(Baonghean) - Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định vai trò giám sát, đồng thời bổ sung thêm một chức năng quan trọng - chức năng phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể. Để hiểu hơn vai trò mới của MTTQ và các đoàn thể, phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Huy - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh về những vấn đề liên quan.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết thực tiễn triển khai chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thời gian qua ở tỉnh ta? 
 
Đồng chí Nguyễn Văn Huy: Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng để góp phần tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã được quy định trong Hiến pháp sửa đổi năm 1992, các Văn kiện Đại hội X, XI của Đảng và một số văn bản pháp luật của Nhà nước... Đặc biệt trong Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định vai trò giám sát, đồng thời đã bổ sung thêm một chức năng quan trọng - chức năng phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể.  
image_1654516.jpgĐại diện MTTQ tỉnh tham gia cùng với HĐND tỉnh về xử lý nước thải tại Công ty bánh kẹo Tràng An (Cửa Lò). Ảnh: m.h
 
Ở Nghệ An, thực hiện chức năng giám sát, thời gian qua, MTTQ tỉnh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh tham gia các chương trình giám sát việc chấp hành pháp luật, các Nghị quyết HĐND tỉnh trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; giám sát việc tuyển chọn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên; giám sát công tác xét đặc xá... Ở cấp huyện, cấp xã, MTTQ cũng đã phối hợp với Thường trực HĐND cùng cấp để giám sát việc chấp hành pháp luật, thực hiện các Nghị quyết của HĐND ở địa phương. MTTQ và các đoàn thể cũng đã tự mình giám sát một số việc cụ thể như giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND các cấp; tổ chức một số đoàn giám sát chấp hành pháp luật ở một số cơ quan, tổ chức; một số vụ việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân… 
 
Có thể khẳng định, vai trò giám sát của MTTQ và các đoàn thể được thực hiện thời gian qua là khá phong phú và đa dạng. Các ý kiến tham gia của MTTQ thông qua hoạt động giám sát đã được các cơ quan, tổ chức, người bị giám sát tiếp thu và nhiều nội dung đã được điều chỉnh, khắc phục, tạo hiệu quả thiết thực, đem lại niềm tin trong nhân dân. Tuy nhiên, có một khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến việc thể hiện chức năng giám sát của MTTQ và các đoàn thể, đó là cho đến bây giờ chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nào giao cho MTTQ và các đoàn thể chủ trì thực hiện chức năng giám sát. Điều này dẫn đến vẫn còn nhiều nội dung, nhiều vấn đề mà MTTQ kiến nghị thông qua giám sát chưa được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp thu, xử lý, khắc phục kịp thời, hiệu quả; thậm chí một số vấn đề không được xử lý nhưng chưa có cơ chế cụ thể, rõ ràng để đảm bảo cho MTTQ và đoàn thể thực hiện. 
 
Riêng về hoạt động phản biện xã hội, thời gian qua, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc tham gia góp ý, đề xuất, kiến nghị đối với dự thảo một số chính sách, chương trình, dự án và nghị quyết của HĐND, UBND và cơ quan hành chính nhà nước... Do chưa có quy định cụ thể nên MTTQ chưa tự đứng ra chủ trì thực hiện các cuộc phản biện độc lập liên quan đến tất cả các vấn đề định hướng, hoạch định chính sách..., dẫn đến vai trò và hiệu lực, hiệu quả phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chưa đạt đúng tầm.
 
Phóng viên: Việc Bộ Chính trị vừa ban hành 2 quyết định về quy chế giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có ý nghĩa như thế nào trong đời sống chính trị - xã hội và đối với hệ thống MTTQ các cấp hiện nay, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Nguyễn Văn Huy: Kể từ khi có MTTQ đến nay, hai Quyết định số 217/QĐ-TW, số 218/QĐ-TW mà Bộ Chính trị ban hành ngày 12 tháng 12 năm 2013 là văn bản đầu tiên quy định cụ thể, chi tiết chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hai quyết định này của Bộ Chính trị có ý nghĩa rất đặc biệt, tạo ra luồng khí mới trong phát huy dân chủ của nhân dân thông qua hệ thống MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội một cách rộng rãi hơn, hiệu quả hơn; đây cũng chính là một trong những điều kiện tạo niềm tin cho nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và đối với chế độ. Từ 2 quyết định đó cũng sẽ giúp tăng cường công tác quản lý và giám sát của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội, kể cả giám sát cán bộ công chức trong quá trình thực hiện chức trách được giao; góp phần xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh, bởi có giám sát mới góp phần ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra trong đội ngũ cán bộ, công chức. Đây cũng là điều kiện để phát huy trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, các giai tầng trong xã hội tham gia đóng góp, phản biện vào các quyết sách, quyết định, chủ trương, đề án, nghị quyết kinh tế - xã hội đúng đắn, hiệu quả, sát thực tiễn và đi vào lòng dân.
 
Phóng viên: Với ý nghĩa quan trọng như vậy, theo đồng chí, cần phải làm gì để 2 quyết định này sớm đi vào cuộc sống?
 
Đồng chí Nguyễn Văn Huy:Để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt các chức năng theo Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị, bên cạnh sự nỗ lực, vươn lên của cả hệ thống MTTQ và các đoàn thể chính trị thì cần phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó cần phải tranh thủ được kinh nghiệm, trí tuệ, chất xám của các nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành thông qua thành lập các hội đồng tư vấn. 
 
Trước mắt, MTTQ tỉnh dự kiến sẽ thành lập, kiện toàn 3 hội đồng tư vấn về các chính sách kinh tế - xã hội; về vấn đề dân tộc - tôn giáo; về dân chủ và pháp luật. Mặt khác, muốn giám sát và phản biện xã hội có chất lượng và hiệu quả, thì chủ thể giám sát và phản biện phải mạnh, phải có bản lĩnh, có trình độ chuyên môn, có năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề. Vì vậy, các cấp ủy đảng cần quy hoạch, đào tạo, bố trí, luân chuyển cán bộ có năng lực về làm công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Chú trọng cán bộ trẻ, có năng lực, trình độ cả về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Chỉ có xác định đúng đắn nhu cầu cán bộ mới có thể chủ động tạo nguồn cán bộ, tránh tình trạng chắp vá hoặc điều động cán bộ một cách chủ quan, tuỳ tiện.
 
Đồng thời, các cấp ủy đảng và chính quyền cần tạo mọi điều kiện thuận lợi và thực sự cầu thị trong việc lắng nghe ý kiến góp ý của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Cần xây dựng quy chế và xác định rõ mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận. Đảng phải đặt trong mối quan hệ vừa là người lãnh đạo của Mặt trận đồng thời là thành viên của Mặt trận. Chỉ có xác định đúng mối quan hệ đó mới tạo điều kiện để MTTQ và các đoàn thể thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội. Xây dựng cơ chế cụ thể và đầy đủ về quyền hạn, trách nhiệm của MTTQ đối với các tổ chức thành viên; về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền đối với những kiến nghị, phản ánh của MTTQ và của nhân dân trong quá trình giám sát, phản biện. Có như vậy, MTTQ mới thể hiện đúng và đầy đủ vai trò là tổ chức liên minh chính trị rộng lớn, đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân. Mặt khác, muốn MTTQ các cấp giám sát và phản biện được, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tạo cho Mặt trận có được vị trí tương đối độc lập, không lệ thuộc nhiều vào Nhà nước về tổ chức, cán bộ và tài chính. Có cơ chế, chính sách biểu dương khích lệ những người làm tốt công tác giám sát, phản biện, bảo vệ những người trung thực, thẳng thắn trong đấu tranh giám sát, phản biện.
 
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
 
Mai Hoa