bna_dai_ly_thuc_an7542015_1932021.jpgChỉ trong thời gian ngắn, thức ăn chăn nuôi đã 7 lần tăng giá. Mỗi bao 25kg tăng 30.000 đồng - 45.000 đồng khiến người chăn nuôi gặp khó khăn. Ảnh: Thanh Phúc

Với quy mô 200 con lợn, mỗi ngày trang trại của anh Phạm Viết Đức (xã Thanh Hương, Thanh Chương) tiêu thụ khoảng 700kg thức ăn chăn nuôi, trung bình mỗi tháng khoảng 20 - 25 tấn. Giá thức ăn chăn nuôiliên tục tăng từ áp Tết đến nay khiến người chăn nuôi như anh Đức gặp không ít khó khăn.

“Riêng từ tháng 1/2021 đến nay, thức ăn chăn nuôi đã 4 lần tăng giá, trung bình mỗi bao thức ăn 25kg đội giá khoảng 30.000 đồng, chi phí tăng thêm từ thức ăn dao động 700.000 - 900.000 đồng/ngày. Giá lợn giống cao, thức ăn chăn nuôi tăng giá chóng mặt trong khi đó, giá lợn hơi trên đà giảm khiến người làm trang trại như chúng tôi rất khó xoay trở”, anh Đức cho biết.

Giá lợn giống tăng, giá thức ăn nhảy vọt kèm theo rủi ro từ dịch bệnh khiến các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn không dám nhân đàn. Ảnh: Thanh Phúc

Dù sao trong thời điểm này, chăn nuôi gia súc vẫn còn có lãi hoặc hòa vốn, đỡ thua lỗ hơn so với gia cầm. Giá gia cầm và giá trứng giảm chạm đáy trong khi giá thức ăn tăng cao khiến những hộ chăn nuôi liên tục phải bù lỗ.

Quỳnh Lưu có hàng chục trang trại chăn nuôi gia cầm. Thời điểm này người chăn nuôi trên địa bàn lao đao vì giá thức ăn tăng cao trong khi giá trứng gia cầm lại giảm sâu.

Gia đình anh Phạm Văn Trà ở xã Quỳnh Bá nuôi 400 vịt đẻ, trung bình mỗi ngày đàn vịt nuôi đẻ 350 quả trứng. Với giá hiện giờ 1.600 đồng/quả, thì tổng thu nhập từ nuôi vịt lấy trứng khoảng hơn 560.000 đồng. Tuy nhiên, theo anh Trà, khoản chi phí thức ăn bỏ ra trong ngày cao hơn so với giá trị thu nhập về.

“Trước thời điểm tháng 11/2020, mỗi bao thức ăn có giá 320.000 đồng thì nay phải mua 360.000 đồng/bao (tăng 40.000 đồng/bao). Đàn vịt 400 con ăn khoảng 65 kg cám cò/ngày tương đương 570.000 đồng, trong khi đó trứng bán ra trong ngày chỉ được 520.000 đồng, gia đình phải bù lỗ”, anh Trà nói.

Chăn nuôi gia cầm thời điểm này quy mô càng lớn, tổng đàn nhiều thì càng lỗ nặng. Ông Phạm Đình Thảo chủ trang trại gà ở Nghi Đức (TP.Vinh) cho biết: “Với gần 1 vạn con gà đẻ, mỗi ngày ăn hết khoảng 1,5 tấn thức ăn, mỗi tháng tiêu thụ gần 50 tấn. Giá thức ăn tăng cao, giá trứng rẻ mạt nên phải bù lỗ cả trăm triệu đồng mỗi tháng”.

Thời điểm hiện tại, các hộ chăn nuôi gà đẻ phải bù lỗ tiền triệu mỗi ngày. Nếu thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng thì người chăn nuôi đứng trước bờ vực phá sản. Ảnh: Thanh Phúc

Không chỉ thức ăn gia súc, gia cầm tăng mà giá thức ăn cho thủy sản cũng tăng mạnh. Giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi dành cho tôm như Hi-Gro, AnCo, Vina, Green Feed, Dabaco, Lái Thiêu hiện có giá từ 220.000 - 450.000 đồng/bao/25kg, tăng 20.000 đồng - 30.000 đồng/bao.

Theo tìm hiểu thị trường, chủ các đại lý thức ăn chăn nuôi cho biết, 5 tháng trở lại nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản đều có thông báo điều chỉnh tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhất là nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, các cửa hàng bán lẻ cũng phải điều chỉnh tăng giá bán. Giá tăng cũng khiến nhiều cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi lo ngại sức tiêu thụ hàng hóa giảm.

Thức ăn cho tôm, cá cũng liên tục tăng giá. Ảnh: Thanh Phúc

Bà Lê Thị Nga, Chủ đại lý cấp 1 của một Công ty thức ăn gia súc tại phường Vinh Tân (TP.Vinh) cho biết: “So với thời điểm năm ngoái, giá thức ăn chăn nuôi dịp này tăng mạnh và liên tục, kéo dài. Giá thức ăn liên tục tăng khiến người chăn nuôi gặp khó, các trang trại đều nuôi cầm chừng, nhiều chủ trại không dám tái đàn, mở rộng quy mô, thậm chí có nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm còn giảm đàn mạnh, nhiều người tính đến chuyện nghỉ nuôi. Do vậy lượng thức ăn tiêu thụ ra thị trường cũng giảm đáng kể.

Trước đó, mỗi tháng, đại lý chúng tôi phân phối ra thị trường cả sỷ và lẻ khoảng 100 tấn thức ăn, tuy nhiên từ đầu năm đến nay, số lượng xuất bán thức ăn giảm xuống còn 50 - 60 tấn”.

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: “Hiện nay, ngoài rủi ro do dịch bệnh đe dọa, người chăn nuôi đang phải đối mặt với khó khăn kép là chi phí đầu vào cao, nhất là giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tiếp và giá đầu ra (gia súc, gia cầm, trứng…) giảm mạnh khiến người chăn nuôi thua lỗ. Do đó, trước khi thị trường bình ổn, người chăn nuôi cần chủ động phối trộn thức ăn sẵn có tại địa phương để tiết kiệm chi phí đầu vào”.