* Cử tri Nguyễn Hữu Châu (xóm 5, xã Hợp Thành, Yên Thành): Quan tâm đến nạn nhân chất độc da cam.
Qua xem phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu tại hội trường, tôi nhận thấy trong thời gian qua, chính sách đối với người có công đã được Đảng, Nhà nước, các cấp sở, ngành quan tâm. Một số vấn đề nổi cộm, bức xúc cũng đã được các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết tích cực, đặc biệt là vấn nạn thương binh giả.
Cử tri Nguyễn Hữu Châu, xóm 5, xã Hợp Thành, Yên Thành nêu kiến nghị.

Vấn đề này cũng đã được đề cập tại hội trường trong phiên chất vấn. Hơn ai hết, cử tri chúng tôi đề nghị các cấp xử lý nghiêm, phân minh, rõ ràng, rà soát chặt chẽ, đẩy lùi tình trạng trục lợi chính sách làm hồ sơ thương binh giả, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Trên thực tế, việc thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam còn nhiều hạn chế, bất cập. Các chính sách mới chỉ giải quyết được một phần. Mức trợ cấp thấp, đời sống của các nạn nhân chất độc da cam còn rất nhiều khó khăn. Theo tôi, những người bị nhiễm chất độc da cam cũng là đối tượng chính sách cần được quan tâm hơn nữa, nhất là những người bị bệnh nặng, bại liệt, không có khả năng lao động, sản xuất.
Đồng thời, các cấp, ngành cũng xem xét có chính sách đến người nuôi dưỡng, thân nhân của những người bị nhiễm chất độc da cam, nhằm phần nào động viên, sưởi ấm và là động lực để các nạn nhân và người nhà vượt khó vươn lên trong cuộc sống.
* Cử tri Vũ Khắc Biền (xóm 1, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành): Giải ngân hỗ trợ nhà ở cho người có công.
Cử tri Vũ Khắc Biền. Ảnh: Thái Hồng
Năm 2013, địa phương bắt đầu triển khai hỗ trợ làm nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, quá trình thực hiện còn chưa sát sao, chậm tiến độ, nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn.
Thêm vào đó, nhiều gia đình do điều kiện nhà ở xuống cấp trầm trọng không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão nên một số gia đình mặc dù chưa được bố trí kinh phí nhưng đã vay mượn để sửa chữa, cải tạo hoặc xây dựng lại nhà ở nên lâm vào cảnh nợ nần.
Tình trạng này đang được dần khắc phục trong năm 2018, tuy nhiên đến nay nhiều gia đình người có công vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ do những vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời.
Do đó, tôi kính mong các cấp, ngành cần có nguồn lực để kịp thời hỗ trợ, từ đó tất cả các hộ gia đình người có công thuộc diện được hỗ trợ nhà ở đều được sống trong những căn nhà vững chắc, khang trang.
* Cử tri Ngô Thị Sửu (khối 8, phường Lê Lợi, Tp.Vinh): Nới lỏng danh sách bệnh lý chất độc màu da cam.
Cử tri Ngô Thị Sửu. Ảnh: Mỹ Nga
Tại phiên chất vấn liên quan đến những chính sách cho người có công, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã nêu được những kết quả đạt được và thẳng thắn chỉ ra những sai sót, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
 

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp hy sinh từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhưng nhiều năm qua chưa được công nhận là liệt sĩ, do vướng mắc về giấy tờ, thủ tục. Nhiều thân nhân liệt sĩ cũng đã mất hoặc tuổi đã cao, sức yếu không thể đi lại lo thủ tục được, cũng không còn nhiều thời gian để chờ đợi... Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần đưa ra giải pháp thiết thực, kịp thời giải quyết chế độ.

Những quy định nào còn bất cập thì cần sớm sửa đổi để làm sao bảo đảm cho tất cả người có công đều được công nhận và hưởng chính sách đãi ngộ, tránh bị thiệt thòi.

Bên cạnh đó, còn nhiều bất cập trong chế độ, chính sách, vẫn còn rất nhiều nạn nhân da cam chưa được hưởng chế độ. Những người trở về từ chiến trường bị ảnh hưởng từ chất độc da cam, song thực tế lại không được công nhận là nạn nhân da cam, vì những căn bệnh đang mang trong mình không có trong danh mục 17 loại bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

Do đó, tôi mong muốn các cấp bộ, ngành chức năng cần đẩy nhanh việc hoàn thiện chính sách đối với những người bị nhiễm chất độc da cam, đặc biệt là những người từng tham gia kháng chiến. Đồng thời, nghiên cứu, ban hành bổ sung, nới lỏng danh mục các loại bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học nhằm tránh tình trạng người bị bệnh do phơi nhiễm nhưng không được xem xét giải quyết chính sách.

* Ông Nguyễn Hồng Quảng (khối 2 thị trấn Con Cuông):Giải pháp giải quyết việc làm cho đối tượng được cử tuyển chưa rõ

Qua theo dõi phiên chất vấn chiều nay về việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc, tôi thấy các câu hỏi chất vấn đã bao quát được hầu như toàn diện các vấn đề lớn trong thực hiện chính sách dân tộc, miền núi.

Tôi rất thích câu hỏi của đại biểu nêu về chế độ cử tuyển và tình trạng bố trí cán bộ công chức viên chức là người dân tộc thiểu số. Về phần trả lời, đối với việc tuyển dụng cán bộ công chức người dân tộc thì ông Giám đốc Sở Nội vụ cũng có đưa ra được nguyên nhân, nhưng phần giải pháp chúng tôi chưa được rõ lắm.

Ông Nguyễn Hồng Quảng, khối 2 thị trấn Con Cuông. Ảnh: Bá Hậu
Tuy nhiên, trong phần kết luận của ông Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đã chỉ ra được những hạn chế trong trả lời chất vấn, đó là các giải pháp đưa ra còn chưa rõ, chưa sát thực tế.

Tôi mong muốn qua hoạt động kỳ này, các chính sách dân tộc miền núi sẽ được thực hiện hiệu quả hơn, đặc biệt là các chính sách đầu tư về con người.

Hiện nay một số lượng lớn con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số sau khi học xong không có việc làm, các thiết chế văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc vẫn còn thiếu và yếu. Vấn đề này, cử tri đã phản ánh nhiều lần qua các cuộc tiếp xúc cử tri.

* Ông Lô Xuân Đức (bản Minh Tiến, xã Châu Hạnh, Quỳ Châu): Phát triển miền Tây là trách nhiệm chứ không phải ưu tiên, hỗ trợ

Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn về thực hiện các chính sách dân tộc, miền núi, tôi thấy cơ bản các đại biểu đã thể hiện được sự trăn trở, quan tâm đến việc phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo cho vùng miền Tây và các đồng bào dân tộc. Tuy nhiên phần trả lời, nhất là các giải pháp thì chưa được rõ lắm. Nhất là giải pháp về phát triển kinh tế.

Đặc biệt là vấn đề giao đất giao rừng. Sự giao tranh, chồng lấn giữa đất rừng và đất sản xuất của người dân miền núi đã gây ra bao hệ lụy, người dân muốn ở lại quê hương để lao động sản xuất cũng không thể bởi không lấy đâu ra đất.

Ông Lô Xuân Đức, bản Minh Tiến, xã Châu Hạnh, Quỳ Châu. Ảnh: Kế Kiên
Một vấn đề nữa là đường giao thông, không có đường đi thì có làm ra sản phẩm cũng không thể tiêu thụ. Nghèo vẫn hoàn nghèo.

Về 2 vấn đề này, trong phần trả lời chất vấn của ông Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đã xây dựng xong kế hoạch thực hiện các giải pháp mới cho năm 2019 và các năm tiếp theo về tuyên truyền và  đầu tư nguồn lực. Các cơ quan chức năng cũng sẽ thực hiện giao đất gắn giao rừng, dự kiến đầu 2019 với hơn 100 nghìn ha. Tôi hy vọng việc này sẽ được thực hiện như trả lời của Giám đốc Sở NN&PTNT.

Nhìn chung, tôi thấy phiên chất vấn đã đưa ra được nhiều vấn đề, đại biểu các sở ngành đã trả lời khá rõ ràng. Tuy nhiên, cử tri chúng tôi mong chờ không chỉ là hỏi thế nào, trả lời ra sao mà sẽ thực hiện như thế nào.