Một nguồn tin của Nga nhận định rằng, Việt Nam muốn mua tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ mang tên lửa hành trình Kalibr, thuộc lớp “Buyan-M” của Nga.

Chuyên gia Nga: Việt Nam muốn mua tàu tên lửa Buyan-M

Hiện nay, các chuyên gia quân sự Nga cho rằng, tàu cao tốc tên lửa lớp "Tarantul" của lực lượng Hải quân Việt Nam (thuộc dự án tàu tên lửa 1241 "Molnya"), do Liên Xô chế tạo nay đã cũ và trở nên lỗi thời, vì vậy trong tương lai gần cần được thay thế bằng loại tàu chiến hiện đại.

Những chuyên gia này cho rằng, các tàu chiến cũ không đáp ứng những yêu cầu tác chiến hiện đại (ví dụ như không có công nghệ tàng hình) và không thể bảo vệ hoàn toàn lãnh hải của đất nước. Do đó, trong tương lai Việt Nam sẽ không tiếp tục chế tạo thêm các tàu loại này.

Vừa qua, đã xuất hiện thông tin về việc Việt Nam sẽ thay thế các tàu tên lửa lỗi thời, thiết kế từ thời Liên Xô thuộc lớp "Molnya". Loại tàu đầu tiên được các chuyên gia đề cập đến là tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ (dưới 1000 tấn) lớp "Buyan-M" (thuộc dự án 21.631), đang được chế tạo ồ ạt cho hải quân Nga.

Buan-M là dự án đóng tàu chiến hải quân tiên tiến nhất của Nga, mang tầm cỡ thế giới (chiếc đầu tiên biên chế năm 2013). Do đó, cho đến nay, mới chỉ có năm chiếc "Buyan-M" được trang bị cho Hải quân Nga, nhưng bốn tàu khác của dự án này đang được chế tạo.

Chỉ mới được đưa vào biên chế hải quân Nga không lâu (tháng 3/2013) nhưng tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ lớp "Buyan-M", thuộc đề án 21631 (có lượng giãn nước vẻn vẹn 949 tấn) đã chứng tỏ một chân lý là: “Nhỏ không có nghĩa là yếu”.

So với tàu Molnya của Liên Xô, tính năng và hệ thống thiết bị của tàu tên lửa đề án "Buyan-M" được tuân thủ theo các tiêu chuẩn tiên tiến nhất, còn vũ khí trang bị của nó được đánh giá là còn mạnh hơn so với hầu hết tàu hộ vệ hạng nặng trên thế giới.

images1685525_viet_nam_se_mua_tau_ten_lua_kalibr_lop_buyan_m__57d8fdcd54389.jpgTàu chiến cỡ nhỏ Buyan-M của Nga đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng với tên lửa hành trình Kalibr

Tàu hộ vệ hạng nhẹ này đã cho cả thế giới thấy tiềm năng của mình hồi tháng 10 năm ngoái và tháng 8 năm nay, khi đội tàu Buyan-M của Hạm đội Caspian giáng đòn tấn công vào các cứ điểm của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) ở Syria.

Ngày 7/10/2015, 4 chiến hạm của Hạm đội Caspian/Nga (3 chiếc Buyan-M) đã chính thức tham gia chiến dịch tấn công Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) với vụ phóng 26 quả tên lửa hành trình Kalibr-NK từ vùng biển Caspian sang lãnh thổ Syria.

Các tàu chiến này đã phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14T của hệ thống Kalibr-NK (phiên bản trang bị trên tàu nổi) từ vùng biển Caspian, vượt hơn 1500km, qua lãnh thổ Iran và Iraq để tấn công các mục tiêu mặt đất của IS ở Raqqa, Aleppo của Syria.

Chưa đến nửa tháng sau, vào 20 tháng 10, màn hỏa lực khủng khiếp tương tự chụp xuống IS lần thứ hai, triệt hạ toàn bộ các mục tiêu. Và đến tháng 8 vừa qua, các tên lửa hành trình Kalibr từ tàu lớp Buyan-M lại khiến các tay súng khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS khiếp vía.

Chuyên gia Nga nhận định, sau thành công vang dội này, Hải quân Việt Nam đang nghiêm túc xem xét khả năng thay thế tàu Molnya thời Liên Xô bằng tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ mới nhất "Buyan-M" của Nga. Ngoài ra, có khoảng 10 quốc gia khác cũng đang cân nhắc việc mua loại tàu này.

Sức mạnh của dòng tên lửa hành trình Kalibr-NK

Dòng tên lửa Kalibr do Viện OKB Novator ở Yekaterinburg nằm trong Tập đoàn Phòng không Almaz-Antei phát triển. Đây là một họ tên lửa có 2 phiên bản chống hạm và tấn công mặt đất, với nhiều biến thể được trang bị trên nhiều phương tiện phóng khác nhau.

Các tên lửa họ Kalibr có một nguồn gốc phát triển chung là tên lửa hành trình chiến lược KS-122, của hệ thống S-10 Granat, có tầm phóng xa hơn 2.500 km, có khả năng mang 1 đầu đạn hạt nhân 100kt do Novator phát triển, được biên chế cho Hải quân Liên Xô năm 1984.

Tuy nhiên, người kế nhiệm là các tên lửa họ Kalibr đã hoàn thiện hơn về tính năng, vừa có khả năng tấn công mặt đất tầm xa hàng nghìn km, vừa có thể tấn công hủy diệt các chiến hạm mặt nước cỡ lớn tới 660km.

Kalibr có đầy đủ các các biến thể dành cho Lục quân (Kalibr-M) và Không quân Nga (Kalibr-A), nhưng các tên lửa này được trang bị phổ biến nhất trong Hải quân Nga. Chúng đang được sản xuất để trang bị cho tàu ngầm (Kalibr-PL) và tàu nổi (Kalibr-NK).

Trong hệ thống tên lửa Kalibr, ngoài các loại ngư lôi và tên lửa chống ngầm, phiên bản đối hạm cơ sở chuyên dụng cho tàu ngầm được định danh là 3M-54, còn phiên bản tấn công mặt đất cơ sở là 3M-14; phiên bản sử dụng trên tàu mặt nước thêm chữ T đằng sau.

Tên lửa 3M-14, theo định danh của Bộ Quốc phòng Nga (DOD) là SS-N-30A. Đây là một biến thể tấn công mặt đất dẫn đường quán tính triển khai cho các tàu ngầm Nga, có tầm phóng và tính năng ngang ngửa với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.

Nó có chiều dài cơ bản là 6,2 m (20 ft), với đầu đạn nặng 450 kg (990 lb), phạm vi tấn công là 1,500-2,500 km (930-1,550 mi), tốc độ hành trình cận âm Mach 0,8.

Các chiến hạm lớp Buyan-M chỉ có lượng giãn nước 949 tấn cũng có thể mang tới 8 quả tên lửa hành trình

Tên lửa 3M-14T cũng có định danh DOD là SS-N-30A, được triển khai cho các tàu mặt nước với hệ thống phóng thẳng đứng (VLS), với lực đẩy véc-tơ tăng áp. Chiều dài cơ bản của nó là 8,9 m (29 ft), các tham số khác cũng tương tự như 3M-14.

Tên lửa 3M-54, theo định danh của Bộ Quốc phòng Nga (DOD) là SS-N-27A (tên mã NATO là Sizzler) là tên lửa ngầm đối hạm tốc độ siêu âm, có chiều dài 8,22m, đầu đạn nặng 200kg nhưng tầm phóng tối đa lên tới 660km, đoạn cuối bay ở độ cao 4,6m so với mặt biển, với vận tốc 2,9Mach.

Tên lửa 3M-54T cũng có mã hiệu và định danh giống 3M-54. Đây là phiên bản tên lửa chống hạm phóng từ tàu mặt nước (hạm đối hạm). Ngoài sự thay đổi về chiều dài (8,9 so với 8,22m), mọi tham số khác của loại tên lửa hạm đối hạm giống hệt phiên bản ngầm đối hạm.

Các tên lửa Kalibr của Nga được triển khai trên các tàu mặt nước và tàu ngầm của lực lượng hải quân. Với khả năng phóng các tên lửa 3M-14T mang đầu đạn hạt nhân hàng trăm kt, hàng loạt tàu chiến thuật cỡ nhỏ như Buyan-M có sức mạnh còn trội hơn vũ khí chiến lược, mà lại khó đối phó hơn.

Do đó, dù được mệnh danh là “bé hạt tiêu” nhưng trong tương lai, các chiến hạm lớp Buyan-M mới là yếu tố làm nên sức mạnh của hạm đội tàu mặt nước của Nga.

Theo Datviet

TIN LIÊN QUAN