Căn cứ Lữ đoàn 47 phát nổ khi bị không kích. Video: Twitter |
Ngày 29/4, căn cứ của Lữ đoàn 47, đơn vị có thành phần chủ yếu là binh sĩ Iran và nhóm dân quân Hezbollah do Tehran hậu thuẫn tham chiến ở gần Hama, Syria, bị không kích khiến 16 người đã thiệt mạng, trong đó có 11 công dân Iran.
"Với bản chất của mục tiêu, đây có khả năng là một cuộc tấn công do Israel tiến hành",ông Rami Abdel Rahman, người đứng đầu Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), nhận định. Tel Aviv phủ nhận việc tấn công căn cứ Lữ đoàn 47, nhưng ba quan chức Mỹ giấu tên hồi đầu tháng 5 khẳng định phi đội F-15I của Israel đã tham gia cuộc không kích này, theo Drive.
Tiêm kích Israel dường như đã sử dụng bom thông minh cỡ nhỏ (SDB) GBU-39B, bên cạnh những tên lửa hành trình tầm xa Delilah trong đợt tấn công. Loại vũ khí này chỉ có tầm tối đa 100 km khi ném từ độ cao lớn. Điều đó buộc những chiếc F-15I phải xâm nhập sâu vào không phận Syria và nhiều khả năng xuất hiện liên tục trên hệ thống radar cảnh giới của nước này.
Chưa rõ các phi công Israel làm cách nào để áp sát mục tiêu mà không gặp sự phản ứng từ hệ thống phòng không của Nga và Syria. Khác với các vụ không kích trước, Damascus không tuyên bố bắn hạ tên lửa của Tel Aviv, cũng như không có video tên lửa Syria đánh chặn mục tiêu trong đêm.
Một số chuyên gia quân sự nêu giả thuyết tiêm kích F-15I Israel đã sử dụng tín hiệu nhận diện địch-ta (IFF) của phi cơ F-15E Mỹ, cũng như đặt hô hiệu tương tự không quân Mỹ để qua mặt hệ thống phòng không Nga và Syria. Phi đội tiêm kích Israel "giả dạng" này sau đó sẽ bay qua Jordan và Iraq để thực hiện đòn đánh chớp nhoáng vào căn cứ của Lữ đoàn 47 ở tây bắc Syria.
Không quân Mỹ thường xuyên thực hiện các chiến dịch yểm trợ đặc nhiệm và lực lượng người Kurd ở phía đông Syria. Sự xuất hiện của những chiếc F-15E Mỹ với mã nhận diện địch-ta quen thuộc sẽ không gây nghi ngờ với radar phòng không Nga và Syria. Điều này có thể giải thích cho việc máy bay Israel mang mã IFF của tiêm kích Mỹ có thể tự do đột nhập không phận Syria và tấn công mục tiêu của Lữ đoàn 47.
Tuy nhiên, một số người lại đặt nghi vấn về giả thuyết này. Nếu phi cơ F-15I giả dạng tiêm kích F-15E, Israel sẽ cần sự cho phép và hỗ trợ từ Mỹ, Iraq và Jordan nhằm tránh gây nhầm lẫn. Điều này đặc biệt quan trọng khi binh sĩ Mỹ luôn trong trạng thái cảnh giác, liên tục nhận thông tin từ các hệ thống cảnh báo sớm và tác chiến điện tử ở đông Syria.
Ngay cả khi Washington và Tel Aviv có quan hệ đồng minh thân thiết, Mỹ chưa chắc đã thuyết phục được hai quốc gia Trung Đông còn lại là Iraq và Jordan chấp nhận hoạt động của phi đội F-15I "giả dạng". Jordan vừa kết thúc căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng với Israel sau vụ hai công dân nước này bị sát hại bên ngoài đại sứ quán Israel hồi năm 2017, nên quan hệ song phương có thể chưa hồi phục tới mức máy bay F-15I được phép bí mật bay qua không phận Jordan.
Iraq đang duy trì quan hệ ngoại giao và quân sự với Nga, Iran và Syria, khiến nước này càng khó đồng ý với kế hoạch không kích của Israel. Baghdad hoàn toàn có thể gửi thông tin về chiến dịch cho Damascus, cho phép nước này chuẩn bị lực lượng đánh chặn tiêm kích Israel.
Những trở ngại này khiến giả thuyết tiêm kích F-15I giả dạng máy bay Mỹ khó được áp dụng trong thực tế. Tel Aviv hoàn toàn có thể tấn công mục tiêu từ biên giới Lebanon-Syria, tương tự những chiến dịch không kích trước đây, hoặc băng qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong một thời gian ngắn để thực hiện vụ không kích.