Giếng cổ đầu tiên hiện nằm giữa phần sân cụ Nguyễn Thị Thành (tên thường gọi là Lê Thị Tùng). Cụ Thành năm nay 90 tuổi, có hai con trai là liệt sĩ, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hiện trí nhớ cụ Thành đã giảm sút, không còn nhớ được nhiều.
Theo lời ông Trần Văn Linh (60 tuổi), là con trai cả của cụ Nguyễn Thị Thành, từ lúc mới lẫm chẫm tập đi đã thấy cái giếng này ở trước sân nhà. Cụ thân sinh của ông lúc còn sống từng kể, giếng đã có từ lâu đời, có thể từ trước thời thuộc Pháp. Không thể xác định niên đại cụ thể nhưng cái giếng trước sân nhà có lịch sử từ hàng trăm năm trước.
Do giếng nằm ở giữa sân nên để tránh sự bất tiện trong sinh hoạt, gia đình cụ Thành đã hạ thấp thành giếng xuống còn khoảng 30cm. Và miệng giếng được bịt bằng những tấm bê tông để tránh nguy cơ người và các vật dụng bị rơi xuống, chỉ chừa chỗ để đặt ống máy bơm. Giếng có đường kính gần 2,5m, sâu hơn 3m, nhiều năm trước được dùng cho sinh hoạt gia đình, từ nấu ăn, tắm giặt, tưới rau.
Những năm gần đây, hệ thống nước máy được dẫn về tận nhà nhưng gia đình cụ Thành vẫn đặt máy bơm lấy nước từ giếng này để phục vụ nhu cầu tắm giặt, rửa nhà và tưới vườn rau, cây cối. Đặc biệt, nấu nước chè xanh gia đình chỉ dùng nước giếng cổ.
Theo quan sát, thành giếng cổ được ghép bằng những khối đá lớn một cách khéo léo, vừa chắc chắn, vừa có tính thẩm mỹ cao. Đã trải qua hàng trăm năm vẫn nguyên xi, không hề có dấu vết bị lở.
“Có người bàn nên lấp giếng để có thêm không gian sinh hoạt nhưng đây là giếng cổ, gia đình muốn lưu giữ, bảo tồn dấu tích lịch sử. Đồng thời, mình có thêm nguồn nước để dùng, tiết kiệm chi phí nước máy” - ông Trần Văn Linh nói.
Cũng ở địa bàn khối 12, trong khuôn viên của ông Phan Thanh Hợi hiện vẫn còn một cái giếng cổ. Về kích thước, độ sâu và thành giếng có nhiều điểm tương đồng với giếng cổ trong sân gia đình cụ Nguyễn Thị Thành. Chỉ khác là thành giếng phía trên cao khoảng 50 cm, miệng giếng được che bằng tấm lưới sắt cỡ lớn.
Nhìn qua tấm lưới có thể thấy nước trong vắt và những khối đá được ghép quanh thành giếng. Cũng như gia đình cụ Thành, ông Hợi chủ yếu dùng nước giếng cổ để rửa các loại vật dụng, hàng hóa. Và do ngôi nhà đã được bán nhiều lần, ông Hợi mua lại chưa lâu nên không nắm rõ lai lịch của giếng cổ.
Theo những người hàng xóm ông Hợi, giếng cổ này cũng có từ rất lâu đời, có thể cùng thời với giếng cổ trong khuôn viên của cụ Thành. Trước đây, người dân trong vùng thường đến lấy nước về phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Ông Lê Viết Thanh - Khối trưởng khối 12 cho biết: “Hai giếng cổ trên địa bàn khối đã có từ rất lâu đời, phải đến hàng trăm năm trước. Ngày xưa, ở đây được gọi là làng Cờ, xã Hương Thủy, thuộc thị xã Vinh. Làng Cờ có hai xóm là xóm Đình và xóm Thượng; hai giếng cổ này chính là giếng làng, là nơi phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho bà con nhân dân…”.