(Baonghean) - Gác lại sau lưng phố thị phồn hoa, anh Cao Hoàng Hà đã lên với bản làng heo hút Châu Thái, Quỳ Châu lập nghiệp. Từ hai bàn tay trắng, bền gan với đồi, núi trọc bước đầu anh Hà đã tạo dựng được trang trại tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi cho thu nhập cao, thức dậy mầm xanh ở Pu Muống.
 
Cao Hoàng Hà sinh năm 1981, quê ở Vinh Tân - TP. Vinh, tốt nghiệp THPT, Hà chọn lối đi cho riêng mình là “bỏ phố lên rừng” làm trang trại. Xuất phát ý tưởng là từ một lần lên miền sơn cước Quỳ Châu thăm bác ruột, thấy được vùng đồi hoang vẫn chưa phát huy được hiệu quả, Cao Hoàng Hà nói với bác rằng: “Cháu sẽ lên chinh phục núi rừng”. Nói là làm, năm 2007, Hà khăn gói lên đường trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Anh cùng với bố nghiên cứu khá kỹ địa thế vùng đồi rộng trên 7ha để xây dựng kế hoạch trồng cây gì và nuôi con gì phát huy hiệu quả. 
 
Vùng thung lũng Pu Muống - Châu Thái - Quỳ Hợp trước đây đã từng được trồng khoảng trên 2 ha cây ăn quả gồm nhãn, vải, hồng, bưởi… tuy nhiên do không hợp với chất đất cây ăn quả càng lớn càng còi cọc tàn lụi. Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định đào hết các loại cây trồng không có hiệu quả, cải tạo lại vùng đồi để hình thành nên trang trại tổng hợp vừa trồng rừng vừa chăn nuôi. Bằng sức trẻ, chỉ với xà beng, cuốc xẻng, gần 1 năm trời vật lộn với nắng gió, anh đã cải tạo được mặt bằng rộng lớn. Nhưng để đạt được hiệu quả và tránh thất bại trước đây của người bác, anh Hà đã tính toán khoa học: 5 ha đất ở vùng đồi cao thì sẽ trồng cây nguyên liệu và cây lấy gỗ keo, lát… còn 1 ha đất ở vùng thấp xung quanh cơ cấu trồng cau, đất bằng phẳng quy hoạch vùng chăn nuôi tổng hợp. Viễn cảnh vẽ ra trước mắt rất đẹp nhưng để trở thành hiện thực lại không hề đơn giản. 
 
images949140_3b.jpgAnh Cao Hoàng Hà chăm sóc đàn lợn rừng.
 
Ngày ươm những mầm xanh trên đồi trọc nào là keo, lát, tràm gặp cơn mưa rừng chưa kịp mừng, chỉ vài ngày trời lại nắng như đổ lửa, cây trồng héo quắt, tìm nguồn nước để tưới cây thì khe suối chỉ trơ đá sỏi. Nhìn cây trồng chết cháy giữa đồi núi trọc mà xót xa. Nhưng anh không buông xuôi, quyết phải phủ xanh đồi núi trọc. Theo anh, để phát triển trang trại thì cần phải tìm một nguồn nước để tưới cho cây trồng và phục vụ phát triển chăn nuôi chứ không thể phụ thuộc vào nước mưa. Sau những ngày “dò” tìm nguồn nước, anh và bố đã quyết định đào một giếng lớn ở ngay vùng thấp trũng nhất với bán kính gần 7 mét. May mắn thay mạch nước giếng tràn đầy, anh lại tiếp tục hành trình ươm mầm xanh trên đồi núi trọc.
 
Hàng ngày người ta lại thấy một chàng trai gánh nước lên tưới cho từng mầm xanh, nhờ nguồn nước mà trên 5 ha rừng trồng đều phát triển tốt. Chúng tôi đi tham quan cánh rừng keo lai xanh ngút mắt, anh Hà nhẩm tính 5 ha rừng năm nay cho thu hoạch, với giá 80 triệu đồng/ha tính ra cũng được 400 triệu đồng. Phía ven đồi chúng tôi thấy phủ bát ngát màu xanh bóng cau san sát xòe tán lá màu xanh biếc. Anh nói như khoe: Lúc đầu trồng cau nghĩ sẽ khó khăn về đầu ra, nhưng bây giờ trồng cau vừa đẹp làng bản, vừa có thu nhập. Gần 1.000 gốc cau đã đơm hoa kết trái, khách gần ở các xã lân cận vào mua để phục vụ đám hỏi, đám cưới. Khách xa lên tận nơi mua sỉ với giá mỗi buồng cau từ 100.000 - 120.000 đồng/buồng. 
 
Để lấy ngắn nuôi dài, anh trồng các loại cây ngắn ngày như rau, lạc, khoai sắn… Tập trung chăn nuôi gà lợn, dành dụm được bao nhiêu tiền cùng với tiền vay mượn, trong năm 2010 anh đã đầu tư trên 500 triệu đồng đầu tư cơ sở hạ tầng cho chăn nuôi, trong đó, đầu tư trên 300 triệu đồng để mua lưới thép khoanh vùng diện tích 0,5 ha để nuôi lợn rừng. Trong khuôn viên này có 2 dãy nhà được ngăn mỗi dãy 10 chuồng nhỏ cho lợn ở. Để đảm bảo chất lượng lợn rừng, anh mua 2 con lợn rừng giống đực để lai tạo. Đến thời điểm này anh Hà đã có 7 con lợn mẹ, mỗi năm cho 150 con lợn con. Nuôi khoảng từ 3 - 4 tháng là xuất chuồng, trọng lượng mỗi con 10 kg, được bán với giá 140.000đ/kg. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán đã xuất bán được 1,5 tấn lợn, doanh thu trên 210 triệu đồng. 
 
Theo anh Hà thì nuôi lợn rừng phải công phu, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Đối với giống đực có ý nghĩa quan trọng gây đàn, vì vậy lợn đực là lợn rừng “xịn” không qua lai tạo. Khi đưa về được nuôi nhốt riêng và có chế độ bồi dưỡng “đặc biệt”, nhất là thức ăn tinh giàu đạm, khoáng sinh tố nhằm mục đích tăng lượng tinh trùng. Thức ăn của lợn rừng chủ yếu tận dụng được nguồn thức ăn như chuối, rau lang, hèm rượu… không  lạm dụng thức ăn giàu dinh dưỡng để nuôi lợn rừng vì nó sẽ làm cho phẩm chất thịt của  bị biến đổi và nhiều khi làm cho lợn bị bệnh rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy. Nhờ áp dụng quy trình kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu thức ăn, vệ sinh chuồng trại đến việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên những năm qua, trong khi nhiều cơ sở chăn nuôi khốn đốn vì dịch tai xanh, lở mồm, long móng… nhưng trang trại của anh vẫn phát triển ổn định mang lại hiệu quả cao. Chưa dừng lại ở đó anh còn dựng chuồng để nuôi trên 25 con dê và 4 con bò. Anh Hà cho biết nuôi dê ở đây khá thuận lợi, ít tốn kém thức ăn, đàn dê chủ yếu leo trèo quanh dãy núi đá để tìm thức ăn tự nhiên. Hàng năm thu nhập từ tiền bán dê đạt 40 - 50 triệu đồng. 
 
Đối với vùng đất ven đồi trồng xoan, lát, anh Hà tận dụng nuôi gà thả đồi và gà đẻ. Nhờ học hỏi và mày mò nghiên cứu tài liệu, tham quan các mô hình anh đã biết cách áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Mô hình gà thả đồi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế nhưng người nuôi phải chăm sóc đúng với quy trình kỹ thuật. Phải biết cách để chọn gà giống, chăm sóc từ khi gà còn nhỏ bởi gà con sức đề kháng yếu, mắc nhiều loại dịch bệnh. Ngoài việc chăm sóc phải tiêm ngừa, cho uống thuốc, nếu gà có dấu hiệu dịch bệnh thì phải cách ly để khỏi lây lan. Từ nuôi quy mô nhỏ đến nay anh đã nuôi được trên 50 con gà mái đẻ, và gần 1.000 con gà thịt. Thị trường đầu ra khá ổn định, chủ yếu là nhập cho các nhà hàng, khách sạn ở Quỳ Hợp và TP. Vinh…  
 
Khác với các cơ sở chủ yếu ấp trứng gà bằng lò điện thì anh Hà lại theo phương thức thủ công là cho gà mẹ ấp trứng. Theo anh ấp trứng bằng gà mẹ thì khi gà con nở ra sức đề kháng tốt hơn, tỷ lệ sống cao hơn. Nhưng để ấp trứng đảm bảo theo phương thức thủ công thì phải đầu tư dãy chuồng gà khá đặc biệt. Dãy nhà được lợp ngói chiều dài khoảng gần 20 mét, chiều rộng 5 mét, phía trong được chia thành từng ô nhỏ hàn bằng các khung thép để cho gà đẻ từng ô riêng biệt. Hầu hết lượng trứng gà đẻ ra anh không bán mà đều cho ấp nở thành gà con để nuôi gà thịt. Để khai thác hết tiềm năng của đất thì trong năm nay 0,5 ha đất trồng cây công nghiệp ngắn ngày được anh thay thế bằng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò.
 
Với tổng nguồn thu từ rừng và chăn nuôi, ước tính đạt doanh thu từ 500 - 600 triệu đồng. Anh Hà tâm sự thêm: “Thu được lợi nhuận từ trang trại tôi không bỏ vào “dạ dày” mà tiếp tục đầu tư vào trang trại, như làm đường nguyên liệu khai thác keo lai, tu sửa nâng cấp hệ thống chuồng trại nuôi lợn rừng”.
 
Văn Trường