Ngày 8/5, ông Kha Văn Ót - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết huyện vừa có văn bản gửi UBND tỉnh về việc di dời 6 hộ dân ở bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền mà Báo Nghệ An đã có bài phản ánh.
Theo văn bản này, sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Tương Dương đã giao các phòng, ban liên quan phối hợp với xã Lưu Kiền và các hộ gia đình bị ảnh hưởng hoàn thiện phương án hỗ trợ di dời người dân ra khỏi vùng sạt lở. Huyện sau đó cũng đã có văn bản về việc bố trí kinh phí.
Tuy nhiên, phía chủ đầu tư thủy điện Bản Ang là Công ty CP thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn không bố trí được kinh phí để chi trả cho nhân dân. "Vì vậy, huyện báo cáo và đề nghị UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư Thủy điện Bản Ang có trách nhiệm bố trí kinh phí chi trả cho 6 hộ dân nêu trên di dời ra khỏi vùng sạt lở và vùng có nguy cơ sạt lở cao. Đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân sớm ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài, nhất là bắt đầu đến mùa mưa lũ 2020", văn bản của huyện Tương Dương nêu.
Đây là lần thứ 2, huyện Tương Dương có văn bản với nội dung yêu cầu thủy điện hỗ trợ kinh phí di dời.
Trước đó, sau khi nhận được văn bản về việc hỗ trợ kinh phí di dời 6 hộ dân này của huyện Tương Dương, Công ty CP Thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn đã có văn bản phản hồi, trong đó phủ nhận trách nhiệm liên quan.
Theo văn bản của chủ đầu tư, thì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thủy điện Bản Ang đã hoàn thành, toàn bộ đất bị thu hồi để xây dựng thủy điện đã bồi thường theo quy định nhà nước. Nhà máy đã đi vào vận hành từ tháng 1/2017 đến nay.
"6 hộ dân cần phải di dời theo kiến nghị của UBND huyện Tương Dương đều nằm trên cốt ngập hồ chứa thủy điện Bản Ang, việc các hộ dân bị nứt nẻ nhà là do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là các hộ này đều nằm ở phần taluy âm của Quốc lộ 7 chịu ảnh hưởng rất lớn của các đợt lũ do thiên tai gây ra, nhất là đợt lũ 2018", phía Công ty CP Thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn nói.
Lãnh đạo nhà máy thủy điện này cũng cho rằng, từ đầu năm 2019 đến nay, hoạt động của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng hạn hán kéo dài , các lưu vực sông đều cạn kiệt nước, sản lượng và doanh thu chỉ đạt 70%. "Với tình hình như vậy, doanh thu bán điện không đủ bù đắp chi phí duy trì hoạt động sản xuất, nhất là các tháng vừa qua doanh thu từ phát điện không đủ để trả nợ gốc và lãi vay", văn bản của thủy điện nêu.
Như Báo Nghệ An đã phản ánh, gần 2 năm nay, 6 nhà dân ở xã Lưu Kiền xuất hiện nhiều vết nứt toác, chực chờ rơi xuống lòng hồ thủy điện Bản Ang. Những hộ dân này đều sinh sống từ lâu ở khu vực này, chính vì thế họ cho rằng nguyên nhân của việc này do ảnh hưởng của thủy điện Bản Ang. Sau khi vào cuộc kiểm tra, huyện Tương Dương xác định phải di dời khẩn cấp trước tháng 11/2019. Tuy nhiên, do không có kinh phí, đến nay người dân ở đây vẫn chưa được di dời, trong khi các vết nứt đang ngày càng lớn, mùa mưa lũ đã đến gần.
Mặc dù từ tháng 1/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa cũng đã yêu cầu Công ty CP Thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn phối hợp làm việc với UBND huyện Tương Dương và các tổ chức, cá nhân liên quan thống nhất phương án, kinh phí để di dời 6 hộ dân ra khỏi vùng bị sạt lở.