Cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến, người Việt Nam nói chung, người Nghệ (bao gồm cả Nghệ An, Hà Tĩnh) nói riêng, dù đang sinh sống, học tập tại quê hương hay ở bất cứ quốc gia, dân tộc nào trên thế giới đều nhớ về câu chuyện “Sự tích cây nêu”.
Bởi, theo dòng chảy lịch sử dựng nước, phát triển, giữ nước của dân tộc từ thuở các Vua Hùng, Vua An Dương Vương gắn với sự ra đời và trường tồn của nhà nước Văn Lang - Âu Lạc (ít nhất là trong tâm thức và trí tuệ của các thế hệ tiếp nối con cháu Lạc - Hồng), cho đến tận thời kỳ bùng nổ cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đầu thế kỷ XXI, kho tàng chuyện “Cổ tích Việt Nam” nói chung, “Sự tích cây nêu” nói riêng đã ngấm sâu vào máu thịt và trở thành những di sản văn hóa tinh thần vô giá.
Căn cứ vào các kết quả nghiên cứu về Phật giáo, xứ Nghệ được xem là nơi khởi nguồn của dòng chảy lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam. Còn Phật tử đầu tiên là Chử Đồng Tử, Tiên Dung trở thành Tứ Bất Tử trong tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm qua.
Sự hiện hữu của câu chuyện “Sự tích cây nêu” từ góc nhìn địa lịch sử, văn hóa có thể nhận định: Nền văn minh nông nghiệp lúa nước của người Việt lúc bấy giờ đã phát triển đến đỉnh cao. Người Việt Nam có thể trồng lúa (để loại bỏ tham vọng của quỷ khi hứa cho con người ngọn lúa còn quỷ chỉ lấy gốc lúa, hay trồng khoai lang để làm thất bại tham vọng của quỷ khi hứa cho con người gốc còn quỷ lấy ngọn, hoặc trồng ngô để loại bỏ hoàn toàn tham vọng của quỷ đòi lấy cả gốc lẫn ngọn chỉ dành cho con người phần thân cây!.
Lịch sử, văn hóa trồng và hạ cây nêu của các thế hệ người Nghệ nói riêng, Việt Nam nói chung từng trải qua những bước thăng trầm trước những biến động của lịch sử dân tộc. Chẳng hạn, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 -1954), chống đế quốc Mỹ (1954 -1975) cho đến hết những năm 80 của thế kỷ trước, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, bóng dáng cây nêu dựng lên ở trên cánh đồng làng, gần cạnh con đường đất vào làng, xã dọc đôi bờ tả hữu sông Lam, sông La vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm,…dường như chỉ tồn tại trong ký ức của người già hay trong lời giảng bài của các thầy, cô giáo trong những giờ giảng Văn trên lớp, hoặc trên trang sách.
Cùng với công cuộc đổi mới đất nước, bao giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của ông cha tưởng như đã biến mất đã, đang được phục hưng. Lịch sử, văn hóa trồng cây nêu ngày Tết ở vùng đất xứ Nghệ cũng sớm được phục hồi, phát triển và ảnh hưởng đa chiều đối với đời sống văn hóa, tinh thần của mọi người, mọi nhà từ các huyện, thị, thành phố đồng bằng ven biển như: Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, thành phố Vinh, Hưng Nguyên (Nghệ An)... vào tận Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh),… đến các huyện miền núi phía Tây như: Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn… (Nghệ An)...; Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh). Nhưng lịch sử, văn hóa trồng, hạ cây nêu ngày Tết của người Nghệ trong thời hiện đại có nhiều điểm khác biệt so với trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mà lâu nay nhiều người ít quan tâm, nghiên cứu.
Chẳng hạn, trước đây, cư dân các làng, xã, trang, phường ở tỉnh Nghệ An, mỗi làng, xã thường chỉ trồng 1 cây nêu ngay trên cánh đồng làng. Vị trí trồng cây nêu thường được chọn để làm sao cho đại bộ phận các hộ gia đình trong làng, xã đều nhìn thấy. Cây nêu được chọn từ 1 cây tre vang, có các đốt mắt đều đặn, không bị sâu, kiến (mắt kiến). Trên ngọn cây nêu có thể có khánh bằng đất nung để mỗi khi gió rung, phát ra âm thanh dọa, đuổi lũ quỷ (theo quan niệm). Ngoài ra, người ta còn có thể buộc bó lá dứa (dân Nghệ An gọi là cây dứa dại) hoặc cành đa mỏ hái cho lũ quỷ khiếp sợ không dám tranh cướp vùng đất của làng, xã với con người. Có một số làng, xã, trang, phường ở lưu vực sông Lam còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía Đông và rắc vôi bột, thậm chí là cả máu chó xuống đất để cấm tiệt lũ quỷ vào làng trong những ngày Tết, với niềm tin mãnh liệt tất cả các thành viên trong làng, xã được Đức Phật che chở, tránh được mọi sự quấy phá của lũ ác quỷ trong những ngày Xuân về, Tết đến, nhà nhà vui Xuân, đón Tết bình yên, khang thái.
Làng, xã lo việc dựng cây nêu, còn các hộ gia đình trong làng lo quét dọn bếp lửa, đi chợ mua cá chép, áo quần, tiền vàng cho 3 ông đầu bếp (Táo quân), rồi tất bật về nhà lo cúng Táo quân, thả cá để các ngài kịp cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo với Ngọc Hoàng trước giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp âm lịch (Ông Táo lên, về trời),...Đến ngày 7 tháng Giêng âm lịch, người Nghệ cúng Tết hạ nêu, đón ông Táo về nhà và hạ cây nêu của làng trồng trước cánh đồng làng xuống.
Trong 2 thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, từ huyện Quỳnh Lưu vào tận Kỳ Anh, lên Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn,...Thanh Chương, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong,.. thay vì mỗi làng trồng 1 cây nêu thì nhà nhà trồng cây nêu ngay trước cửa. Cây nêu chủ yếu là cây tre cần, được treo đèn lồng ở trên ngọn, cạnh đó là lá Quốc kỳ Việt Nam, toàn thân cây nêu được kết bằng đèn nháy đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng,... Nhiều hộ gia đình không dùng tre mà dùng thép vuông hay tròn làm cây nêu.
Thời gian dựng cây nêu ở các hộ gia đình cũng khác nhau. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, không ít hộ gia đình người Nghệ mãi đến ngày 26 hay 27 tháng Chạp mới dựng xong cây nêu. Và thời gian hạ cây nêu giờ đây có thể hết tháng Giêng, thậm chí nhiều hộ gia đình người Nghệ để hết mùa Xuân mới hạ nêu, cho dù ngày 7 tháng Giêng họ vẫn cúng Tết hạ nêu và đón ông Táo về nhà.
Cùng với ngày dựng cây nêu (23/12 âm lịch), người Nghệ cúng ông Bếp (tín ngưỡng thờ thần Lửa) với mong ước có được một mùa Xuân về mang theo cuộc sống no đủ, thanh bình cho mọi người, mọi nhà và cả cộng đồng làng, xã. Còn với việc thả cá chép ngoài ý nghĩa phóng sinh (liên quan đến Phật giáo), tín ngưỡng thờ thần Lửa, còn gắn với câu chuyện cá chép vượt Vũ môn hóa rồng, tượng trưng cho truyền thống hiếu học, khổ học và thành đạt của lớp lớp học trò xứ Nghệ xưa và nay. Làng, xã dựng 1 cây nêu, hay mỗi hộ gia đình dựng 1 cây nêu, nhà nhà cúng tiễn ông Táo, thả cá phóng sinh,... tất cả chỉ diễn ra trong 1 ngày trên tổng số 365 ngày của năm nhưng chứa đựng cả một giá trị lịch sử, văn hóa đa tầng nghĩa và thực sự là một trong những nét đẹp văn hóa mỗi độ Xuân về, Tết đến trong không gian văn hóa xứ Nghệ nói riêng rộng hơn là trời Nam, đất Việt xưa - nay và mãi mãi về sau.