(Baonghean) - Trong gần 30 năm đổi mới đất nước, nông nghiệp (NN), nông dân, nông thôn là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển KT-XH bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy vai trò đó, việc đổi mới phương thức tổ chức sản xuất được coi là yếu tố quyết định để tái cơ cấu toàn diện nền NN Việt Nam, không chỉ với chương trình NTM.
Giải quyết rủi ro kép
Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nếu nhìn vào những thành tựu sau 30 năm đổi mới, thì những thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp (NN) vẫn là điểm nổi trội. Thành quả của nền NN Việt Nam đã đạt được không chỉ về mặt kinh tế, mà còn đóng góp rất quan trọng về mặt ổn định chính trị, xã hội. Tuy nhiên, đến nay đang tồn tại một câu hỏi: liệu chúng ta có thể thực hiện sự nghiệp CNH nền kinh tế từ nền tảng của nền kinh tế NN và có thể làm giàu từ NN không?
Theo TS. Trần Du Lịch, để trả lời câu hỏi trên, cần giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề, trong đó có mô hình tổ chức sản xuất kinh tế hộ và vai trò hỗ trợ của Nhà nước phù hợp với cơ chế vận hành của thị trường và hội nhập với thị trường thế giới. Những vấn đề rất lớn của nền NN hiện đại như giải quyết rủi ro kép của người sản xuất (tác động của thiên tai, dịch bệnh và thị trường giá cả, tỷ giá)… nhưng vượt lên trên tất cả, TS. Trần Du Lịch xác định vấn đề có ý nghĩa tiên quyết là “đổi mới mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp khả dĩ hấp thụ được các thành tựu của KH&CN, thích nghi được sự vận hành của cơ chế thị trường. Cần đổi mới tư duy về mô hình CNH nền kinh tế Việt Nam, tức là CNH trên nền tảng CNH NN, và trước hết là cần hiểu đúng CNH NN phải dựa vào mục tiêu chứ không phải dựa vào phương tiện. Mục tiêu của CNH NN là làm cho nền sản xuất NN tạo ra được sản phẩm đồng nhất về chất lượng như trong sản xuất công nghiệp. Yếu tố công nghệ mang tính quyết định. Cơ giới hóa, thủy lợi hóa, điện khí hóa... chỉ là phương tiện”.
Tiếp đến, TS. Trần Du Lịch xác định: Để chuyển dịch cơ cấu NN thì cần đặt trọng tâm vào cơ cấu lao động, chứ không phải cơ cấu giá trị. “Nền NN phải thực sự phục vụ cho CNH dưới 3 khía cạnh: tích lũy vốn, cung cấp nguyên liệu và lao động cho nền kinh tế. Chính vì thế, cần làm rõ những quan điểm lớn như: Duy trì mô hình nông hộ hay phát triển theo quy mô mang lại hiệu quả nhất? Phương thức tổ chức sản xuất; chính sách giảm thiểu rủi ro trong NN trong điều kiện thị trường; cần xóa bỏ tư duy cơ cấu kinh tế tỉnh mà phải xây dựng các “cứ điểm công - NN” theo quy mô vùng, nhằm nâng cao giá trị nông sản; tổ chức nền sản xuất NN theo các mô hình sản xuất phù hợp với cơ chế thị trường mà trong đó, mô hình phổ biến vẫn là HTX và mô hình kinh tế trang trại… Ngoài ra, việc duy trì hạn điền sẽ bằng biện pháp hành chính hay bằng biện pháp kinh tế - tài chính? Làm thế nào để có thể tích tụ ruộng đất phù hợp với quy mô sản xuất tối ưu, mà người nông dân vẫn không mất đất? Đó là những câu hỏi để ngỏ cần có câu trả lời chính thức, xác đáng.
Còn theo chuyên gia Trần Huy Tuấn (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong số các vấn đề đặt ra trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua cần khắc phục trong thời gian tới, nên lưu ý đến việc phân phối tăng trưởng cho khu vực nông thôn, tránh những bất cập, phân hóa giữa nông thôn và thành thị ngày càng rõ nét. Theo chuyên gia Trần Huy Tuấn, việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình NTM là nội dung cụ thể trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế trên địa bàn nông thôn; tái cơ cấu NN, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Trong giai đoạn tới cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu điều chỉnh hoặc bổ sung hướng dẫn tiêu chí phù hợp với thực tế, nhất là với các vùng khó khăn, vùng đặc thù theo hướng không hạ thấp chỉ tiêu, chất lượng của các tiêu chí.
Giảm chi phí đầu vào, tạo đầu ra bền vững
Cũng theo chuyên gia Trần Huy Tuấn, ngoài việc tích cực tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào, thay đổi quan hệ sản xuất và tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn thì việc đổi mới thể chế cần theo hướng Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế. Nhà nước phải làm chính sách tốt để giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, tạo đầu ra bền vững; thị trường hóa các yếu tố của sản xuất NN; thực hiện phân bổ các nguồn lực theo cơ chế thị trường để khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Muốn tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thì ngoài thực hiện tốt chức năng quản lý sản xuất, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế thu hút DN đầu tư vào NN-NT. Việc nhập khẩu và chuyển giao KH&CN cũng cần được coi là phương thức chủ đạo để phát triển KH&CN trong nông nghiệp. Đồng thời, phải nâng cao bằng được chất lượng lao động; chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn phù hợp điều kiện, trình độ sản xuất, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, giảm sức ép di cư nông thôn - thành thị.
Việc chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường sử dụng lao động, gắn đào tạo nghề với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu của các doanh nghiệp sử dụng lao động cũng là giải pháp cần thiết. Không những thế, cần phải đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với thị trường bằng cách sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, các nông - lâm trường quốc doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị này; từng bước hình thành các tổ hợp công - nông nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, gắn chặt với người nông dân, hướng tới sản xuất bền vững - chuyên gia Trần Huy Tuấn nói thêm.
...Trong 30 năm thực hiện đổi mới, đặc biệt là giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH, NN, nông thôn luôn đóng vai trò quan trọng. Những thành tựu của CNH, HĐH NN, nông thôn đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Chủ trương, chính sách về NN-NT cơ bản toàn diện và đầy đủ, nhưng khâu tổ chức thực hiện yếu do nhiều nguyên nhân. Giải quyết triệt để, đồng bộ các nguyên nhân, triệt để đổi mới quan hệ sản xuất và tổ chức sản xuất theo hướng tăng dần tích tụ đất, tăng năng suất lao động trong NN, thu hút doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết kinh tế để hỗ trợ giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, gắn sản xuất với thị trường, xây dựng nông thôn Việt Nam đổi mới.
Hồng Hà