(Baonghean) - Nếu tổ kiến ngày một dày lên, nhiều lên tạo ra nhiều lỗ hổng dẫn đến nguy cơ vỡ thân đê. Nếu không xử lý kịp thời, e là có ngày “tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”. Thế nên, cần phải triệt hết những tổ kiến trên thân đê trước khi quá muộn.

30 năm trước, có lẻ mấy tháng, lúc đó chúng tôi đang học năm thứ 2 Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đó là thời kỳ được gọi là “đêm trước đổi mới”. Đời sinh viên khốn khó nhưng vô tư bỗng cuộn lên nhiều suy tư, trăn trở khi đọc bài ký “Cái đêm hôm ấy, đêm gì?” của Phùng Gia Lộc đăng trên báo Văn nghệ. Không chỉ tôi, mà cả lớp, cả trường và rộng ra là cả xã hội rúng động vì thực tế phũ phàng, đầy nghiệt ngã và cay đắng chốn thôn quê hồi đó. Cái đêm đó là đêm truy thu thuế nông nghiệp ở một miền quê xứ Thanh khiến tôi liên tưởng đến câu thơ “Nửa đêm thuế thúc, trống dồn/Sân đình máu chảy đường thôn lính đầy”...

images1666575_thue.jpgẢnh minh hoạ - Nguồn Internet

Sự việc ấy chộn rộn một thời gian khá dài rồi chìm đi. Những tưởng, cái cảnh truy thu thuế, phí theo kiểu cưỡng bức tàn bạo đó sẽ không bao giờ lặp lại nữa. Nhưng không, nó vẫn lặp lại và ở mức độ còn tàn khốc hơn!

Phải nói là lòng trĩu nặng khi mấy tháng nay, thấy trên các trang báo giấy, báo mạng liên tục phản ánh tình trạng lạm thu ở một số miền quê thuộc các tỉnh Bắc Trung bộ. Người ta, mà cụ thể là bộ máy xã, thôn đã tự tiện và tùy tiện đẻ ra hàng chục loại phí buộc dân phải đóng góp. Ai cũng phải đóng hết. Từ đứa trẻ mới cất tiếng khóc oe oe chào đời cho đến cụ già nằm chờ chết hay tàn tật, bại liệt sống bằng trợ cấp xã hội và của bố thí cũng phải nộp. Hễ còn thở được là còn phải đóng phí: Phí quỹ thú y, xây dựng cơ sở hạ tầng, vì người nghèo, chất độc da cam, văn hóa - xã hội, phụng dưỡng người già, phòng chống bão lụt, bảo trợ trẻ em, quỹ dân sinh kinh tế, quỹ khuyến học, quỹ an ninh xóm, quỹ giao thông thủy lợi, xây dựng cơ sở hạ tầng...

Thu thuế người chưa đủ, người ta còn bắt cả động vật phải nộp phí mới được tồn tại. Cụ thể là một người dân ở xã nọ “tố” trên báo rằng “Có nhiều khoản thu rất vô lý như hộ nào nuôi bò mỗi năm phải đóng cho xã 33.000 đồng/con. Bò bị bệnh gọi thú y tiêm thuốc thì người dân phải trả tiền, không biết đây là khoản thu gì”. Khoản này có lẽ nên gọi là thuế thân… bò! Thật là phi lý và cả phi nhân tính nữa. Vậy mà người ta cũng làm được.

Điều lạ là tình trạng đó không phải là mới có, mà đã diễn ra từ nhiều năm nay, báo chí đã nhiều lần phản ánh, cảnh báo rồi mà vẫn không xử lý được triệt để. Hay đúng ra là người ta không muốn xử lý. 

Vì sao lại vậy? 

Trước hết, có lẽ là do nhận thức. Cấp ủy, chính quyền các cấp có xu hướng coi đây như là một hình thức “xã hội hóa”, huy động sức dân để phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở nên không “mặn mà” ngăn chặn, xử lý. Đó là chưa kể có những trường hợp trục lợi từ việc thu các loại phí đó, thì việc bảo vệ, che chắn cho chuyện lạm thu là điều đương nhiên.

Thứ 2, có không ít nơi cán bộ xã, thôn sính thành tích nên tìm mọi cách vắt sức dân để xây dựng các công trình. Xã được tiếng giỏi giang, năng động thì huyện, tỉnh cũng được thơm lây nên cũng không muốn ra tay ngăn chặn, xử lý với lý lẽ tiền của dân đóng vào có làm việc này, việc nọ thì cuối cùng cũng là để phục vụ cuộc sống người dân.

Thứ 3 là người ta vin vào cớ được dân đồng tình, đồng thuận cao nên mới tiến hành thu phí. Và hễ ai động đến thì ngay tức khắc người ta trưng ra lý do là đã hỏi ý kiến và được dân đồng tình. Công bằng mà nói, có những thứ phí được dân thật sự đồng tình, ủng hộ. Nhưng cũng có không ít thứ phí người dân bị buộc phải đồng tình vì nếu không đồng tình, không nộp sẽ bị gây khó dễ.

Như các báo đã nêu thì cái cách buộc người dân đồng tình vừa tinh vi vừa trắng trợn và rất tàn nhẫn, như: chính quyền xã, thôn gây khó dễ khi làm các thủ tục giấy tờ chứng nhận này nọ; treo sổ hộ nghèo hay không chứng nhận là hộ nghèo để cắt quyền lợi… Và thế là, đồng thuận cũng khổ còn không đồng thuận thì khổ hơn. Cho nên… Nếu cấp trên, các cơ quan chức năng thật sự muốn ngăn chặn tình trạng lạm thu thì cái cớ đó không là gì cả, nhưng nếu một khi họ không muốn làm đến nơi, đến chốn thì đó là cái cớ hợp pháp để họ dừng lại. Và người dân è cổ gánh chịu vì kêu không thấu.

Vậy, để chấm dứt tình trạng này, việc đầu tiên cần làm là thay đổi nhận thức từ phía các cơ quan chức năng, rằng, tất cả những khoản thu phí của chính quyền cấp thôn, xã là trái với pháp luật. Vì hiện nay chỉ có Quốc hội mới có quyền quyết định thu các loại phí, thuế, và điều này được pháp luật quy định rất rõ ràng. Kể cả người dân có tự nguyện đóng nộp thì chính quyền cũng không được phép thu. Vì việc thu phí đó là trái với pháp luật. Mà đã làm trái pháp luật thì phải nghiêm trị thì mới đẩy lùi nạn lạm thu đang biến tướng tại nhiều địa phương hiện nay. Và cũng phải nhận thức được rằng khi người dân phải oằn mình gánh chịu quá nhiều loại thuế phí sẽ nảy sinh tư tưởng căm phẫn, chán ghét, oán thán và mất niềm tin vào chế độ. Những nỗi ai oán nơi thôn cùng, xóm vắng sẽ như những tổ kiến trên thân đê. Nếu tổ kiến ngày một dày lên, nhiều lên tạo ra nhiều lỗ hổng dẫn đến nguy cơ vỡ thân đê. Nếu không xử lý kịp thời, e là có ngày “tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”. Thế nên, cần phải triệt hết những tổ kiến trên thân đê trước khi quá muộn.

Bụt Sơn