bna_hai_san_doi_dao5165620_472021.jpgCác mặt hàng hải sản tươi sống được bày bán nhiều, giá cả khá “mềm”, có giảm nhẹ so với trước. Ảnh: Thanh Phúc

Khithành phố Vinh quyết định kết thúc cách ly y tế theo Chỉ thị 16/CT-TTg và triển khai thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg từ 00h ngày 3/7, tiểu thương từ các địa phương như Nghi Lộc, TX. Cửa Lò, Nam Đàn, Thanh Chương… cũng đã được vào thành phố buôn bán trở lại.

Chị Nguyễn Thị Phượng - tiểu thương kinh doanh hải sản tại chợ Hưng Dũng (TP.Vinh) cho biết: “Tôi ở phường Nghi Tân (TX. Cửa Lò) nên đã nghỉ chợ cả nửa tháng, giờ mới mở bán trở lại. Từ TX. Cửa Lò lên TP. Vinh, qua các chốt kiểm dịch, tôi chấp hành đầy đủ việc khai báo y tế, trình kết quả xét nghiệm Covid-19 tại chốt. Vào chợ cũng đo thân nhiệt, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch”.

Riêng tại chợ Hưng Dũng, mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm có đến 50% là tiểu thương từ các huyện khác đến. Đối với những tiểu thương này, khi vào chợ phải thực hiện khai báo y tế, có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm Covid-19âm tính. BQL chợ cũng đã mở 5/7 lối ra, vào chợ; tại các lối mở đều bố trí kiểm dịch chặt chẽ, tất cả người dân và tiểu thương khi vào chợ phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và để lại số điện thoại để liên lạc.

Tất cả người dân và tiểu thương khi vào chợ phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và để lại số điện thoại để liên lạc. Ảnh: Thanh Phúc

Khu vực đình chính và khu vực ăn uống tại chợ vẫn đang đóng cửa, tạm dừng buôn bán theo đúng tinh thần của chỉ đạo của thành phố. Đồng thời, lực lượng đô thị của phường cũng thường xuyên rà soát quanh khu vực chợ, nghiêm cấm bán hàng rong, hàng vỉa hè để kiểm soát dịch.

Song song với việc duy trì việc kinh doanh, buôn bán thì công tác phòng dịch ở các chợ dân sinh tại thành phố Vinh cũng được thắt chặt. Tuy nhiên, trong sáng 4/7, ở một số chợ do người dân chưa nắm rõ quy định nên một số mặt hàng không thuộc danh mục cho phép vẫn mở cửa; một số chợ tập trung lượng người đông cùng lúc; một số chợ chưa bố trí chốt trực ở các cửa ra, vào chợ…
Giá các mặt hàng thực phẩm giảm nhẹ so với trước. Ảnh: Thanh Phúc

Theo ghi nhận, tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố như: chợ Hưng Dũng, chợ Quán Lau, chợ Ga Vinh, chợ Bến Thủy… hoạt động kinh doanh buôn bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã trở lại nhịp độ bình thường. Đặc biệt, các mặt hàng hải sản tươi sống sau nhiều ngày khan hàng nay được bày bán nhiều, giá cả khá “mềm”, có giảm nhẹ so với trước.

Qua khảo sát, sáng 4/7, mặt hàng thịt lợn có giá dao động từ 130.000 - 150.000 đồng/kg; thịt gà 100.000 - 120.000 đồng/kg; thịt vịt 75.000 - 80.000 đồng/kg; cá thu 230.000 đồng/kg; tôm nuôi có giá 150.000 - 180.000 đồng/kg (tùy kích cỡ, giảm 20.000 - 25.000 đồng/kg so với trước); ghẹ có giá từ 120.000 - 200.000 đồng/kg (giảm 20.000 - 30.000 đồng/kg so với trước)… Đặc biệt, các các loại rau đều giảm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Cụ thể, rau muống, mùng tơi, rau dền giá từ 5.000 - 7.000 đồng/bó (giảm 2.000 đồng/bó so với trước), cà chua 30.000 đồng/kg, dưa chuột 15.000 đồng/kg...

Do tiểu thương các nơi khác được vào TP. Vinh buôn bán nên mặt hàng rau, củ cũng đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu người mua. Ảnh: Thanh Phúc

Chị Nguyễn Thị Đào - tiểu thương bán rau tại chợ Quán Lau (phường Trường Thi) cho biết: “Vào thời điểm cách ly y tế, mặt hàng rau xanh có tăng do vận chuyển khó khăn, nhất là khi chợ đầu mối Vinh đóng cửa. Hiện nguồn cung dồi dào, giá cả giảm và rau tươi, ngon hơn”.

Do tiểu thương các nơi quay lại TP. Vinh buôn bán, hàng hóa đa dạng, nguồn cung dồi dào nên giá cả giảm theo, người dân thành phố Vinh vì thế cũng thuận tiện hơn trong mua sắm, tiêu dùng. Bà Nguyễn Tuyết Anh - một hộ dân ở phường Quang Trung (TP. Vinh) cho biết: “Mấy hôm nay toàn đặt hàng online, hôm nay đi chợ mua thực phẩm tươi, nhất là hải sản để đổi món. Hàng nhiều nên dễ chọn, giá cũng mềm nên dễ mua”.

Lượng người đi chợ trong sáng 4/7 khá đông, khó khăn trong việc giữ khoảng cách phòng dịch. Ảnh: Thanh Phúc

Theo Công văn số 4371/UBND-KT về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 3/7/2021 của UBND thành phố Vinh thì tất cả các chợ phải có phương án phòng chống dịch Covid 19, thực hiện nghiêm túc "5K" theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không mở quá 5 cửa ra, vào chợ; Tổ chức lực lượng để hạn chế, quản lý chặt chẽ số chủ hàng, chủ phương tiện... là người các tỉnh khác và địa phương vùng dịch vào quan hệ trao đổi hàng hóa... nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm nguồn lây bệnh.