(Baonghean) - Những năm gần đây lượng kiều hối từ nước ngoài chuyển về Nghệ An ngày càng tăng chủ yếu nhờ lao động xuất khẩu gửi về quê hương. Song, làm sao để hướng người dân sử dụng ngoại tệ vào đầu tư, sản xuất, tạo lợi nhuận bền vững chứ không chỉ chi tiêu cá nhân, đang là trăn trở của ngành Ngân hàng.
Nghệ An hiện có trên 50.000 người đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Thống kê chưa đầy đủ, nguồn thu nhập từ xuất khẩu lao động gửi về trong năm 2013 hơn 100 triệu USD. Chỉ tính riêng phường Nghi Hải, Thị xã Cửa Lò, hàng năm có từ 60 - 100 người đi xuất khẩu lao động, thường xuyên có khoảng 1.000 lao động địa phương đi làm việc ở thị trường các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Nga, Anh, Malayxia… Ước tính bình quân mỗi năm có khoảng 50 - 60 tỷ đồng từ nguồn xuất khẩu lao động gửi về địa phương này.
Nguồn kiều hối chuyển về qua Chi nhánh Vietcombank Vinh. Có thể nói nguồn kiều hối luôn đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia. Nhờ kiều hối, chúng ta có thêm một nguồn thu ngoại tệ ổn định, tăng dự trữ ngoại tệ, giảm thâm hụt ngân sách. Nhận thức được tầm quan trọng này, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam cũng như Vietcombank chi nhánh Vinh đã triển khai nhiều giải pháp chiến lược, đầu tư nguồn lực thích đáng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ kiều hối. Vietcombank Vinh luôn đảm bảo chi trả cho khách hàng thông qua nhiều phương thức thuận tiện, dịch vụ đa dạng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Trưởng phòng thanh toán quốc tế và kinh doanh dịch vụ Vietcombank Vinh cho biết: Tính đến hết năm 2013, lượng kiều hối chuyển về Chi nhánh Vietcombank Vinh đạt xấp xỉ 42 triệu USD, tăng 1,67% so với năm 2012. Bên cạnh những thị trường truyền thống như Mỹ, Anh, Úc, Đức, Hungary, dòng kiều hối đang có sự đóng góp ngày càng nhiều của các thị trường xuất khẩu lao động Việt Nam như Đài Loan, Angola, Hàn Quốc. Trong đó, chỉ riêng trong quý 4/2013, lượng kiều hối chuyển về từ Đài Loan hơn 2 triệu USD, Angola 1,6 triệu USD… Khoảng 50% lượng ngoại tệ kiều hối được khách hàng chuyển sang tiền Việt gửi tiết kiệm, vì gửi VNĐ lãi suất cao hơn.
Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Nghệ An luôn thu hút lượng tiền kiều hối chuyển về lớn, bởi có hệ thống phủ kín ở các huyện, thành, thị. Ông Phan Đức Tiến - quyền Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh cho biết: Năm 2013, Ngân hàng Nông nghiệp Nghệ An đã chi trả 86.581 món chuyển tiền kiều hối với số tiền 102.276.000 USD, tăng 9% so với năm trước. Trong đó, doanh số chi trả qua Dịch vụ chi trả kiều hối WesternUnion 68.204.000 USD; chi trả qua hệ thống tài khoản ngân hàng 34.072.000 USD. Số ngoại tệ gửi về chủ yếu được khách hàng bán chuyển sang tiền Việt gửi tiết kiệm hoặc chi tiêu cá nhân, trả nợ. Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh hiện có 69 điểm giao dịch, chi trả kiều hối ở tất cả các huyện, thành, thị trong tỉnh phục vụ thuận lợi cho khách hàng. Hai tháng đầu năm 2014, Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh đã có tổng số tiền kiều hối chuyển về hơn 13,5 triệu USD. Tại Ngân hàng Nông nghiệp, từ đầu năm đến nay tiền gửi VNĐ tăng hơn 900 tỷ đồng, trong đó một phần đáng kể từ nguồn kiều hối chuyển sang VNĐ gửi tiết kiệm.
Nghệ An là một trong những địa phương có lượng kiều hối lớn, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An, năm 2013 lượng kiều hối chuyển về tỉnh ta khoảng 288 triệu USD, tương đương 6.058 tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2012. Thông thường dịp Tết Nguyên đán hàng năm là thời điểm lượng kiều hối chuyển về nhiều, do kiều bào ở nước ngoài gửi tiền về nước để giúp đỡ gia đình và đầu tư. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, để lượng kiều hối này trở thành nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế địa phương và đất nước, hiện nay chúng ta đang thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, cụ thể như hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa thông qua việc ổn định đồng Việt Nam, đồng thời tạo chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD theo hướng có lợi cho những người gửi tiền bằng VNĐ; tỷ giá đồng ngoại tệ được Chính phủ điều hành tương đối ổn định. Tuyên truyền tạo dựng niềm tin đối với VNĐ cho người dân, từ đó phần lớn lượng kiều hối này được bán cho hệ thống ngân hàng thương mại và ngân hàng thương mại bán lại cho Ngân hàng Nhà nước. Đây cũng là một trong những lý do mà nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2013 đạt mức cao nhất trong lịch sử (khoảng 30 tỷ USD). Người dân sau khi bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại có thể gửi tiết kiệm, tạo điều kiện cho ngân hàng có thêm nguồn vốn đầu tư cho vay phát triển nền kinh tế.
Chị Hứa Hồng Nhung - phòng Tổng hợp Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An đã xác nhận mở rộng thêm 17 đại lý chi trả ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn, nâng tổng số lên 27 đại lý phát triển mạng lưới sâu rộng đến tận địa bàn các huyện trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả kiều hối từ nước ngoài chuyển về địa phương thuận tiện, kịp thời. Chính phủ cũng có nhiều chính sách nhằm khuyến khích kiều bào gửi tiền về nước. Theo văn bản hợp nhất “Về việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước” có hiệu lực từ ngày 11/12/2013, người thụ hưởng kiều hối có thể nhận bằng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam theo yêu cầu, và không phải đóng thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về. Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài được chuyển ngoại tệ về nước phù hợp với pháp luật…
Có thể nói, niềm tin vào tiền đồng Việt Nam gia tăng khiến người dân không ngần ngại khi chuyển đổi từ ngoại tệ sang tiền đồng để thực hiện các mục đích tiêu dùng hay đầu tư. Để quản lý nguồn ngoại hối hiệu quả hơn, ông Lê Thanh Phong - Phó Giám đốc Ngân hàng Công thương Bến Thủy cho rằng: Nghệ An là một thị trường tiềm năng nhưng mới khai thác được ít, cần đánh giá lại hoạt động kiều hối, có sự sắp xếp lại thị phần hoạt động của các ngân hàng, chấn chỉnh lại thị trường hoạt động mua bán ngoại tệ đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Tỉnh nên đánh giá lại hoạt động của các đơn vị làm nhiệm vụ xuất khẩu lao động để các công ty này tuyên truyền định hướng cho người dân sau khi có ngoại tệ nên chuyển về ngân hàng; Tỷ giá trong ngân hàng và thị trường tự do chênh lệch nên người dân muốn bán ngoại tệ ở thị trường tự do giá cao hơn.
Về vấn đề này, ông Phan Đức Tiến - quyền Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh phân tích: Về phía ngân hàng thương mại, đặt tỷ giá mua bán ngoại tệ sát với giá của các điểm mua bán ngoại tệ ngoài thị trường; đồng thời ngành chức năng cần tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường chợ đen.
Trong thời gian qua, Nhà nước ta đã có chính sách thu hút kiều hối rất hiệu quả, tuy nhiên, để dòng tiền này thực sự hữu ích, tập trung vào đầu tư phát triển quê hương, đất nước, vẫn là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn.
Quỳnh Lan