5 năm làm trang trại chăn nuôi gà, trong đó có 3 năm kiên trì theo đuổi xây dựng sản phẩm “Trứng gà Nghĩa Hoàn” đạt chuẩn OCOP, nhưng chưa năm nào, chủ trang trại gà Cao Văn Cường (Nghĩa Hoàn, Tân Kỳ) lại lâm vào cảnh khốn cùng như năm nay.
Hiện trại gà của anh Cường có 3.000 con gà đẻ, nuôi theo chuẩn OCOP từ khâu chọn giống đến chăm sóc, thức ăn cũng như tiêm phòng bệnh. Năm 2020, sản phẩm trứng gà Nghĩa Hoàn của anh được công nhận đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Những tưởng, sau khi được công nhận thì sản phẩm trứng gà của gia đình sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, tăng giá trị nhưng từ trong Tết đến nay, giá trứng giảm sâu khiến chủ trang trại này gặp không ít khó khăn.
“Theo chuẩn OCOP thì quy trình nuôi khắt khe hơn, chi phí đầu tư cao hơn. Trong Tết, giá trứng được 2.000 - 2.200 đồng/quả còn hòa vốn chứ với giá hiện tại 1.200 - 1.500 đồng/quả thì lỗ nặng (lỗ khoảng 800 đồng/quả). Trung bình mỗi ngày xuất ra thị trường 2.000 trứng, tương đương lỗ 1.600.000 đồng/ngày”, Cường cho biết.
Để tiêu thụ được, Cường và vợ phải chở đi “bỏ mối” tại các chợ lẻ, các cửa hàng ăn và sang tận Hà Tĩnh, Thanh Hóa tìm thị trường. Thua lỗ nên Cường không dám tái đàn, quy mô trang trại 8.000 con nhưng Cường chỉ dám cầm cự nuôi 3.000 con. “Giờ thải loại gà đẻ cũng khó vì không có nơi tiêu thụ mà càng nuôi càng thua lỗ nên cũng không biết tính thế nào. Sắp tới nếu giá trứng vẫn giảm mạnh như thế này thì chắc phải để trống chuồng trại”, Cường chia sẻ.
Mặc dù có nơi tiêu thụ ổn định là các trường học, nhà máy và đổ sỉ tại các chợ lớn, song trong vòng 2 tháng nay, ông Nguyễn Đức Luân, chủ trại nuôi gà ở Đông Vĩnh (TP.Vinh) vẫn như “ngồi trên lửa” khi giá trứng gà giảm sâu, chạm đáy như hiện tại. Với quy mô 2 vạn con gà đẻ, mỗi ngày thu 18.000 quả trứng, bán ra thịt trường với giá 12.000 đồng/chục, ông Luân lỗ khoảng 5 triệu đồng. “Giá trứng chạm đáy trong khi giá thức ăn tăng liên tiếp khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Nuôi càng nhiều, càng lỗ nặng”.
Theo khảo sát, giá trứng gà hiện nay tại các trang trại dao động từ 1.100 - 1.500 đồng/quả; ở các chợ sỉ giá 2.000 - 2.200 đồng/quả; tại các chợ lẻ có giá 3.000 đồng/quả. Các hộ chăn nuôi cho biết, chưa bao giờ giá trứng gia cầm lại giảm mạnh và kéo dài hàng tháng trời như năm nay. Giá trứng rẻ, thị trường tiêu thụ chậm khiến người chăn nuôi điêu đứng. “Ngày thu về hàng chục nghìn quả trứng, rẻ cũng phải nhập, cũng phải tìm cách bán cho hết. Để ùn ứ thì không có vốn quay vòng và trứng cũng không thể để được lâu. Cứ đà này, rất khó để duy trì đàn gà”, ông Luân cho biết.
Nguyên nhân dẫn đến giá trứng gia cầmgiảm mạnh, theo các hộ chăn nuôi lý giải là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó các nhà hàng, khách sạn gần như không hoạt động, bếp ăn tại các trường học tạm đóng cửa... Bên cạnh đó, khi dịch bệnh trên gia súc bùng phát, giá lợn giống lên cao, các trang trại chăn nuôi lợn trong tỉnh nói riêng và các địa phương khác trong nước nói chung không dám tái đàn lợn mà chuyển sang nuôi gà. Điều này dẫn đến cung vượt quá cầu nên giá trứng cũng như giá gia cầm giảm mạnh.
Do đó, các cơ quan chức năng cần tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi, đối với gia cầm nên phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật cho các trang trại để giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, có giải pháp xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ gia cầm, trứng gia cầm nhằm bảo đảm đầu ra thuận lợi, giúp nông dân ổn định sản xuất và tăng giá bán trên thị trường.