Phối hợp trên nhiều nội dung
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An gồm 10 huyện, thị xã, trong đó tập trung chủ yếu ở 6 huyện miền núi cao Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Châu, Con Cuông, Quỳ Hợp. Đây là vùng có điều kiện tự nhiên - xã hội hết sức khó khăn, kể cả trình độ nhận thức, ý chí vươn lên của đồng bào. Bởi vậy, vùng đồng bào dân tộc luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và tỉnh quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển vùng.
Theo rà soát của 2 Ban Dân tộc HĐND tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh, hiện có 118 văn bản và 54 đề án chính sách của Trung ương mang tính hỗ trợ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng còn hiệu lực.
Thời gian qua, Ban Dân tộc HĐND tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp tham mưu trình HĐND, UBND tỉnh triển khai thực hiện, đồng thời ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án nhằm cụ thể hóa việc triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương cũng như ban hành các chủ trương, chính sách riêng của tỉnh liên quan đế vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Gắn với đó, 2 ban cũng đã phối hợp tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách trong thực hiện; đồng thời thu nhận ý kiến, kiến nghị của cấp ủy, chính quyền và người dân vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chuyển tải, phản ánh đến các diễn đàn của tỉnh, nhất là tại các kỳ họp HĐND tỉnh và các kỳ họp UBND tỉnh để có giải pháp tháo gỡ….
Xác định nội dung phối hợp trọng tâm
Tại cuộc họp, các đại biểu đã dành thời gian đánh giá, phân tích hiệu quả phối hợp giữa 2 ban thời gian qua và xác định các nội dung phối hợp trọng tâm trong năm 2020. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường đặt ra băn khoăn, dù vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số được Trung ương, tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách và nguồn lực đầu tư, tuy nhiên nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội còn thấp.
Đặc biệt kết quả xây dựng NTM, chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt thấp và chỉ số đói nghèo còn cao; hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất y tế, trường học còn khó khăn. Đây cũng là vùng có nhiều vấn đề xã hội cần quan tâm, nhất là tệ nạn ma túy, buôn bán người, tảo hôn…
Từ thực tiễn đó, theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường, Ban Dân tộc HĐND tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh cần xác định các nội dung phối hợp có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó cần phối hợp rà soát, đánh giá hiệu quả triển khai các chương trình, đề án thuộc vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; chương trình, đề án nào thật sự có hiệu quả thì tiếp tục đề xuất, sửa đổi, bổ sung giải pháp về nguồn lực cũng như phân định trách nhiệm của từng cấp, từng ngành.
Bên cạnh đó, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, mỗi ban cũng cần tăng cường năng lực, vai trò, trách nhiệm và hiệu quả tác động của mỗi ban đối với sự phát triển chung cho vùng miền núi, dân tộc cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ của mỗi ban.
Trên cơ sở tham gia ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp, 2 ban đã thống nhất một số nội dung phối hợp trọng tâm trong năm 2020: Phối hợp tuyên truyền và tham mưu thể chế hóa để triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, đặc biệt là Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-Q/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH12 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH12.
Cùng đó, phối hợp tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các cơ chế chính sách còn hiệu lực, cũng như đánh giá mức độ đầu tư cho vùng, trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất cụ thể; đồng thời với đó là chủ động tham mưu, đề xuất các chương trình, dự án đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế và an sinh xã hội vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Hai bên cũng sẽ tăng cường phối hợp việc tiếp nhận, tổng hợp, đôn đốc việc giải quyết có hiệu quả các kiến nghị, phản ánh của cử tri và nhân dân vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số...Nhà nước sẽ đầu tư hơn 335.000 tỷ đồng để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số