(Baonghean) - Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UB MTTQ các cấp, Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) xã, thị ở tỉnh ta đã phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt thanh tra, giám sát nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, củng cố hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc đang triển khai xây dựng nhiều công trình: trường THCS với số vốn 11 tỷ đồng, cầu vượt lũ hơn 2 tỷ đồng, tu sửa nhà văn hóa xã hơn 2 tỷ đồng, trụ sở khối dân, đường vào làng nghề chổi đót 2,7 km... Các công trình xây dựng đều được các thành viên của Ban GSĐTCĐ trực tiếp tham gia giám sát, kịp thời nhắc nhở, góp ý cho đơn vị thi công chỉnh sửa những sai sót, đảm bảo kỹ, mỹ thuật, an toàn và vệ sinh môi trường. Trong quá trình giám sát, Ban GSĐTCĐ của xã phát hiện chất lượng công trình trường THCS chưa đảm bảo, không theo thiết kế ban đầu; một trụ cầu xây chưa đảm bảo theo bản vẽ được phê duyệt; đường giao thông chưa đảm bảo… Ban đã báo cáo với chính quyền địa phương kiến nghị kiên quyết xử lý buộc đơn vị thi công phải điều chỉnh, bồi hoàn.  
images975311_dsc_0039.jpgBan TTND và GSĐTCĐ ở Hưng Nguyên đã góp phần đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình trong xây dựng NTM.
 
Ở xóm 19, xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên, hàng năm việc đóng góp của nhân dân chưa được cụ thể, xóm chưa có kế hoạch thu, chi. Đến mùa thu hoạch, ban cán sự xóm mới báo cáo phần chi trước dân rồi chia cho đầu hộ, đầu sào để dân đóng góp. TTND của xã đã kịp thời phát hiện và đề nghị xã chỉ đạo xóm thực hiện đúng nguyên tắc quy chế dân chủ. Nhờ vậy, các khoản đóng góp thu chi được ban cán sự xóm công khai để nhân dân được biết. Khi UBND xã triển khai xây dựng đường giao thông kênh mương nội đồng, qua việc giám sát của TTND và GSĐTCĐ của xã đã phát hiện một số việc không đảm bảo như: mác bê tông, hồ vữa trộn không đảm bảo, phát hiện nguyên vật liệu không đúng chủng loại. Ban TTND và GSĐTCĐ của xã đã yêu cầu nhà thầu thực hiện theo đúng quy trình. Một số công trình khác khi phát hiện các sai sót ban đầu đã đề nghị nhà thầu thi công làm lại đúng quy trình, nếu vượt quá mức thì đề nghị UB MTTQ và chủ tịch UBND xã có biện pháp giải quyết.  
 
Có thể nói, kể từ khi Quốc hội khoá XI ban hành Luật Thanh tra, trong đó có quy định về Thanh tra nhân dân (TTND) và giao cho Mặt trận Tổ quốc các cấp có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo hoạt động TTND xã, phường, thị trấn và theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2005/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban TTND; Quyết định số 80/2005/ QĐ-TTg về việc ban hành quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng… đến nay, Nghệ An có 480/480 xã thành lập TTND và GSĐTCĐ. Được nhân dân tin tưởng, giao trách nhiệm, Ban TTND và GSĐTCĐ đã phát huy được vai trò của mình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời nhiều hoạt động đầu tư xâm hại đến lợi ích của cộng đồng dân cư. Trong năm 2012, TTND ở các địa phương đã phát hiện 1.688 vụ việc, ban GSĐTCCĐ phát hiện 720 vụ việc. Tổng số vụ việc có vi phạm sau giám sát của TTND là 1.056, GSĐTCĐ 536, tổng số ý kiến đề xuất sau giám sát của TTND là 982 và GSĐTCĐ là 510. Đây là những nỗ lực không nhỏ của đội ngũ cán bộ được gọi là “tai mắt” của nhân dân. “Qua thanh tra, giám sát đã phát hiện kiến nghị nhiều vụ việc vi phạm, giúp chính quyền và cơ quan chức năng xử lý nhiều cán bộ vi phạm, thu hồi cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở. Đây là 1 kênh thông tin, hệ thống tai mắt giúp hiệu quả quản lý nhà nước tại cơ sở được nâng cao hơn”- ông Nguyễn Đông Đức - Trưởng Ban Dân chủ và pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh chia sẻ. 
 
Hoạt động của Ban TTND và GSĐTCĐ không mới nhưng chỉ phát huy tích cực, có vị trí cũng như sự quan tâm trong thời gian gần đây, đặc biệt trong chương trình xây dựng NTM. Mặc dù hoạt động kiêm nhiệm, kinh phí cấp cho hoạt động của đội ngũ này ở các địa phương ít ỏi chỉ từ 2 triệu đồng/năm, có nơi chưa đến 2 triệu đồng/năm,… nhưng hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ đã thực sự đi vào chiều sâu những mặt trái của xã hội, những vấn đề dân sinh bức xúc. Tuy nhiên, trên thực tế những công việc không tên, không đầu không cuối, trong khi kinh phí hoạt động eo hẹp nên nhiều thành viên, thậm chí cả những cán bộ chủ chốt cũng không mặn mà, phần nào làm hạn chế hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCĐ.
 
Làm gì để phát huy vai trò của lực lượng này đang là câu hỏi đặt ra đối với các cấp, các ngành. Ông Nguyễn Khắc Thân - Phó Chủ tịch MTTQ huyện Nghi Lộc chia sẻ: “Trước hết, cần phải kiện toàn về số lượng chất lượng, trang bị kiến thức cho đội ngũ này, cùng với đó cần tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động. Đồng thời sớm ban hành Luật về giám sát của nhân dân, tạo hành lang pháp lý để nhân dân thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát hoạt động của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, chính quyền, nhà thầu cần nhận thức rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong quá trình hoạt động của đội ngũ này. Ngoài ra, việc chọn lựa những người có uy tín, có trách nhiệm, có tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung, dám bảo vệ cái đúng và dám phê bình, đấu tranh những biểu hiện tiêu cực, sai phạm là điều hết sức cần thiết”. 
 
Củng cố, phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban TTND, GSĐTCĐ cũng chính là góp phần làm trong sạch bộ máy công quyền, ngăn ngừa, giảm bớt những sai phạm, tiêu cực. Việc nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác này là bước chuẩn bị chu đáo để UB MTTQ tỉnh đảm nhận thành công vai trò giám sát và phản biện. 
 
Bài, ảnh: Thanh Lê