Từ truyền thống khoa bảng của cha ông, lớp lớp con cháu làng Quỳnh hôm nay tiếp tục theo gương đạo học, thành nhân, thành tài, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp. Theo lãnh đạo xã Quỳnh Đôi, dù ở trong giai đoạn nào sự học hành luôn được đặt lên hàng đầu, ưu tiên số một của mọi nhà, mọi người dân làng Quỳnh.
Kết quả có được ghi dấu ấn từ chương trình tín dụng chính sách; hơn 10 năm qua, nhờ được tiếp cận nguồn vốn chính sách, phong trào học tập ở “làng tiến sĩ” diễn ra sôi nổi. Hiện địa phương có dư nợ NHCSXH huyện trên 20 tỷ đồng, trong đó, riêng chương trình tín dụng HSSV chiếm 12% tổng dư nợ và gần 6.000 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chính sách thực hiện ước mơ của tuổi trẻ nơi giảng đường đại học.
Không chỉ nổi tiếng với “làng tiến sĩ” từ thời xa xưa mà về Quỳnh Lưu hôm nay, người ta ấn tượng với “xóm đại học”. Ở xã miền núi Quỳnh Tân, xóm 5 đặc biệt nghèo khó nhất xã; đất đai khô cằn, đời sống nhân dân khó khăn, thiếu thốn. Thế rồi cũng như các thôn, xóm khác, cái nghèo của xóm 5 đã được chú ý.
Ngay ở đầu “xóm đại học” có gia đình ông Nguyễn Đình Tâm là gương sáng về sự vượt khó và hiếu học. Nhà đông con, hoàn cảnh thuộc diện khó khăn nhưng vợ chồng ông Tâm đã gắng sức làm ruộng, trồng rừng và sử dụng tiết kiệm, hợp lý đồng vốn vay của NHCSXH nuôi các con ăn học đến nơi, đến chốn. Hiện gia đình ông đóng góp cho “xóm đại học” 2 kỹ sư, 1 cử nhân. Đó là 3 sinh viên Nguyễn Đình Thành, Nguyễn Đình Trung, Nguyễn Đình Bảo đã lần lượt tốt nghiệp xuất sắc tại Học viện Kỹ thuật Quân sự và Đại học Công nghiệp Hà Nội đã có việc làm, thu nhập ổn định và gửi tiền về quê giúp bố mẹ trả hết nợ vay (44,5 triệu đồng) của chương trình tín dụng HSSV.
Trong “xóm đại học”, ngoài gia đình ông Tâm còn rất nhiều trường hợp khác như gia đình bà Nguyễn Thị Liên, ông Hồ Sinh Lạn, ông Hồ Văn Quy, nhà ông Lô, bà Tiến… đã được NHCSXH hỗ trợ kịp thời về tiền vốn ưu đãi để chăm lo cho con em học tập.
Là một xã miền núi còn gặp nhiều khó khăn, nhưng phong trào học tập ở đây phát triển rất mạnh, nhất là ở xóm 5, “xóm đại học” luôn dẫn đầu về số lượng học sinh đỗ đại học, cao đẳng và đóng góp khá nhiều cử nhân, kỹ sư, bác sỹ, tiến sỹ có nghề nghiệp vững vàng và sự nhiệt tâm với quê hương, đất nước.
Đó là trường hợp gia đình chị Đậu Thị Thu ở xóm Minh Thắng, xã Quỳnh Bảng thuộc diện hộ nghèo. Hộ được duyệt vay 90 triệu đồng (đã vay 30 triệu đồng) cho sinh viên Nguyễn Thị Thúy học Trường Đại học Y khoa Vinh (khóa 2018-2024) do Hội Cựu chiến binh quản lý. Hộ vay chấp hành tốt việc trả lãi hàng tháng.
Đồng vốn chính sách thuộc chương trình tín dụng HSSV đã hỗ trợ kịp thời hiệu quả để con em nông dân theo đuổi ước mơ học tập. Các cấp hội, đoàn thể, các Tổ TK&VV của địa phương cũng đã làm tốt “cầu nối” cho NHCSXH chuyển tải đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Nhờ đó, trên địa bàn xã cơ bản không có HSSV nào phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí.
Thực tế cho thấy, Quỳnh Lưu là một trong những huyện có dư nợ chương trình tín dụng HSSV cao của Nghệ An. Phong trào học tập đã lan tỏa khắp toàn huyện, từ miền núi đến vùng biển.
Chị Hồ Thị Thoa - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXHhuyện cho biết: Với số lượng cán bộ có hạn, địa bàn rộng, chia cắt, NHCSXH huyện thường xuyên phải gồng mình trước áp lực khối lượng công việc lớn với hàng trăm nghìn món vay. Thế nhưng, nêu cao trách nhiệm làm “điểm tựa” đã chuyển tải nguồn vốn chính sách đến những gia đình nghèo hiếu học. Những người làm tín dụng nơi đây luôn nỗ lực, tận tâm, phối hợp hiệu quả với chính quyền các cấp và các tổ chức hội, đoàn thể ủy thác tổ chức thực hiện tốt chương trình.
Năm học mới đã đến với những cánh cửa rộng mở từ các trường cao đẳng, đại học đón chờ con em nông dân xứ Nghệ. NHCSXH Quỳnh Lưu nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung tiếp tục đồng hành với những gia đình nghèo hiếu học, để nguồn vốn chính sách từ chương trình nhân văn này làm “điểm tựa” cho hàng trăm, hàng nghìn HSSV chắp cánh ước mơ bay cao, bay xa, tạo nguồn nhân lực cho quê hương, đất nước.