Đây là lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam ban hành một nghị quyết tổng thể về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Lương Thanh Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An về tầm quan trọng của Nghị quyết đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An.
P.V:Nhiều năm công tác ở địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện đang giữ trọng trách tại cơ quan phụ trách về công tác này của tỉnh, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa nghị quyết nói trên?
Ông Lương Thanh Hải:Nước ta có 53 DTTS với 14.118.232 người, gần 3 triệu hộ dân (chiếm 14,7% dân số cả nước). Tỷ lệ dân số đồng bào DTTS chỉ chiếm 14,7%, nhưng tỷ lệ hộ nghèo lên đến 55,27% tổng số hộ nghèo của cả nước.
Riêng ở tỉnh Nghệ An, đồng bào dân tộc thiểu số theo tổng điều tra dân số mới nhất thì có 491.295 người, chỉ chiếm 14,6% dân số toàn tỉnh nhưng lại tương đương, thậm chí lớn hơn dân số một vài tỉnh.
Nếu không có chính sách kịp thời, đầu tư bài bản thì dần dần người nghèo cơ bản chỉ còn là người DTTS. Vì vậy, tôi cho rằng, việc Quốc hội thông qua nghị quyết trên là rất kịp thời và phù hợp với thực tiễn hiện nay.
P.V:Tuy nhiên, lâu nay chính sách đối với đồng bào DTTS và miền núi không phải là ít, thưa ông?
Ông Lương Thanh Hải:Sau khi rà soát, hiện nay nước ta có đến 118 chính sách, nhưng lại không tập trung, mà nằm rải rác ở các lĩnh vực, các bộ, ngành, chương trình, đề án... nên các chính sách thiếu sự điều phối chung, dẫn đến trùng lặp, phân tán, thiếu sự kết nối các chính sách.
Ví dụ, chúng ta vận động dân sản xuất, nhưng lại không liên kết được đầu ra, chế biến, thị trường tiêu thụ hoặc sản xuất nhưng không có đường vận chuyển sản phẩm.
Như tại xã Na Ngoi (Kỳ Sơn), bà con trồng gừng rất nhiều nhưng phải gùi từng gùi ra để bán thì rõ ràng công sức quá lớn, trong khi giá cả lại bấp bênh thì làm sao họ có thể yên tâm. Hay có những chính sách được ban hành nhưng kinh phí được bố trí thậm chí chỉ khoảng 1,05%... thì làm sao hiệu quả.
Vì vậy, Nghị quyết được ban hành sẽ tích hợp 118 chính sách đồng bộ, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng; phát huy vai trò, chức năng của cơ quan công tác dân tộc; bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù của vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tất cả được tích hợp thành trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Đây là Chương trình mục tiêu Quốc gia thứ ba, sau giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Và điều quan trọng là Quốc hội ban hành thì sẽ xác định bố trí rõ nguồn vốn từ đầu.
Với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết cũng có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, vì trong 17 mục tiêu thì có đến 15 mục tiêu liên quan đến vùng đồng bào DTTS.
P.V:Vậy, theo ông Nghệ An cần tiếp nhận Nghị quyết trên với tinh thần, cách làm như thế nào?
Ông Lương Thanh Hải: Quốc hội yêu cầu lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, do một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban Chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Phó trưởng Ban thường trực, có sự tham gia của các bộ, ban, ngành liên quan để chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình.
Vì vậy, tỉnh cũng phải thành lập ban chỉ đạo để làm việc này, trong đó có trưởng ban và một số phó trưởng ban và có đầy đủ thành viên các ngành liên quan, chứ không riêng Ban Dân tộc tham gia. Vì Ban Dân tộc chỉ là cơ quan thường trực khâu nối để tham mưu cho tỉnh, không thể làm thay các sở được; họ có chuyên môn riêng.
Tiếp đó, theo tôi, dựa trên đề án tổng thể của Trung ương, Nghệ An phải rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp từng nhiệm vụ gắn với tình hình thực tiễn ở Nghệ An.
Ví dụ tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập cần làm rõ cho từng vùng; hoặc quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư thì cần làm rõ chỗ nào cần sắp xếp, chỗ ổn định rồi; khu vực nào phù hợp trồng vùng nguyên liệu gì? Tức là phải nắm lại được hiện trạng, bức tranh chung của vùng đồng bào DTTS và miền núi của toàn tỉnh để có giải pháp phù hợp, sát thực tiễn.
Tôi cho rằng, dù giải pháp nào thì mục tiêu hướng đến đầu tiên vẫn phải là tạo được sinh kế ổn định, dần dần đến bền vững cho bà con tại nơi họ đang sống.
Tôi đi rất nhiều, có những huyện vùng cao đã đến gần như hết các xã. Ở với bà con mới thấy, họ cũng trăn trở làm ăn lắm chứ, không hẳn là trồng chờ, ỷ lại. Bà con hay hỏi những giống cây, giống con mang lại thu nhập ổn định…
Nhưng lâu nay, nhiều giống cây, giống con đưa về cũng bỏ sức làm rồi nhưng giá cả lại thấp, vận chuyển khó khăn, đầu ra không đảm bảo nên không bền vững.
Vì vậy, điều căn bản, cốt lõi nhất vẫn là phải cho người ta cảm thấy hướng làm ăn ổn định, không còn mông lung để rồi phải ly hương. Hỗ trợ đồng bào không có gì phải cao xa mà nên gần gũi, những cái gần nhất với nhân dân.
P.V: Xin cảm ơn ông!