Khai mạc tại Hà Nội sáng 7/5, Hội nghị Trung ương tập trung thảo luận ba đề án. Đó là "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ"; "Cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp"; và đề án "Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội".
Bên cạnh đó, Trung ương cũng sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về công tác cán bộ; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017; Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 6 đến Hội nghị Trung ương 7; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng, thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp năm 2017.
Đề án “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” do Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị đề xuất nhiều đột phá trong công tác cán bộ. Cụ thể, việc đánh giá cán bộ sẽ gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ; ưu tiên người trẻ có tài vào vị trí lãnh đạo, kể cả vượt cấp; tổ chức thi tuyển cạnh tranh; mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm; chống chạy chức chạy quyền; bí thư cấp tỉnh, huyện không là người địa phương...
Đề án cải cách chính sách tiền lương đặt vấn đề ban hành hệ thống bảng lương mới, khoán quỹ lương, giao quyền tự chủ quyết định chính sách tiền lương...
Còn đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đề xuất 8 điểm mới gồm mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng và hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng dần; kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và thu hẹp khoảng cách về mức lương hưu; rút ngắn thời gian tham gia BHXH...
Dự kiến, Hội nghị Trung ương 7 sẽ làm việc một tuần, bế mạc vào ngày 12/5.