(Baonghean) - Lên Tân Kỳ, chúng tôi được đồng chí Bí thư Huyện ủy khoe: “Làng nghề ngói Cừa chuẩn bị khánh thành dây chuyền sản xuất ngói chất lượng cao, công suất 40 triệu viên/năm, mời các nhà báo vào xem”. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến dòng ngói mới chạy theo băng chuyền công nghệ hiện đại được điều khiển tự động...
Làng nghề ngói Cừa nổi tiếng không chỉ trong tỉnh Nghệ An mà trong cả nước nhưng từ lâu làng đang đứng trước những thách thức về đổi mới công nghệ để đảm bảo môi trường, chấp hành chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công của Chính phủ và của tỉnh. Một chủ trương lớn như vậy buộc phải tuân thủ nhưng đời sống, việc làm của hàng ngàn người dân ở làng nghề ra sao? Nỗi lo ấy không chỉ của làng nghề mà còn là trăn trở của lãnh đạo huyện Tân Kỳ, của Sở KH-CN tỉnh Nghệ An. Cần phải có giải pháp đổi mới trong công nghệ sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học để giảm sức lao động, đồng thời vẫn duy trì được sản xuất kinh doanh của làng nghề. UBND huyện Tân Kỳ quyết định lựa chọn đơn vị chủ trì, chủ nhiệm dự án: “Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH và CN sản xuất ngói Cừa chất lượng cao tại làng nghề xã Nghĩa Hoàn - Tân Kỳ”. Đơn vị chủ trì dự án là HTX làng nghề gạch ngói Cừa, còn chủ nhiệm dự án được giao cho ông Nguyễn Văn Hạ - Trưởng phòng Công thương huyện.
Ông Nguyễn Văn Hạ cho biết: Ngói Cừa hiện đang tiêu thụ mạnh ở nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…; đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu hàng hóa ngày 10/4/2007, nhưng qui trình sản xuất ngói của làng nghề ở khâu làm đất đang dùng hệ thống máy cán, máy lọc sạn, máy đùn đất, máy đập ngói và đốt bằng thủ công. Do vậy, viên ngói dập ra chưa được mịn, bóng, còn lẫn sạn. Ngói sau khi đốt thành phẩm bề mặt có nhiều nốt rộ, có khi nứt, chất lượng ngói chưa cao. Giá bán vì thế còn thấp so với nhiều sản phẩm khác trên thị trường. Để nâng cao chất lượng ngói Cừa, tạo ra giá trị cao, tiết kiệm tài nguyên, việc hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH và CN sản xuất ngói chất lượng cao tại làng nghề Nghĩa Hoàn – Tân Kỳ là hết sức cần thiết.
Sau khi tham quan học hỏi khắp nhiều tỉnh miền Bắc, phòng Công thương Tân Kỳ và Làng nghề ngói Cừa nhận thấy mô hình sản xuất ngói ở Quảng Ninh đảm bảo các tiêu chí đề ra, phù hợp với điều kiện của Tân Kỳ, đảm bảo môi trường, chi phí chuyển giao và đầu tư ứng dụng công nghệ hợp lý, nên đã đề xuất được chuyển giao áp dụng cho làng nghề ngói Cừa Tân Kỳ. Đến nay, dây chuyền đã lắp đặt thành công, bắt đầu đi vào sản xuất hiệu quả.
Tại xưởng sản xuất ngói Cừa chất lượng cao, hàng chục công nhân trẻ đang phấn khởi đón nhận dòng ngói mới chạy ra theo băng chuyền. Đối với họ, đó là điều lạ lẫm bởi từ trước đến nay cha ông họ phải mệt nhọc nhào đùn bằng thủ công qua rất nhiều công đoạn. Đặc biệt trước đây đất khai thác lên phải ủ 3 tháng thì nay hệ thống máy xay nhỏ đất và ép đến mịn bóng. Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ nhiệm HTX gạch ngói Cừa phấn khởi giải thích: Đất sét được khai thác từ vùng nguyên liệu, được tập kết về kho chứa của nhà máy, rồi đưa vào thùng cấp liệu, sau đó được đưa vào máy thái thô, tiếp đến là đưa vào máy nghiền thô, thái tinh, máy nghiền tinh, rồi lại đưa vào máy định hình có hút chân không và cuối cùng cho ra sản phẩm. Sản phẩm ngói nhờ vậy có độ kết dính cao, ngói bóng, mịn, đẹp, không rạn nứt, không có tạp chất do được lọc bỏ ngay từ đầu.
Theo tính toán chi phí sản xuất ra ngói chất lượng cao cũng tương đương chi phí sản xuất ngói Cừa thông thường, tuy nhiên với qui mô đó, công suất đó phải mất 300 lao động sản xuất, trong khi ở đây chỉ cần khoảng 30 người. Đức - một công nhân vận hành máy cho biết: Dây chuyền được vận hành bằng bấm nút, an toàn và năng suất cao. Đức cũng cho biết lương ở đây mỗi người được trả 6 triệu đồng/ tháng.
Dây chuyền được đầu tư gần 10 tỷ đồng , trong đó có 53 xã viên đóng góp số tiền 8,9 tỷ đồng, ngân sách hỗ trợ từ nguồn khoa học 309 triệu đồng. Các xã viên tham gia đầu tư là những xã viên có tiềm lực kinh tế và muốn sản xuất kinh doanh lâu dài, chấp hành tốt chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công của Nhà nước. Nhiều người đã vay mượn ngân hàng để có đủ số tiền tham gia đầu tư dây chuyền. Nhà xưởng được đầu tư nâng cấp mùa mưa bão gạch ngói không lo bị hỏng. Trạm điện cũng được đầu tư mới nên đã giảm tổn thất điện năng so với trước đây.
Dòng ngói Cừa mới chất lượng cao đang được chuẩn bị để nung những mẻ đầu tiên. Ai cũng háo hức đón chào sự kiện chưa từng có ở Làng nghề ngói Cừa, ngói được chào bán với giá nhỉnh hơn chút đỉnh với ngói Cừa cũ để cạnh tranh. Đây là một bước tiến mới của làng nghề ngói Cừa – Nghĩa Hoàn - Tân Kỳ nhằm cung cấp cho thị trường sản phẩm ngày một chất lượng và để giúp làng nghề tồn tại vững bền.
Làng nghề ngói Cừa doanh thu năm 2013 đạt 114 tỷ đồng với ngói máy 61,65 vạn viên, ngói bò 112 vạn viên. Làng nghề nạp thuế môn bài 120 triệu đồng, thuế tài nguyên môi trường 185,3 triệu đồng, thuế GTGT 1,323 tỷ đồng. Làng nghề đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận danh hiệu làng nghề vào năm 2006, được Liên minh HTX Việt Nam trao bằng chứng nhận danh hiệu làng nghề điển hình toàn quốc 5 năm liền. |
Châu Lan