Gian nan ship hàng mùa dịch
Chị Nguyễn Quỳnh Nga - nhân viên giao hàng của một hãng dịch vụ công nghệ ở phường Lê Lợi (TP. Vinh) cho biết: “Dịch bệnh cộng với nắng nóng nên đơn hàng tăng đột biến. Có ngày riêng tôi được giao đến 70-80 đơn từ đồ ăn, đồ gia dụng, mỹ phẩm… trong đó, nhiều nhất vẫn là đồ ăn sáng, cơm văn phòng và thức ăn nhanh. Do đó, nếu chăm chỉ, mỗi ngày cũng kiếm được 500.000 -700.000 đồng từ việc giao hàng”.
Cũng từ khi dịch bùng phát, anh Nguyễn Tú Tài trước đây chạy xe ôm cũng chuyển sang nghề giao hàng tận nơi. Nhờ có kinh nghiệm 10 năm làm xe ôm nên anh Tài đã quen hết mọi ngóc ngách thành Vinh, do đó, khi chuyển sang làm shipper anh rất thuận lợi trong việc xác định địa điểm nhanh và chính xác.
“Ngoài nhận đơn ship hàng online, tôi còn nhận mua hộ đồ ăn vặt, đi chợ hộ cho những bà nội trợ có yêu cầu. Trong khi dịch vụ xe ôm ế ẩm vì không có khách thì nghề ship hàngcũng kiếm được ít nhất 500.000 đồng/ngày”.
Mặc dù kiếm được kha khá và không phải chịu cảnh thất nghiệp trong mùa dịch, nhưng nghề giao hàng tận nơi đối mặt không ít với khó khăn, rủi ro. Trước hết, đó là khi dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nghề shipper phải đi khắp các cửa hàng, chợ, siêu thị và đến các ngõ ngách để ship hàng, tiếp xúc với rất nhiều người nên nguy cơ dịch bệnh cao.
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, có khi ngoài đường nhựa nhiệt độ lên đến 45-46 độ C thì shipper vẫn phải chạy giữa nắng để kiếm tiền. Rồi còn phải xếp hàng mua đồ cho khách, thu nhập mỗi ngày là đi “nhặt” từng đơn hàng lẻ từ 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng, đó là chưa kể chi phí xăng xe, xe bị hỏng hóc phải sửa chữa.
“Chạy thục mạng từ 6h sáng đến 21, 22h đêm giỏi lắm cũng 50-60 đơn hàng, trừ chi phí xăng xe chỉ còn 500-600.000 đồng/ngày. Nắng nóng, dịch bệnh vất vả lắm. Nhưng dù sao, giữa thời buổi khó khăn như bây giờ, có một công việc tự do, thoải mái thời gian lại có thu nhập từng ngày cũng là may rồi. Giờ nhiều người như xe ôm, lái xe taxi hay nhiều ngành nghề khác phải tạm nghỉ do dịch Covid-19 cũng chuyển sang làm shipper nên đơn hàng bị chia sẻ khá nhiều”.
Nghiêm túc phòng dịch
Chị Phan Thuận - một chủ cửa hàng thịt lợn sạch trên địa bàn TP. Vinh cho biết: “Mỗi ngày cửa hàng nhận được khoảng 50-60 đơn hàng của khách. Trước đây thì nhân viên cửa hàng tự đi giao cho khách, nhưng khi dịch phức tạp, sợ lây nhiễm nên tôi tìm đến ứng dụng ship hàng. Hàng đóng gói kỹ, ghi kèm số lượng, hóa đơn rõ ràng rồi để phía ngoài cửa hàng, shipper đến lấy hàng, giao tiền hoặc chuyển khoản. Hạn chế tối đa tiếp xúc”.
Đối với các shipper, khi đi giao hàng, họ trang bị cho mình đầy đủ đồ bảo hộ như: Găng tay y tế, khẩu trang, kính chống giọt bắn và nước rửa tay sát khuẩn. Có những shipper còn cẩn thận mua cồn 70 độ sát khuẩn bao đựng hàng trước khi giao cho khách. Ngoài ra, để giữ khoảng cách khi giao hàng, thường thì shipper sẽ treo hàng ở cổng, gọi khách ra lấy và chuyển tiền qua tài khoản hoặc buộc túi bóng chuyển ra ngoài.
Anh Trần Mạnh Triển - Trưởng phòng Kinh doanh dịch vụ ship hàng ở TP.Vinh cho biết: “Để đảm bảo an toàn cho nhân viên và cả khách hàng, chúng tôi yêu cầu nhân viên thực hiện nghiêm túc “5K” theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đồng thời, phân công kíp chuyên theo dõi camera hành trình của nhân viên, nếu ai không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch hoặc để khách hàng phản ánh sẽ bị phạt. Đối với dịch vụ giao, nhận hàng, chúng tôi khuyến khích khách giao hàng không tiếp xúc. Khi khách vừa book trên app, phần chat với tài xế có chạy sẵn tin nhắn "Giao hàng không tiếp xúc", khách chỉ cần chọn vào là khi tới nơi tài xế sẽ để hàng ở gần đó, đứng lùi ra, khách đến lấy, hai người không tiếp xúc gần. Túi giao hàng được vệ sinh bằng dung dịch diệt khuẩn”.
Thực tế, cả những người bán hàng và mua hàng đều không có nhu cầu kiểm tra, yêu cầu shipper xuất trình kết quả test nhanh Covid-19, nhưng nếu thực hiện nghiêm túc sẽ hạn chế được nhiều nguy cơ về dịch bệnh. Bởi trong trường hợp xấu nhất, khi shipper dính Covid-19 thì cũng sẽ dễ truy vết, khoanh vùng và truy cứu trách nhiệm nếu shipper không tuân thủ quy định thành phố đưa ra.
Do đó, ý thức của mỗi shipper, của các công ty, các ứng dụng công nghệ giao hàng rất quan trọng. Và việc ai sẽ quản lý và kiểm tra, giám sát như thế nào đối với việc thực hiện kiểm tra xét nghiệm y tế của đội ngũ shipper này cũng cần được phân công rõ ràng, cụ thể.