(Baonghean) - Kê khai thuế, phí là công việc thường xuyên của các doanh nghiệp trong quá trình chấp hành pháp luật thuế, phí. Qua công tác kiểm tra, thanh tra trong tháng 9/2015, ngành chức năng đã phát hiện một số sai phạm của các doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản.

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phú Sơn, địa chỉ xóm 18, Nghi Phú (TP. Vinh), ngành nghề khai thác, chế biến, mua bán khoáng sản và xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi. Hình thức hạch toán theo chứng từ ghi sổ, nộp thuế tại Chi cục Thuế Quỳ Hợp. Qua kiểm tra trong tháng 8 và  9/2015, cho thấy: Năm 2013, số thuế công ty đã nạp 2,044 tỷ đồng, năm 2014, công ty đã nộp 2,68 tỷ đồng. Công ty đã mở đầy đủ sổ sách kế toán theo quy định, ghi chép số liệu kịp thời, chứng từ kế toán được xắp xếp gọn gàng lưu trữ đúng quy định. Nhưng cũng phát hiện ra sai phạm về kê khai nộp phí bảo vệ môi trường với số tiền là 233.502.834 đồng. Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản qua kiểm tra cho thấy mỏ thiếc tại khu vực Phá Lồm, xã Châu Tiến (Quỳ Hợp) đã hết hạn ngày 13/8/2014; mỏ đá tại xã Nam Thanh (Nam Đàn) hiện nay công ty đang tiến hành kê khai và nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Nghị định số 203/2013/ NĐ – CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. 
 
images1389753_8.jpgKhai thác, sản xuất đá ở Công ty TNHH Thanh Xuân (TX. Hoàng Mai).
 
Kiểm tra ở Công ty CP Gạch ngói Diễn Châu, ngành chức năng  đã kiến nghị truy thu số tiền 21.206.987 đồng do kê khai tính thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường không đầy đủ trong năm 2013 và 2014. Còn đối với Công ty CP An Lộc, địa chỉ tại khối 5, phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) ngành nghề kinh doanh cũng  khai thác mỏ và quặng thiếc, sản xuất vật liệu từ đất sét, thì năm 2013 và năm 2014,  Công ty CP An Lộc đã kê khai tính thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng không đầy đủ, số tiền sai phạm là 196.137.706 đồng. Trong đó, thuế tài nguyên môi trường là 47.461.234 đồng, phí bảo vệ môi trường là 15.949.200 đồng.  Sau khi phát  hiện và  yêu cầu khắc phục, công ty đã nộp đủ số tiền sai phạm vào tài  khoản của Nhà nước. 
 
Công ty TNHH Khoáng sản Omya Việt Nam, địa chỉ Khu công nghiệp Nam Cấm (Nghi Lộc) cũng vậy, kiểm tra quá trình chấp hành thuế, phí ở công ty, mặc dù ưu điểm là công ty  đã mở sổ sách kế toán theo quy định, hạch toán kịp thời các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Năm 2013 và năm 2014 đã nộp ngân sách Nghệ An số tiền thuế, phí hơn 17 tỷ đồng, góp phần tăng thu ngân sách cho Nghệ An. Nhưng  Công ty kê khai quyết toán phí bảo vệ môi trường chưa quy đổi khối lượng đá hộc, đá khối trắng thành phẩm ra đá nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường với số tiền 39.926.849 đồng. Tuy nhiên, sau đó công ty đã kịp thời kê khai bổ sung số phí bảo vệ môi trường còn thiếu năm 2013 là 19.338.760 đồng…
 
Trên đây là một số các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn mà khi thanh, kiểm tra, các ngành chức năng đã phát hiện ra những hạn chế, sai phạm về kê khai, tính thuế. Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường còn chỉ ra: Kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật ở một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản cho thấy một số doanh nghiệp được cấp phép chưa tuân thủ quy trình, quy phạm khai thác mỏ, công tác an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, xử lý môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản chưa được quan tâm đúng mức, việc thực hiện nghĩa vụ sau cấp phép của doanh nghiệp nhìn chung chưa đầy đủ,...
 
Qua kiểm tra cho thấy việc sai phạm trong kê khai, tính thuế, phí, diễn ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Điều đó đòi hỏi ngành Thuế, các chi cục thuế cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý thuế, phí, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về thuế, phí, giải thích cho doanh nghiệp hiểu rõ các quy định về pháp luật thuế, phí, Luật Thuế tài nguyên. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp để xảy ra sai phạm.
 
Tại Điều 5, Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/7/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên và hướng dẫn thi hành Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thuế tài nguyên quy định:
Đối với khoáng sản không kim loại:
Số lượng khoáng sản không kim loại khai thác trong kỳ để xác định số phí bảo vệ môi trường phải nộp là số lượng khoáng sản nguyên khai khai thác thực tế trong kỳ nộp phí, không phân biệt mục đích khai thác (để bán ngay, đem trao đổi, tiêu dùng nội bộ, dự trữ đưa vào sản xuất tiếp theo …) và công nghệ khai thác (thủ công, cơ giới) hoặc vùng, miền, điều kiện khai thác (vùng núi, trung du, đồng bằng, điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp …). Trường hợp khoáng sản khai thác phải qua sàng, tuyển, phân loại, làm giàu trước khi bán ra, căn cứ điều kiện thực tế khai thác và công nghệ chế biến khoáng sản trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cục Thuế địa phương để trình UBND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản không kim loại cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương”.
Ở Nghệ An, UBND tỉnh đã có Quyết định số 30/ QĐ – UBND. TN ngày 5/1/2013 về ban hành quy định tỷ lệ quy đổi khoáng sản thành phẩm ra khoáng sản nguyên khai. 
Bài, ảnh: Trân Châu