệm trong chất vấn

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh: "Thực hiện tốt chính sách đối với người có công, vừa là trách nhiệm, vừa là đạo lý của chúng ta". Ảnh: Mai Hoa

Ở kỳ họp cuối năm 2018 (kỳ họp thứ 8), thay lựa chọn nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của một sở, ngành, HĐND tỉnh đã lựa chọn nội dung chất vấn theo nhóm đối tượng chịu tác động của chính sách và liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành quản lý. Đó là việc thực hiện chính sách cho người có công và việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh; 2 vấn đề được cử tri nhiều địa phương quan tâm phản ánh, kiến nghị ở nhiều kỳ tiếp xúc cử tri.

Và tại phiên chất vấn, bên cạnh ghi nhận những cố gắng của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện; các đại biểu HĐND tỉnh cũng nêu rõ nhiều tồn tại, hạn chế liên quan đến việc thực hiện 2 chính sách này. Và thông qua trả lời của đại diện lãnh đạo các ngành cũng đã thừa nhận những khó khăn, nhận thức rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới. “Khi xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp cụ thể, chắc chắn việc triển khai thực hiện 2 chính sách này trên địa bàn tỉnh thời gian tới sẽ tốt hơn, giảm dần sự bức xúc trong nhân dân” – Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan khẳng định.

Đánh giá hoạt động chất vấn năm 2018, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Ngoài việc trăn trở lựa chọn nội dung chất vấn mang tính bức thiết; HĐND tỉnh cũng tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn, phát huy trí tuệ, trách nhiệm của các đại biểu HĐND tỉnh để chuyển tải đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của cử tri vào nghị trường; đồng thời thấy được tinh thần  cầu thị, trách nhiệm cao trong giải trình cũng như trăn trở hơn về nhiệm vụ, giải pháp khắc phục cho thời gian tới của các ngành được chất vấn.

Đại biểu Thái Thị An Chung chất vấn tại kỳ họp thứ 8. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, thẳng thắn nói đã thật sự hài lòng về chất lượng và hiệu quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp thì chưa. Bởi có những vấn đề chưa được giải quyết, tháo gỡ sau chất vấn do vướng mắc về cơ chế, chính sách; có những vấn đề bị ràng buộc bởi nhiều cấp, nhiều ngành chịu trách nhiệm và quản lý, trong khi đó cơ chế phối hợp để giải quyết chưa hiệu quả; có vấn đề thì cần phải có nguồn lực và thời gian để giải quyết.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn cũng khẳng định: Chất vấn là công cụ giám sát trực tiếp của cơ quan HĐND đối với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong quá trình  triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhằm hướng tới mục tiêu, làm cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình, đảm bảo sự minh bạch và chế độ trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Vì vậy, bên cạnh trách nhiệm của UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương trong việc rà soát, có phương án, kế hoạch, và quyết liệt chỉ đạo giải quyết các tồn tại, thì cũng đặt ra trách nhiệm cho HĐND và từng đại biểu HĐND tỉnh trong việc đôn đốc việc thực hiện các kết luận phiên chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh.

Mặt khác, đó còn cần sự quan tâm theo dõi, giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh, các đoàn thể chính trị xã hội, các cơ quan báo chí và cử tri, nhân dân đối với các lời hứa của thủ trưởng các sở, ngành, để chất lượng, hiệu quả chất vấn của HĐND tỉnh ngày càng một nâng cao.