Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman tuần trước tuyên bố sẵn sàng tấn công mọi hệ thống phòng thủ ở Syria, dù là "S-300 hay S-700" nếu chúng nhắm vào khí tài Israel. Giới chuyên gia cho rằng đây không phải lời đe dọa suông, bởi không quân Israel từng thể hiện sự cứng rắn khi bắn hạ 5 tiêm kích MiG-21 do phi công Liên Xô điều khiển trong vòng 90 giây ở Ai Cập năm 1970, theo National Interest.
Sau thất bại trước Israel trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser tìm cách đáp trả trong Chiến tranh Tiêu hao (1967-1970). Cairo huy động pháo binh và đặc nhiệm tấn công hàng loạt cứ điểm đối phương dọc kênh đào Suez. Để trả đũa, Israel điều tiêm kích F-4 Phantom không kích sâu trong lãnh thổ Ai Cập, buộc nước này triển khai mạng lưới tên lửa phòng không dọc kênh đào Suez.
Việc Liên Xô cung cấp các hệ thống phòng không hiện đại cho Ai Cập bị Israel coi là hành động vượt lằn ranh đỏ. Bên cạnh đó, nhiều phi đội MiG-21 của không quân Liên Xô còn tiến hành tuần tra bảo vệ không phận Ai Cập.
Ban đầu, Liên Xô và Israel tỏ ra thận trọng, tránh gây xung đột trực diện. Tuy nhiên, Liên Xô nhiều lần ngăn cản các cuộc không kích của Israel, thậm chí còn tấn công cường kích A-4 Skyhawk của Israel, gây hư hỏng nặng cho phi cơ. Điều này thúc đẩy Tel Aviv trả đũa Moskva bằng chiến dịch được lên kế hoạch tỉ mỉ có mật danh "Rimon 20".
"Rimon 20 thực chất là đòn nghi binh để dụ máy bay đối phương. 4 tiêm kích Mirage của không quân Israel (IAF) thực hiện nhiệm vụ trinh sát tầm cao trong khu vực MiG-21 Liên Xô hoạt động. Các phi cơ trang bị đầy đủ vũ khí và bay rất gần nhau, khiến kíp radar đối phương tưởng đây là biên đội hai chiếc Mirage bay trinh sát và không có khả năng chiến đấu", sử gia Shlomo Aloni cho hay.
Trong khi đó, các tiêm kích Mirage và F-4 khác của IAF bí mật bay tầm thấp trên khu vực bán đảo Sinai do nước này kiểm soát nhằm tránh radar Ai Cập. Chúng có nhiệm vụ phục kích, đón lõng tiêm kích Liên Xô nếu họ đuổi theo phi đội Mirage nghi binh.
Các phi công tham gia chiến dịch này là những người giỏi và nhiều kinh nghiệm nhất của IAF. Việc nghe lén liên lạc của Liên Xô cũng giúp Israel nắm được tình hình đối thủ.
Chiều 30/7/1970, 24 tiêm kích MiG-21 Liên Xô xuất kích từ nhiều sân bay tại Ai Cập để đánh chặn 4 tiêm kích Mirage "mồi nhử" của Israel mà không biết rằng họ đã rơi vào cái bẫy được đối phương giăng sẵn. Trong quá trình bám đuổi biên đội Mirage, phi cơ Liên Xô nhanh chóng trở thành mục tiêu của 16 tiêm kích Israel.
Chỉ trong ba phút, 5 chiếc MiG-21 bị hạ, trong đó một máy bay bị tiêm kích F-4 bắn trúng bằng tên lửa AIM-7 Sparrow từ độ cao cực nhỏ, ngoài giới hạn kỹ thuật cho phép. Một chiến đấu cơ khác của Israel đuổi theo tiêm kích MiG-21 từ độ cao 4.500 m xuống 600 m, trước khi sử dụng tên lửa AIM-9D bắn hạ.
Không quân Israel cũng gặp may mắn trong trận đánh này. Dù bị bất ngờ, một tiêm kích Liên Xô vẫn kịp bám đuôi chiếc F-4 Israel và phóng tên lửa K-13 trúng mục tiêu. Tuy nhiên, quả đạn không phát nổ, giúp chiếc F-4 trở về căn cứ an toàn.
Mỹ cuối cùng đứng ra làm trung gian để Israel và Ai Cập ký hiệp ước chấm dứt Chiến tranh Tiêu hao. Các tổ hợp phòng không vẫn tiếp tục được Cairo bố trí dọc kênh đào Suez. Ba năm sau, không quân Israel phải ôm hận khi các chiến đấu cơ của nước này liên tiếp bị tên lửa phòng không Ai Cập và Syria bắn hạ ở kênh đào Suez và cao nguyên Golan.