(Baonghean.vn) - Suốt một đời ông đau đáu tìm cách níu giữ văn hóa dân tộc Thổ đang dần mai một ngay chính quê hương của người Thổ. Cho đến khi nghỉ hưu, ông dồn hết tâm huyết để sưu tầm từ những vật dụng sinh hoạt truyền thống đến lời ca, điệu hát cổ, tự tay gây dựng lại những buổi sinh hoạt văn hóa truyền thống trong cộng đồng. Đồng bào dân tộc Thổ ở xã Hạ Sơn, Quỳ Hợp gọi ông là “báu vật”.

 

Đó chính là ông Lê Duy Khẩn - Chủ nhiệm CLB Văn hóa dân gian xóm Xiểm, xã Hạ Sơn. Ông lớn lên giữa núi rừng Hạ Sơn hoang sơ, hùng vĩ. Nơi đó, cộng đồng dân tộc Thổ đã gây dựng, giữ gìn cho mình một không gian văn hóa đặc sắc, nó đã ăn sâu vào tâm thức của những người con như ông Khẩn. Vậy nhưng, khi rừng núi Hạ Sơn trở mình thức giấc, hòa vào guồng quay của hội nhập, phát triển, văn hóa truyền thống bỗng chốc phai nhạt. Chính điều nay khiến những người như ông Lê Duy Khẩn vô cùng trăn trở, đau đáu tìm cách bảo tồn.

 

Đầu xuân mới, nắng vàng ươm phủ xuống thung lũng Hạ Sơn nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá, tôi được ông Khẩn kể cho nghe nhiều nét sinh hoạt văn hóa xưa của người Thổ tại ngôi nhà nhỏ của gia đình ở bản Xiểm. Đó là phong tục “ăn cơm lam, ngủ nhà gác”, là điệu hát Dạ ời với lời ca của thiếu nữ Thổ lúc trầm, lúc bổng, lúc da diết, lúc lại rạo rực xốn xang, vang vọng cả núi rừng hoang hoải. “Ngày xưa, nhà nào có ấm nước chè xanh ngon đều mời tất cả mọi người trong xóm về cùng thưởng thức, cùng nói chuyện tâm tình, ngâm nga những bài ca truyền thống. Nếu người nào có vắng mặt thì chủ nhà vẫn để dành cho bát nước, lúc nào về hẵng uống. Đó là vốn quý trong tính cách của người Thổ, biểu hiện tình làng nghĩa xóm khăng khít, gắn bó keo sơn. Nhưng ngày nay, văn hóa dân gian không mấy ai biết. Số người còn nắm được còn rất hiếm hoi, chủ yếu các cụ cao niên trong làng. Ngay cả ngôn ngữ của dân tộc mình các cháu trẻ sau này cũng không nhớ”, ông Khẩn trầm ngâm.


792282_small_93482.jpg

         Ông Lê Duy Khẩn hát điệu Dạ ời – một điệu hát cổ của đồng bào Thổ.
 

Đây cũng là căn nguyên thôi thúc ông ngược xuôi bản làng sưu tầm lại lời hát, nhạc cụ cổ, rồi vận động nhân dân trong xóm tham gia học lại nét văn hóa xưa dưới sự chỉ dạy của các cụ. Ngày 6/6/2007, CLB Văn hóa dân gian xóm Xiểm xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp được thành lập với Ban Chủ nhiệm 3 người. CLB thành lập các tổ gồm: tổ thơ, tổ sưu tầm văn hóa dân gian, tổ sưu tầm đồ cổ, tổ sưu tầm các món ăn truyền thống của dân tộc Thổ và 1 tổ văn nghệ múa hát dân ca dân tộc Thổ. Từ 12 thành viên ngày đầu thành lập, đến nay CLB có 36 hội viên tham gia hoạt động tự nguyện với tâm niệm lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình.




Ông Quốc Sỹ Lâm (áo trắng) giới thiệu về những cổ vật cổ từng gắn bó với cuộc sống của đồng bào dân tộc Thổ cách đây gần 100 năm mà CLB sưu tầm được trong dân gian.
 

Một trong những người bạn đồng hành ngay từ ngày đầu với ông Khẩn là ông Quốc Sỹ Lâm – người có biệt tài thổi kèn và hát nhiều làn điệu cổ của dân tộc Thổ. Tại nhà văn hóa của xóm, ông Lâm đã nhiệt tình thổi cho tôi nghe điệu kèn thường biểu diễn trong các ngày vui của cả gia đình hoặc cộng đồng xưa. “Điệu kèn này tôi học được từ các cụ truyền dạy lại. Trước đây cứ tưởng sẽ không ai còn quan tâm đến nó. Nay có CLB, tôi lại có dịp thổi cho bà con nghe. Nhiều cháu thanh niên cũng yêu thích và muốn được học thổi kèn truyền thống này. Đây là tín hiệu đáng mừng”, ông Lâm chia sẻ. Nhà văn hóa xóm Xiểm cũng là không gian sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Thổ trong xóm. Mấy năm qua, cứ thường lệ, vào chiều thứ 7 hàng tuần các hội viên CLB lại tề tựu đông đủ về nhà văn hóa để luyện tập. Ông Khẩn cho biết: Mọi người tham gia rất nhiệt tình. Nhiều cháu có gia đình con bồng con bế nhưng vẫn đến tập luyện đều. Nhờ đó, các điệu hát cổ như: “Tập tính tập tàng”, “Ru con”…được nhiều người biết và hát hàng ngày.

 

Còn với riêng ông Khẩn, niềm vui tuổi già là thành quả sau 6 năm phấn đấu gây dựng lại sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng. Nhìn những cánh đồng mía trù phú xanh mướt mát quanh bản làng, ông chép miệng tâm sự: “Cuộc sống bà con ngày càng khá giả hơn. Bên cạnh đó, bà con cũng đã có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đây là điều đáng quý trọng”. Với những đóng góp đó, ông Lê Duy Khẩn được nhận bằng khen của huyện Quỳ Hợp trong cuộc vận động về “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được dự hội nghị biểu dương của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An dành cho những già làng tiêu biểu trên cả tỉnh năm 2011 và UBND tỉnh tặng bằng khen trong cuộc vận động “toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” giai đoạn 2006 -2011.

 

Trước khi chia tay Hạ Sơn, “báu vật” của xóm Xiểm chia sẻ rằng: “Tôi đã nhen được ngọn lửa truyền thống, chỉ mong sao nó sẽ bùng cháy mãi dù mai này cuộc sống vật chất có đầy đủ đến đâu”. Phát triển kinh tế không quên nguồn cội - âu đó cũng là triết lý chung không chỉ của một bản làng bé nhỏ giữa trùng điệp núi non miền Tây đất Nghệ./.


Thành Duy