(Baonghean) - Không có nhiều đầu sách, không lựa chọn văn thơ làm nghiệp nhưng tác giả Vương Đình Trâm, một người con của làng Đông Bích (Trung Sơn, Đô Lương) xưa nay nức tiếng văn chương, được bạn đọc biết đến bởi những vần thơ giản dị mà sâu sắc. Ông là anh ruột nhà thơ Vương Trọng, chú họ của nhà thơ Thạch Quỳ (Vương Đình Huấn). và chúng tôi cứ cho rằng, truyền thống văn chương của miền quê ấy, dòng họ Vương ấy chảy trong huyết mạch ông, dẫn lối cho ông đến với thơ ca như một lẽ tự nhiên…
 
images1128774_hon_80_tu_i_nhung__ng_vuong____nh_tr_m_v_n_t__m_nh_cham_s_c_vu_n_c_y.jpgÔng Vương Đình Trâm trong vườn cây của gia đình.
Con đường nhỏ dẫn vào nhà thi sỹ Vương Đình Trâm như ôm trọn ngôi làng Đông Bích (xã Trung Sơn, huyện Đô Lương) vào lòng, bên làng, bên đồng, chênh chao gió. Cơn gió từ phía đồng thốc lên, phả mùi bùn đất ấm nồng đến lạ. Trước mắt tôi là nếp nhà xưa, rêu phong phủ kín những bức tường. Nhà vắng người, vắng luôn cả những âm thanh rộn ràng phía đằng xa của những người nông dân đang vào vụ cấy cày. Những khóm chuối lúc lỉu quả. Gọi mãi mới có người lên tiếng! Ông bước ra, khuôn mặt rạng ngời, nước da hồng hào và mái tóc trắng như cước. Ông mời chúng tôi vào nhà, rồi vội vàng đi pha trà. Ông cười xí xóa: “Đang đào dở cây chuối sau vườn, không biết các cháu vào”. Căn nhà gọn ghẽ, tươm tất, những bức ảnh từ thuở còn “giáp hạt” được đóng khung, treo nơi trang trọng. Tôi nhìn quanh quất chẳng thấy bóng người nào khác ngoài ông và những tập thơ chưa kịp khép trên bàn, tôi hỏi: “Hằng ngày, ai lo cơm nước giúp ông?”. Ông xua tay, cười sảng khoái: “Ngày xưa, ông còn phải nghĩ cách tìm đâu ra khoai sắn về cho con ăn, giờ tiền bạc có, thức ăn ngoài chợ đầy ra đó, mỗi việc nấu ăn thì có khó khăn gì mà phải nhờ đến con cháu”. Ông vốn là công nhân Lâm trường Con Cuông, quen lao động chân tay từ nhỏ, giờ rảnh rỗi không chịu được. Con cháu ông đều đã thành đạt và lập nghiệp ở phương Nam, cuộc sống đã có phần dư giả nhưng ông không đành lòng để mảnh đất hương hỏa trong cảnh hoang vu, lạnh lẽo. Những tháng ngày an vui cùng con cháu chốn phố thị, ông vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ quê, nhớ những ngày đói khổ đã qua:
 
“Cái thời người ốm thèm cơm
Một nhà rán mỡ khen thơm một làng
Cái thời ăn lạc là hoang
Thay lốp xe đạp họ hàng kháo tin”.
(Lời ru)
 
Cái thời đói khổ ấy không hẳn là ký ức mà nó luôn thường trực, ông như người lạc giữa phố thị ồn ào, náo nhiệt, cứ lặng lẽ, tự “gọi nỗi đau ru mình” mãi vậy thôi. Hình ảnh nhọc nhằn của mẹ, của cha, của người em gái “còng lưng đẩy xe bò” với nỗi lo “ngày giáp hạt” cứ vướng vít vào thơ ông. Ừ, quên làm sao được, đúng hơn là không được phép lãng quên. Nếu không có những “ngày giáp hạt” thì chắc gì đã có một Vương Đình Trâm sâu sắc như bây giờ. Ông bảo: “Người làm thơ mà không sống đến tận cùng cay đắng, khổ đau thì làm sao thấu hiểu được nỗi đau của kiếp người. Phải đau, phải yêu, phải ghét đến tận cùng thì thơ mới có cảm xúc thật sự, nếu không, nó chỉ là sự lắp ghép ngôn từ của người có học mà thôi. “Lỡ  lời một câu, đêm về khó ngủ/ Chuyện đẩu đầu đâu xui lòng giận dữ/ Nỗi buồn thiên hạ vận hết vào mình” cơ mà. Khi dòng máu đang rân chảy trong người anh không phải là máu thi sỹ thì đừng làm thơ, nhưng nếu anh có máu thi sỹ thì muốn từ bỏ cũng không bỏ được”. Cũng vì lẽ đó mà ông tự nhận mình là người sinh ra để làm thơ.
 
Nhà nghèo, ông chỉ được học hết lớp 6, ở nhà cày ruộng một thời gian rồi đi công nhân Lâm trường Con Cuông. Ông là con thứ 5 trong gia đình có 8 anh em trai (nhà thơ Vương Trọng là con thứ 7). Thân sinh ông là thầy đồ nho, giỏi văn chương nên từ nhỏ ông đã được tiếp thu những tinh hoa của văn thơ, lúc đó chủ yếu thơ văn chữ Hán. Những đêm trăng mùa hạ, mấy anh em quây quần bên chiếc chõng tre nghe cha đọc thơ lòng ông cứ miên man. Ông bảo: “Lúc đó, chỉ nghe vậy thôi chứ chẳng hiểu “Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng” (Truyện Kiều) là gì cả. Nhiều lúc đọc thơ cho quên đi cái bụng đang cồn cào đói”. 12 tuổi ông đã thuộc nằm lòng “Chinh phụ ngâm khúc” của Đặng Trần Côn và hàng trăm câu Kiều. Cho đến nay, khi sắp sửa bước qua tuổi 81, ông vẫn có thể đọc làu làu hơn 300 bài thơ chữ Hán. Dường như, dòng máu thi sỹ ấy được truyền từ người cha đáng kính, từ dòng họ Vương nổi tiếng của làng Đông Bích, nó thôi thúc ông sáng tác, như là mệnh lệnh trái tim mà ông không thể chối từ. Những vần thơ viết trong cảnh nghèo đói vẫn phơi phới tinh thần lạc quan, yêu đời. Những tháng ngày lăn lộn chốn rừng sâu, nước độc, đói nghèo xơ xác nhưng không thể ngăn nổi dòng máu thi sỹ trong người ông. Ông vẫn làm thơ, những vần thơ mượt mà, lấp lánh tình yêu đối với thiên nhiên, con người. Ông “nói chuyện” với trâu, với chú nhện, chú dã tràng, lắng nghe từng nhịp thở của rừng, mải mê trước sắc đỏ rực rỡ của bông hoa chuối... Những câu chuyện tưởng chừng giản dị, hóm hỉnh nhưng vô cùng sâu sắc, triết lý. Một người gắn bó với rừng hơn 20 năm có lẻ, một người thức, ngủ cùng rừng như ông không thể nào dửng dưng khi nhìn thấy rừng bị cháy trụi. Với ông, rừng như một người bạn thân thiết. Rừng đang “chảy máu”, đang bị “giết thịt”  lòng ông cũng như đang có lửa đốt:
 
“Hỡi que diêm sinh ra từ thân gỗ,
Sao về đây lại hóa lửa đốt rừng?”
 
Câu thơ như một tiếng thở dài, giản dị mà đầy triết lý. Phải là người yêu rừng, thống thiết nỗi đau của rừng mới có những vần thơ day dứt đến vậy. Ông nói: “Ngôn từ của thi sỹ nó lạ lắm. Nó là phút thăng hoa của cảm xúc nhưng càng ngẫm càng thấy hay. Nó mượt mà nhưng không trơn tuột”. Với ông, nhà thơ phải là một nhà tư tưởng. Không có bản lý lịch tự khai nào trung thực bằng thơ. Bài thơ anh viết ra thể hiện đầy đủ và rõ ràng nhất tâm hồn, tình cảm, tư tưởng, học vấn và độ từng trải của anh. Nếu tình cảm chưa chín muồi thì đừng viết. Có lẽ vì thế mà khi ông nhận được những lời mời gửi bài đăng theo chủ đề, ông đã chối từ. Bởi lẽ ông không thể làm thơ theo kiểu “đặt hàng” như vậy được. Thơ là cảm xúc, nhưng cảm xúc đó là kết tinh của một quá trình nghiền ngẫm, trải nghiệm. Điều đó cũng góp phần lý giải vì sao suốt mấy chục năm liền ông chỉ có được 4 tập thơ. “Gia tài” của ông được nhà thơ Vương Long (em trai) khái quát, đề tặng: 
 
“Thơ đã thành nơi gặp gỡ
Trái tim cháy đỏ ráng chiều
Ôm tình cố hương bạc tóc
Nỗi nhớ cánh rừng còn theo”.
 
Ông vẫn luôn tự nhận mình chỉ là anh công nhân lâm trường, chẳng được học hành qua trường lớp nào cả. Chính cuộc sống đã dạy ông, cái đói, cái nghèo đã nuôi ông trưởng thành và thơ cũng chỉ là “Nơi gặp gỡ” chứ ông không hề cố tình bám víu. Ấy vậy mà những vẫn thơ ông viết ra lại làm nhói buốt biết bao trái tim bạn đọc. Ba lần được Giải thưởng thơ Bộ Lâm nghiệp (1967, 193, 1982), Giải thưởng VHNT Nguyễn Du (1985), Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương (2005)… là tình cảm mà công chúng dành cho tác giả thơ Vương Đình Trâm. 
 
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, những tiếng đời vang dội theo năm tháng đã làm tai ông nghễnh ngãng đi nhiều. Ngày trước, nhờ có lao động ông mới có cơm, có gạo nuôi con, giờ lao động giúp ông di dưỡng tinh thần. Ngày ngày ông vẫn cứ đào đất, ươm cây, chăm bẵm từng gốc ngô, gốc bí, vẫn một mình đi chợ, nấu ăn... Vườn chuối hàng chục cây đã cho nhiều quả ngọt như quả ngọt bởi cần mẫn, chắt chiu. Cuộc sống đã đổi thay, nhưng ông vẫn “bám víu” lấy làng quê, bám víu lấy thơ, mãi không thể rời xa được!
 
 
Nguyễn Lê