Không đa dạng như súng trường tấn công, hiện nay súng ngắn trang bị cho Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ gồm có những chủng loại sau đây.

1. Súng ngắn Tokarev TT-33 (K54)

images1684583_bna_57d7bceabffd0.jpgSúng ngắn TT-33 (K54)

Thông số cơ bản: trọng lượng rỗng/nạp đạn 0,84/0,91 kg; dài 194 mm; rộng 32,1 mm; cao 134 mm; nòng dài 116 mm. Súng dùng loại đạn 7,62 x 25 mm có sơ tốc 420 m/s; tầm bắn hiệu quả 50 m; tầm bắn sát thương 150 m, hộp tiếp đạn chứa được 8 viên.

TT-33 (viết tắt của Tokarev Tulla 1933) là loại súng ngắn bán tự động cỡ 7,62 mm của Liên Xô được Fedor Tokarev thiết kế vào năm 1929 với mục đích dự kiến thay thế cho người tiền nhiệm Nagant M1895. Bản mẫu chế thử TT-30 vượt qua cuộc thử nghiệm cấp quốc gia ngày 23/12/1930, năm 1933 súng được cải tiến lần cuối dùng cơ cấu cò đẩy thay cho cò quay và năm 1934 bắt đầu được sản xuất hàng loạt.

TT-33 được sản suất và sử dụng với số lượng lớn trong Thế chiến thứ 2 với khoảng 600.000 khẩu trang bị cho Hồng quân. Tuy nhiên việc sản xuất đã bị ngừng lại từ năm 1954 do Liên Xô quyết định chuyển sang dùng súng ngắn 9 mm Makarov PM hiện đại hơn. Mặc dù vậy TT-33 vẫn tiếp tục phục vụ trong quân đội và công an Liên Xô đến tận năm 1970.

Thân súng TT-33 hoàn toàn làm bằng thép, máy súng khá đơn giản và tin cậy, không dùng một bulong hoặc đinh vít nào mà kết nối các bộ phận bằng các khe, rãnh, lẫy và chốt hãm. Việc tháo lắp, bảo dưỡng, sửa chữa cũng rất đơn giản khi chỉ cần sử dụng hộp tiếp đạn và tay không là có thể tháo rời khẩu súng thành từng bộ phận.

Đạn 7,62 x 25 mm của TT-33.

TT-33 sử dụng loại đạn chày đầu tròn 7,62 x 25 mm, cải tiến từ đạn 7,63 mm Mauser gồm 2 chủng loại chính là đạn xuyên và đạn vạch đường. Thiết kế điểm chạm của đạn trên mục tiêu có độ cao chênh lệch ăn lên 15,6 cm so với điểm ngắm (ở cự ly 25 m), cho phép người sử dụng có thể quan sát toàn bộ mục tiêu trong khi ngắm bắn. Mặc dù hộp tiếp đạn có sức chứa 8 viên nhưng có thể lắp thêm viên thứ 9 trực tiếp vào buồng đạn của súng.

Súng ngắn TT-33 được sản xuất theo giấy phép tại một số quốc gia đồng minh của Liên Xô như Hungary, Triều Tiên, Ba Lan, Rumani, Nam Tư... từ những năm 1950. Trung Quốc sao chép lại TT-33 và gọi là súng ngắn "Kiểu 1954", khi loại súng này vào Việt Nam nó được định danh Việt hóa theo cách gọi của Trung Quốc thành K54.

Hiện nay K54 vẫn là súng ngắn phổ biến nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thường được trang bị cho sĩ quan cấp úy hay lính cảnh vệ. Mặc dù nhiều quốc gia khác đã chuyển sang sử dụng các loại súng ngắn hiện đại hơn nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy K54 sẽ sớm được Việt Nam cho “về hưu”.

Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam kiểm tra bắn súng ngắn K54

2. Súng ngắn Makarov PM (K59)

Súng ngắn Makarov PM (K59)

Thông số cơ bản: trọng lượng rỗng/nạp đạn 0,73/0,81 kg; dài 161,5 mm; rộng 30,5 mm; cao 126,75; nòng dài 93,5 mm. Súng dùng loại đạn 9 x 18 mm có sơ tốc 315 m/s; tầm bắn hiệu quả 50 m; hộp tiếp đạn chứa được 8 - 12 viên.

Makarov (hay còn được gọi là PM) là loại súng ngắn bán tự động do Nikolay Makarov thiết kế vào cuối thập niên 1940. Việc chế tạo súng ngắn PM (Pistol Makarov) là kết quả của cuộc cạnh tranh cho vị trí khẩu súng ngắn dành cho sĩ quan Quân đội Xô Viết. PM được chọn vì có kích thước nhỏ, gọn, trọng lượng nhẹ; cấu tạo đơn giản, ít bộ phận chuyển động, kinh tế, dễ chế tạo, độ chính xác cao, sử dụng tiện lợi, dễ bảo quản, sửa chữa và điều chỉnh.

Thân súng PM nguyên bản làm hoàn toàn bằng thép, ở các phiên bản hiện đại hóa làm bằng hợp kim; có các khe, chốt, khoang để lắp nòng súng, bệ cò, vòng cò, bệ búa, khóa nòng, hộp tiếp đạn, ốp báng, chốt an toàn. Loại súng này được trang bị phổ biến trong quân đội và cảnh sát cho đến khi xảy ra sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991.

Đạn Makarov 9 x 18 mm

Súng ngắn Makarov sử dụng loại đạn 9 x 18 mm mới có giá thành sản xuất tương đối thấp, loại đạn này có sức xuyên phá mạnh ở tầm gần. Hộp tiếp đạn nguyên bản của súng sử dụng lò so đẩy thẳng với sức chứa 8 viên ( lên đến 12 viên ở phiên bản cải tiến), có chốt chặn khóa nòng báo hết đạn.

Giống như TT-33, súng ngắn PM cũng được sản xuất tại các quốc gia đồng minh của Liên Xô như Bulgaria, Đông Đức, Trung Quốc... Cách định danh K59 của Việt Nam cũng tương tự như trường hợp K54.

Các sĩ quan thuộc Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra bắn súng ngắn K59

So với K54 thì trong quân đội súng ngắn K59 ít phổ biến hơn, chủ yếu trang bị cho sĩ quan từ cấp tá trở lên. Tuy nhiên súng ngắn K59 cùng với phiên bản cải tiến của nó là CZ 83 lại được sử dụng rất rộng rãi bên ngành công an.

Súng ngắn CZ 83

Súng ngắn CZ 83 là phiên bản xuất khẩu của súng ngắn CZ 82 được chế tạo tại Tiệp Khắc cũ và Cộng hòa Séc, Slovakia ngày nay. CZ 83 được coi là một phiên bản nâng cấp của súng ngắn K59, vẫn sử dụng đạn 9 x 18 mm Makarov, loại súng này có mặt tại Việt Nam từ cuối những năm 1980.

CZ 83 trang bị hộp tiếp đạn 12 viên, đầu ruồi và thước ngắm gắn phản quang cho khả năng ngắm ban đên rất tốt, bên cạnh đó hành trình cò dài và nhẹ hơn. Theo nhận xét của những người đã từng bắn thử cả 3 loại súng thì đạn bắn đi từ CZ 83 có độ chụm rất tốt, thành tích thường cao hơn hẳn khi bắn bằng K59 hay K54.

Cảnh sát Việt Nam luyện tập với súng ngắn CZ 83

Theo dailo.vn

TIN LIÊN QUAN