(Baonghean) - TS Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An

Công tác DS-KHHGĐ là nội dung rất quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa về văn hóa, xã hội, là yếu tố phát huy nguồn lực con người, góp phần phát triển bền vững…

Bên cạnh hậu quả của chiến tranh, thiên tai, mất khả năng lao động… thì đông con là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng nghèo đói. Dân số gia tăng nhanh, các nguồn lực vật chất nuôi sống con người (nhà ở, học hành, việc làm, lương thực, nước uống, quần áo...) sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng, gây khó khăn lớn cho gia đình, xã hội. Nhiều trường hợp tự bản thân họ không thể khắc phục nổi và bị bần cùng hoá. Nhà nước không có đủ nguồn lực để hỗ trợ kịp thời khi dân số tăng quá nhanh. Đặc biệt, sự gia tăng dân số đột biến khiến các chi phí cho y tế, giáo dục, văn hoá của Nhà nước không đáp ứng nổi. Các hộ nghèo không có đủ tiền chi phí cho việc học hành, chữa bệnh, khó có đủ điều kiện nuôi dạy con phát triển toàn diện và thành đạt. Từ đó, dẫn đến nạn thất học, bỏ học của trẻ em các lứa tuổi và tình trạng ốm đau bệnh tật của người dân kéo dài...

Ở ta, vẫn còn đây đó quan niệm “đông con hơn đông của”, “trời sinh voi trời sinh cỏ”, và với mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, về già có chỗ nương tựa. Thế nhưng, họ không nhận thức được rằng, đông con, hiển hiện trước mắt là cảnh thiếu thốn trăm bề. Nghèo đói, khó khăn sẽ khiến họ không thể thực hiện được đạo lý phụng dưỡng cha mẹ già, không làm tròn trách nhiệm của bậc làm cha, làm mẹ với con cái, không thể hoàn thành trách nhiệm với bản thân mình và bổn phận của một công dân với xã hội.

Dân số gia tăng sẽ tạo ra một lực lượng lao động trẻ đông đảo. Ở nước ta, với tỷ lệ sinh cao, trẻ em đến tuổi trưởng thành trở thành một lực lượng lao động dồi dào, quý giá của đất nước. Nhưng chất lượng của lực lượng lao động này ra sao? Điều đó trở thành vấn đề đáng lo ngại! Tình trạng đói nghèo vẫn là một thách thức lớn, nhiều trẻ em bị thất học và bỏ học, trí tuệ kém phát triển, cơ thể ốm yếu, lực lượng lao động trẻ dồi dào ấy có đáp ứng nổi các nhu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước không? Số lượng lao động trẻ tăng lên nhưng chất lượng lao động kém đi lại thành nỗi lo chung của cả xã hội. Các gia đình gặp cảnh bế tắc do con cái khó kiếm việc làm ổn định và thất nghiệp, chúng dễ rơi vào các tệ nạn xã hội. Còn Nhà nước lại gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các kế hoạch kinh tế, xã hội, đồng thời phải lo cứu giúp các gia đình nghèo, tăng các chi phí y tế - giáo dục, văn hoá, an ninh công cộng. Kết quả điều tra xã hội học ở Việt Nam cho thấy, 50–60% tổng số hộ được điều tra là do đông con, dẫn đến đói nghèo.

798915_small_100841.jpg

Hội nghị biểu dương các gia đình tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2013.

Thời gian qua, công tác DS/KHHGĐ ở tỉnh ta luôn được quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ phát triển dân số giảm xuống còn 1,16% (năm 2012); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 24% (năm 2003) xuống còn 18,18% (năm 2012); tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 64,5% (năm 2003) lên đến 76,2% (năm 2012). Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của toàn xã hội về công tác DS-KHHGĐ đã có bước chuyển biến tích cực. Quy mô gia đình có một hoặc hai con ngày càng phổ biến. Chất lượng dân số ngày càng được nâng lên. Những kết quả đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của nhân dân. Đây thực sự là một cố gắng rất lớn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành và đội ngũ làm công tác dân số.

Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Hiện tại, Nghệ An là tỉnh có quy mô dân số lớn, đứng thứ 4 cả nước và đang có xu hướng tiếp tục tăng. Trong khi cả nước đã đạt mức sinh thay thế, thì Nghệ An mức sinh tuy giảm nhưng chưa vững chắc và còn cao, đang nằm trong nhóm 10 tỉnh có mức sinh cao; mật độ dân số 177 người/km2 (gấp 6-7 lần so với mật độ chuẩn thế giới). Tỷ lệ phát triển dân số và tỷ lệ sinh con thứ 3 có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở các xã vùng cao, vùng đồng bằng. Đây là bài toán khó, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, như nhà ở, học hành, khám chữa bệnh, việc làm, vui chơi, giải trí...

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động, chất lượng dân số tuy được nâng lên nhưng vẫn ở mức thấp… Các nhà kinh tế đã tính toán, để tăng 1% dân số thì phải tăng 4% GDP mới giữ được mức sống như hiện tại. Hay như Liên Hiệp Quốc tính, nếu đầu tư 1 USD cho dân số thì sẽ tiết kiệm được 31 USD cho các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo tính toán của PAO, tối thiểu một người dân phải có 0,25ha đất canh tác mới đảm bảo an ninh lương thực, trong khi chúng ta chưa đầy 0,1ha/người (khoảng trên 30% chuẩn thế giới). Tỉnh ta có diện tích lớn nhất cả nước (16.500km2), nhưng diện tích đồng bằng chỉ chiếm 17%, rất khó khăn về đất trồng lúa. Dân số tăng, để cân đối với việc phấn đấu tăng GDP là rất khó, ảnh hướng đến đời sống của người dân, chất lượng giống nòi, cũng như thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Nghệ An lần thứ XVII đề ra: “Phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, trước hết, phải tiếp tục ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số, tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH – HĐH quê hương, đất nước. Trong đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong toàn tỉnh thời gian tới cần tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân số, chăm sóc SKSS. Đưa công tác DS/KHHGĐ thành một nội dung quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm lồng ghép hiệu quả với các hoạt động chuyên môn của ngành và các các chương trình kinh tế - xã hội khác. Tiếp tục triển khai Chỉ thị 09- CT/TU của Tỉnh ủy, NQ của HĐND tỉnh và QĐ của UBND tỉnh về chính sách DS-KHHGĐ một cách hiệu quả, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị. Tổ chức tốt việc ký cam kết thực hiện chính sách DS-KHHGĐ cho cán bộ đảng viên và nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Thứ hai: Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động về công tác DS/KHHGĐ. Các cấp ủy đảng, chính quyền sớm đưa công tác tuyên truyền, vận động vào mặt trận, các đoàn thể, phải tuyên truyền đến từng gia đình, thành viên và xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên. Vận động, thuyết phục xã hội và người dân tự nguyện thực hiện mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 đến 2 con để nuôi dạy con tốt. Đây là cuộc vận động lớn nên cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện chính sách DS/KHHGĐ; gắn việc thực hiện chính sách DS/KHHGĐ với việc xây dựng gia đình, làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba: Tập trung củng cố, kiện toàn và ổn định tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác DS/KHHGĐ từ tỉnh đến thôn, bản để có đủ năng lực chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Đồng thời, quan tâm tham mưu xây dựng hệ thống chính sách công tác DS/KHHGĐ, trong đó lưu ý chính sách cho cán bộ làm công tác dân số ở cơ sở; công tác thi đua, khen thưởng và xử lý vi phạm chính sách DS/KHHGĐ. Cùng với việc tăng mức đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước chi cho chương trình mục tiêu DS/KHHGĐ, cần tích cực huy động sự đóng góp của toàn xã hội. Bảo đảm đủ kinh phí thực hiện công tác DS/KHHGĐ, quản lý chặt chẽ, điều phối và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư.

Thứ tư: Quan tâm đến chất lượng dân số, thông qua việc xây dựng và triển khai các đề án nâng cao chất lượng dân số; cần có các giải pháp để phát huy lợi thế “dân số vàng” để có một lực lượng lao động dồi dào, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực thực hiện sự nghiệp CNH – HĐH quê hương, đất nước.

Thứ năm: Tập trung xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hành động của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, để thực hiện Chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ; Chương trình mục tiêu quốc gia dân số giai đoạn 2011 - 2015, đảm bảo chiến lược, chương trình mục tiêu dân số giai đoạn tới thực hiện có hiệu quả, là căn cứ khoa học để xây dựng các chiến lược, kế hoạch kinh tế - xã hội khác.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tin rằng, công tác DS/KHHGĐ tỉnh ta thời gian tới sẽ thu được nhiều thành tựu mới, vì mục tiêu ổn định quy mô, từng bước nâng cao chất lượng dân số, xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH – HĐH quê hương, đất nước!


H.Đ.P