(Baonghean) - Mới đây, tại một cuộc họp UBND tỉnh, ý kiến một số sở, ngành cho rằng việc chấp hành quy định pháp luật trong đầu tư xây dựng cơ bản chưa nghiêm. Đặc biệt tình trạng gia hạn thời gian hợp đồng vẫn còn nhiều, nhiều dự án đã hết thời gian thực hiện hợp đồng nhưng vẫn xin gia hạn gây khó khăn trong quản lý và hiệu quả đầu tư.

Trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 có nhiều dự án phải điều chỉnh, năm 2014 có 68 dự án (trong đó 10 dự án điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư, 58 dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư); 9 tháng đầu năm 2015 có 32 dự án điều chỉnh (trong đó 9 dự án điều chỉnh quy mô, 21 dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư) cá biệt có một số dự án bổ sung quy mô dẫn đến tổng mức đầu tư tăng hơn 2 lần so với dự án được duyệt… Quá trình phê duyệt điều chỉnh dự án vẫn chưa chỉ rõ được khả năng cân đối nguồn vốn, do đó không phù hợp với Khoản 2, Điều 11 Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và tiết b, khoản 1, mục I Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ.
 
Để chấn chỉnh tình trạng một số chủ đầu tư, nhà thầu đề nghị kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng (tiến độ thi công), việc điều chỉnh tổng dự toán theo chính sách Nhà nước để được hưởng lợi không chính đáng, hạn chế thấp nhất thất thoát vốn NSNN, đảm bảo tính khách quan, trung thực công bằng trong thực hiện hợp đồng, cần thực hiện nghiêm việc điều chỉnh dự án, gia hạn thời gian hợp đồng đảm bảo theo đúng quy định. Chỉ được điều chỉnh dự án trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Đầu tư công và khoản 1 Điều 61 Luật Xây dựng phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn của ngân sách các cấp. Cấp có thẩm quyền chỉ được điều chỉnh dự án sau khi thực hiện kiểm tra, đánh giá theo quy định tại Khoản 3, Điều 46, Điều 79, 80, 81 Luật Đầu tư công. Trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với quyết định đầu tư ban đầu, các ngành, địa phương đồng thời với việc thực hiện các quy định về lập, thẩm định quyết định điều chỉnh dự án phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định tại điều 38 của Luật Đầu tư công. 
 
Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, trong trường hợp điều chỉnh dự án làm thay đổi quy mô, nội dung đầu tư phải thực hiện quy trình chủ trương cho phép điều chỉnh, bổ sung dự án, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan khi tham mưu chủ trương ban đầu và thực hiện theo quy trình ban hành chủ trương đầu tư quy định tại mục 1- Chương II Luật Đầu tư công. Khi điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng phải thẩm định rõ nguồn vốn thanh toán phần giá trị tăng thêm do điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng gây ra trước khi trình cấp có thẩm quyền gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng; Không gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đối với các dự án đã hết thời gian thực hiện hợp đồng, đặc biệt là các dự án đã kéo dài quá 10 năm.
 
Trong quá trình tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh dự án, gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng thực hiện nghiêm các quy định hiện hành của Nhà nước và Công văn số 2525/UBND-XD ngày 20/4/2013, số 6942/UBND-TM ngày 02/10/2013, số 2770/UBND-TM ngày 07/5/2015 của UBND tỉnh.  Khi điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và thời gian thực hiện hợp đồng  do nguyên nhân giải phóng mặt bằng của các gói thầu có kế hoạch lựa chọn nhà thầu phê duyệt sau ngày 01/7/2014, thì phần kinh phí tăng thêm do điều chỉnh Chủ đầu tư phải tự huy động nguồn vốn thanh toán cho nhà thầu.   
 
Việt Phương