Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng Tư

ttxvnthutuongphuc2_eaoo.jpgThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Sáng 3/5, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng Tư. 

Bên cạnh đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng Tư và 4 tháng đầu năm, Phiên họp có nội dung chủ đạo là rà soát, hoàn thiện các dự án luật và các văn bản dự kiến trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV sẽ khai mạc vào trung tuần tháng Năm tới. 

Trong phát biểu khai mạc Phiên họp, giao nhiệm vụ cho các thành viên Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết không để xảy ra tình trạng chậm trễ trong việc xây dựng các dự án luật chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. 

Thủ tướng thẳng thắn phê bình tình trạng chất lượng, tiến độ xây dựng các dự án luật trình Quốc hội còn chậm và chưa đảm bảo chất lượng. “Chính phủ khóa này đặt vấn đề thể chế lên trên hết,” Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Bộ Tư pháp và lãnh đạo các bộ, ngành cần rút kinh nghiệm, kiểm điểm và có giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng này. 

Ngay sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng, Chính phủ đã nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp báo cáo về kết quả xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và tình hình hình ban hành văn bản quy định chi tiết việc thi hành luật, pháp lệnh 4 tháng đầu năm 2018.

Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông" tại đầu cầu Hiền Lương

Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông" tại Khu Di tích đặc biệt quốc gia Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Quảng Trị).

Ngày 30/4, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông" nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2018) và 46 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2018).

Đến dự có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, tỉnh Quảng Trị; các cựu chiến binh tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị năm xưa cùng đông đảo người dân địa phương.

Lễ Thượng cờ được tổ chức trang nghiêm tại Kỳ đài lịch sử mà suốt 21 năm quân và dân cả nước đã bảo vệ lá cờ như bảo vệ chính trái tim Tổ quốc. Trong không khí trang nghiêm và nền nhạc Quốc ca, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh cột cờ Hiền Lương lịch sử thể hiện niềm kiêu hãnh, tự hào của dân tộc, là niềm tin, ý chí và sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam, là màu son rực rỡ của lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lễ Thượng cờ là dịp tôn vinh những chiến công của quân và dân trên mọi miền Tổ quốc đã làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, đưa giang sơn thu về một mối… Đây cũng là dịp để mỗi người cùng nhau ôn lại ký ức của một thời hào hùng và bi tráng, tôn vinh những chiến công bất tử cũng như tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh, đồng thời, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ đi sau cần phải nỗ lực xây dựng đất nước xứng đáng với cha ông.

Trong không khí trang nghiêm, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên đỉnh cột cờ Hiền Lương mở đầu cho các hoạt động văn hóa - thể dục, thể thao chào mừng Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị.

Thị xã Sa Pa sẽ thành lập trên cơ sở giữ nguyên trạng địa giới huyện Sa Pa hiện nay

Ruộng bậc thang ở San Sả Hồ (Sa Pa). Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Chiều 4/5, Hội đồng nhân dân dân tỉnh Lào Cai khóa XV đã họp kỳ thứ 6 (bất thường), thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp xã huyện Sa Pa để chuẩn bị cho việc thành lập thị xã Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cai.

Sau khi nghe tờ trình của các đơn vị thành viên UBND tỉnh Lào Cai, các đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp xã huyện Sa Pa. 

Theo đó, HĐND tỉnh Lào Cai đã thống nhất 100% ý kiến về việc thành lập thị xã Sa Pa trên cơ sở giữ nguyên trạng địa giới hành chính của huyện Sa Pa hiện nay với tổng diện tích tự nhiên 681,37 km2 và dân số 61.498 người, gồm 16 đơn vị hành chính cấp xã (10 xã, 6 phường), giảm 2 đơn vị hành chính so với hiện nay. 

Như vậy, theo quy hoạch, 6 phường sẽ bao gồm: Sa Pa, Hàm Rồng, Phan Si Păng, Cầu Mây, Ô Quý Hồ và Sa Pả; 10 xã là: Ngũ Chỉ Sơn, Mường Hoa, Liên Minh, Thanh Bình, Hoàng Liên, Mường Bo, Trung Chải, Tả Van, Bản Hồ, Tả Phìn.

Cách tất cả chức vụ Đảng, xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội với bà Phan Thị Mỹ Thanh

Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng. Ảnh: TTXVN

Ngày 4/5/2018, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ trình số 111-TTr/UBKTTW, ngày 27/4/2018 về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Những vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân. Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật.

UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Chương trình biểu diễn nghệ thuật Bài Chòi tại buổi lễ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tối 5/5, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đã diễn ra lễ đón nhận bằng UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tham dự lễ có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành, các vị khách quốc tế, đông đảo nhân dân Bình Định và các tỉnh Trung Bộ. 

Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã trao bằng ghi danh “Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao cùng đại diện 9 tỉnh, thành phố có nghệ thuật bài chòi.

Nghệ thuật Bài chòi là một hoạt động văn hóa quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng. Các câu chuyện trong Bài chòi là những bài học đạo đức, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân, đồng thời mang tính giáo dục cao.

Bài chòi được phổ biến và là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhân dân lao động, và đi đến đâu, loại hình văn hóa này cũng được công chúng hưởng ứng, dễ dàng tham gia. Giai điệu của Bài chòi trầm, bổng, lối hát và biểu diễn lôi cuốn, mang tính tập thể cao. 

Làm rõ trách nhiệm vụ xe chở cây quá tải trên đường

Một trong ba cây cổ thụ quá khổ, quá tải bị tạm giữ ở Huế. Ảnh: Võ Thạnh

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa có ý kiến về báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh phản ánh của báo chí liên quan đến phương tiện chở cây xanh quá khổ, quá tải đi trên đường bộ tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng các bộ: Công an, Giao thông vận tải trực tiếp chỉ đạo, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến các thông tin mà báo chí phản ánh liên quan đến sự việc trên; có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các sai phạm (nếu có).

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp giải quyết dứt điểm trước ngày 7/5 đối với 3 cây cổ thụ đang được trồng tạm trên địa bàn, tránh ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.

Phó Thủ tướng cũng giao Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì việc sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 32 ngày 25/11/2016 của Thủ tướng về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; đề xuất biện pháp kiểm soát tải trọng phương tiện phù hợp với tình hình mới, báo cáo Thủ tướng trước ngày 31/7./.