(Baonghean) - Nhiều năm qua, bệnh thành tích nổi lên như là một trong những nguyên nhân góp phần làm kìm hãm sự tiến bộ. Không ít những hệ lụy của nó đã ảnh hưởng tiêu cực lên mọi mặt của đời sống.
Về kinh tế, bệnh thành tích làm sai lệch các căn cứ để xây dựng kế hoạch. Về xã hội, nó làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin không chỉ giữa nhân dân với các cơ quan hữu trách, mà còn giữa các cơ quan hữu trách với nhau, giữa cấp trên với cấp dưới và cả ngược lại. Bệnh thành tích là gì? Tại sao có căn bệnh này? Cách thức nào để triệt tiêu nó? Tất cả vẫn đang là những câu hỏi cần phải tiếp tục nghiên cứu trả lời!...?
Rất có thể bệnh thành tích hình thành từ áp lực trong quá trình thực hiện chỉ tiêu. Về lý thuyết thì chỉ tiêu là mục đích được người ta lượng hóa rồi đặt ra nhằm phấn đấu hoàn thành một công việc nào đó. Còn thành tích là kết quả mà họ đạt được, đem so sánh với những chỉ tiêu đã đề ra. Một xu hướng dường như đã trở nên phổ biến là làm sao cho thành tích ngang bằng hoặc cao hơn chỉ tiêu? Nhưng rất tiếc, không phải lúc nào con người cũng thỏa mãn được sự mong mỏi này.
Trong trường hợp như vậy, việc không hoàn thành chỉ tiêu đồng nghĩa với việc không có thành tích. Một vấn đề khác là, xã hội thường dùng thành tích để làm thước đo năng lực, rồi khích lệ nó bằng những quyền lợi. Những lương, những thưởng, những đề bạt và cả những những tấm bằng khen quá hấp dẫn đến mức khi quyền lợi bị đe dọa, thay vì phấn đấu bằng chính sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, người ta lại tìm cách tạo nên những giá trị ảo đánh lừa mọi người, đôi khi cả chính họ cũng trở thành nạn nhân. Khi cuộc chạy đua tới những giá trị ảo không có hồi kết ấy bắt đầu phổ biến và ngấm ngầm được chấp nhận thì nó đã là bệnh thành tích. Người ta đua nhau tận hưởng sự thỏa mãn trên một kết quả không phải là thực. Giờ thì nó đã là một căn bệnh trầm kha, một căn bệnh mãn tính, thậm chí là một đại dịch, nguy hiểm hơn là nó có tính “di căn”. Ban đầu, tưởng nó chỉ bén rễ trong ngành giáo dục, nhưng không, bệnh thành tích có mặt khắp nơi, ngày càng được nảy nở, sinh sôi, phát triển, gây hậu quả khôn lường khi nằm ngoài tầm kiểm soát của những chế tài vốn dĩ yếu đuối.
Vào năm 2007, ngành giáo dục tiên phong tiêu trừ bằng một cuộc vận động “hai không” (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục ). Khi thực trạng được lật giở công khai, khiến cả xã hội giật mình chứng kiến tỷ lệ đậu tốt nghiệp phổ thông đang chuẩn bị “hoàn thành 100%” bỗng “rơi tự do” xuống còn 5, 6 chục phần trăm!
Trước một thực trạng như vậy, cuộc vận động vì thế đã nhận được sự hồ hởi, phấn chấn của toàn xã hội. Người ta đã phanh phui những vụ việc “động trời”, đi kèm với đó là hàng trăm cá nhân, hàng chục đơn vị bị xử lý. Hiệu ứng tích cực cũng đã bắt đầu ngấp nghé lan sang những lĩnh vực khác. Tưởng rằng đây là sự khởi đầu nóng bỏng cho một cuộc đại phẫu nhằm tiêu trừ tận gốc khối u ác tính, nhưng rất tiếc, mọi thứ có vẻ như đang nguội dần. Đây đó xuất hiện những bình luận cho rằng “đầu voi đuôi chuột” hay chúng ta đang chữa bệnh bằng “thuốc giảm đau”.
Trở lại với kết quả “hai không” thông qua bảng số liệu chúng ta nhận thấy những lời bình luận giàu hình ảnh trên không phải là không có lý: Năm 2007 tỷ lệ tốt nghiệp giáo dục THPT có nơi dưới 50%; thì nó “tăng dần đều” đến năm 2011 đã là 95,72%. Bất ngờ nhất là năm 2012, học sinh đậu tốt nghiệp xuýt soát 99%. Một con số lý tưởng đến mức đưa học sinh Việt Nam vào hàng “giỏi” nhất thế giới. Rõ ràng, cái thành tích kiểu “năm sau cao hơn năm trước” đã hồi sinh. Có người còn hài hước nói. “Cũng tại vì đây là phong trào thi đua lập thành tích chống bệnh thành tích”.
Chuyện rằng, dịp cuối năm vừa rồi có xã nọ không dám “đưa tỷ lệ gia đình văn hóa lên 100 %, vì sợ… năm tới lấy gì mà tăng nữa”. Vậy là rõ! Căn bệnh thành tích vẫn chưa phải là chuyện của quá khứ. Đã là bệnh thì phải chữa, nhưng liệu pháp “dùng thuốc giảm đau” chỉ mang tính nhất thời, thậm chí có khi nó còn đánh lừa con bệnh. Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta soát lại một cách tổng thể vấn đề, để có phác đồ thích hợp, từng bước đầy lùi căn bệnh quái ác này!
Khắc An