(Baonghean) - Nhận kèm cặp thêm học sinh, tặng sách mới và quyên góp quần áo ấm giúp các em chống chọi với mùa đông đang đến gần là những việc làm thiết thực, chân tình của các thầy, cô giáo huyện Con Cuông trong nhiều năm qua. Từ đó, góp phần không nhỏ động viên, giúp học sinh chuyên tâm trong học tập và chuyên cần đến trường...
 
images1078253_gio_an_cua_cac_chau_truong_mam_non_mon_son.jpgGiờ ăn của các cháu Trường Mầm non Môn Sơn 2 (xã Môn Sơn, Con Cuông).
 
Là một trường thuộc xã biên giới, đại đa số học sinh là người dân tộc ít người, nhưng Trường Mầm non Môn Sơn 2 (Môn Sơn, Con Cuông) sớm về đích trong phổ cập học sinh mầm non 5 tuổi. Đây là điều không dễ dàng, nhất là khi địa bàn trường quản lý có đến 200 hộ dân là người Đan Lai và hầu hết phụ huynh ở đây chưa có ý thức phải cho con đi học trường mẫu giáo cũng như khả năng kinh tế để cho con ăn ở bán trú. Trước thực tế này, từ năm 2009, song song với việc chỉ đạo giáo viên theo dõi thường xuyên số lượng trẻ em trong độ tuổi mầm non tại các gia đình người Đan Lai, đặc biệt là những trẻ 5 tuổi; lập danh sách những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để xây dựng kế hoạch vận động cán bộ giáo viên nhà trường hỗ trợ giúp đỡ và tạo mọi điều kiện cho trẻ được đến trường, nhà trường vận động tất cả cán bộ giáo viên góp tiền nuôi các em ăn học, quyên góp áo quần tặng các em. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ ra lớp đạt chỉ tiêu, trường được công nhận phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi.
 
Năm học 2009 - 2010, Công đoàn và phòng Giáo dục và Đào tạo Con Cuông phát động hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “ba đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) cho học sinh, trong đó, xác định lấy việc chăm lo cho học sinh Đan Lai làm nhiệm vụ chính; đồng thời xây dựng kế hoạch mỗi đoàn viên trích phần lương của mình để giúp đỡ trẻ em 5 tuổi người Đan Lai  và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngay trong đợt phát động đầu tiên, 20 giáo viên trong trường đã huy động được 5.750.000 đồng, đủ để nuôi 5 học sinh khó khăn nhất của trường trong suốt năm học đó. Nhận thức được việc làm có ý nghĩa thiết thực và mang tính nhân văn, từ đó đến nay, năm học nào giáo viên của trường cũng đóng góp tiền để nuôi bán trú cho trên 20 học sinh là trẻ em người Đan Lai và trẻ em khó khăn trong vùng với mức hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng/năm. Cô giáo Nguyễn Thị Hợi - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn trường cho biết: Điều  chúng tôi trăn trở nhất là khi trẻ không đến trường thì sẽ không đủ tự tin và những kiến thức cơ bản cần thiết để bước vào lớp 1. Như vậy, về lâu dài các em ở vùng sâu, vùng xa sẽ mãi chậm tiến bộ so với các vùng khác. Dù đời sống giáo viên chưa thực sự đầy đủ nhưng trích một phần lương để có thêm  một học sinh đến lớp là điều rất đáng làm...
 
Chúng tôi được thầy giáo Phạm Văn Trương, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Con Cuông cho xem bản viết tay của hơn 1.200 cán bộ, giáo viên trong toàn ngành gửi tới, ở đó bằng tấm lòng và trách nhiệm của mình mỗi giáo viên đã tự nguyện đăng ký một việc làm thiết thực, cụ thể để giúp đỡ học sinh nghèo. Trường Tiểu học Thạch Ngàn 1, năm nay có 30 giáo viên, mỗi giáo viên nhận giúp đỡ một học sinh học yếu. Ngoài ra, tùy theo điều kiện của mình có người sẽ nhận sắm một bộ áo quần cho học sinh, có người nhận mua sắm đồ dùng sách vở, có người lại nhận bọc sách vở cho cả lớp. 17 giáo viên khác ở Trường Mầm non Bồng Khê tự nguyện mỗi người góp 100.000 đồng để giúp 17 học sinh khó khăn của trường mua thêm áo ấm; Trường Tiểu học Yên Khê thì đa dạng hơn, có người thì đăng ký mua đồng phục, người thì đăng ký mua đồ dùng học tập...
 
Trước đó, từ đầu tháng 8, ngành Giáo dục huyện đã phát động toàn bộ giáo viên, mỗi giáo viên góp từ 50 – 100.000 đồng để mua sắm sách vở, đồ dùng học tập tặng học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Còn vào năm học, mỗi tháng một giáo viên sẽ trích từ tiền lương mỗi người từ 5000 – 10.000 đồng để xây dựng “Quỹ tiết kiệm hàng tháng” tặng học bổng cho những học sinh nghèo, học giỏi. Nhờ cách làm này, trung bình mỗi năm học toàn ngành Giáo dục huyện Con Cuông góp được từ 120 – 150 triệu đồng tặng quà cho khoảng 900 lượt học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn của huyện.
 
Những nỗ lực trên đã giúp nhiều học sinh nghèo có cơ hội được tiếp tục đến trường và vươn lên học tốt. Em Vị Thị Oanh, người Đan Lai, học sinh lớp 9A, Trường THCS Châu Khê, một học sinh nhận được sự giúp đỡ, cho biết: “Nếu không có sự hỗ trợ của thầy cô, chắc chắn việc đến trường của em sẽ rất khó. Được thầy cô giúp đỡ, động viên, em có thêm động lực để cố gắng vươn lên…”.
 
Mỹ Hà