(Baonghean) - Đang ăn cơm tối với thầy cô giáo ở Trường THCS Nhôn Mai (xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương), bỗng  nghe tiếng trống trường vang lên. Hỏi ra mới hay đó là “tiếng trống học đêm” của các em học sinh nội trú. Khác với lớp học ca 3 ở thành phố, những lớp học ban đêm này là cách để thầy và trò nơi đây khắc phục những thiếu thốn về cơ sở vật chất, cùng nhau gieo trồng con chữ, thắp sáng ước mơ nơi thâm sơn cùng cốc.

Những học sinh ở các bản xa như Na Lật, Xói Voi, Thăm Thẩm, Piêng Luống, Piêng Òi … cách trường hàng chục cây số đường rừng, đi học mất cả ngày đường nên phải ở nội trú trong trường. Mỗi lần bố mẹ ra thăm thường mang theo gạo và thực phẩm cho con cái ăn dần. Thức ăn chẳng có gì ngoài măng khô và rau cải. Năm, sáu em chung nhau trong dãy nhà tạm, bao quanh bằng tre nứa. Đêm đến, bóng đen phủ kín bốn bề khu nhà nội trú, muỗi vo ve. Không có bàn học, không có điện thắp sáng, các em phải tập trung lên lớp để ôn bài, làm bài tập về nhà.

“Giờ học ca 3” thường bắt đầu từ 6 giờ đến 9 giờ (mùa đông), hoặc từ 6 giờ 30 phút đến 9 giờ 30 phút (mùa hè). Không có thầy cô đứng lớp giảng bài, nhưng mỗi lần nghe tiếng trống trường vang lên, các em lại tập trung về lớp học đầy đủ. Ai cũng có ý thức giữ trật tự chung, tự giác học bài nghiêm túc. Gần 30 em chung nhau một ánh đèn. Những bóng nhỏ cặm cụi đổ dài trên sàn nhà, dường như các em đang tạm quên đi cái đói, cái lạnh, tranh thủ ánh sáng để xoay xở với từng con chữ. Thỉnh thoảng có tiếng bước chân của giáo viên qua lại ngoài hành lang, tiếng thỏ thẻ trao đổi bài của học sinh như xua đi màn đêm u tối, tĩnh mịch của miền sơn cước. Em Và Bá Cử, học sinh lớp 9A cho biết: “Nhờ có lớp học ban đêm này chúng em mới được có điều kiện để ôn bài. Học ở đây có điện sáng, có bạn bè để trao đổi mỗi khi gặp bài tập khó, cũng vui lắm. Về phòng ở tối lắm, không học được gì cả”. Dường như ánh điện nhỏ nhoi, yếu ớt giữa trời đêm nơi núi rừng biên giới đang thắp sáng ước mơ cho biết bao đứa trẻ vùng cao.

792074_small_93263.jpg

Lớp học ban đêm ở Trường THCS Nhôn Mai (Tương Dương).

Thầy Lê Văn Tú – Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Nhôn Mai, chia sẻ: “Điện lưới chưa có, điện từ các thủy điện mini thì chập chờn, yếu ớt, chỉ đủ thắp sáng trong các phòng học, khu nội trú của học sinh thì chưa có điện. Nhiều lúc điện yếu, các thầy cô trong nhà trường phải tắt hết bóng đèn của phòng mình để nhường điện cho các em học bài. Chương trình “Tiếng trống học đêm” được triển khai thực hiện trong nhiều năm nay. Các thầy, cô giáo thay phiên nhau quản lý giờ giấc học bài của học sinh. Nhờ có sự động viên, nhắc nhở kịp thời của thầy, cô giáo nên hiện nay không còn hiện tượng học sinh trốn học nữa. Không chỉ các em ở nội trú mà mỗi lúc nghe “tiếng trống học đêm” là phụ huynh ở các bản lân cận cũng thúc giục con cháu họ học bài. Nhờ đó mà chất lượng học được nâng lên rõ rệt”.

“Tiếng trống học đêm” là một trong những sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên vùng sâu, vùng xa được lan truyền khắp các bản mường. Không có một đồng tiền trợ cấp nào cho “giờ học ca 3” này cả, nhưng các thầy, cô giáo nơi đây vẫn chịu khó duy trì và trở thành một nếp sinh hoạt thường ngày. Họ đang ngày đêm bám trường bám lớp, bám bản, bám rừng, nhọc nhằn gieo trồng con chữ bằng cả niềm đam mê, nhiệt huyết.


Bài, ảnh: Nguyễn Lê