Hiện đã vào chính vụ thu hoạch hành tăm tại Nghệ An, khác với tâm trạng tươi vui, phấn khởi những năm trước, người dân "thủ phủ" hành Nghi Lộc đang trong tình trạng thấp thỏm, đứng ngồi không yên vì giá hành giảm sâu mà vẫn không có người mua, đành phải để không ngoài đồng hoặc thu hoạch về chất đống trong nhà. Người dân chỉ còn biết mong chờ vào mạnh thường quân đến "giải cứu."

bna__34717791_2332021.jpgHành tăm ế ẩm, người dân Nghi Lộc thu hoạch về chỉ chất đống trong nhà vì không có thương lái thu mua. Ảnh: Nguyên Châu

Trước tình hình đó, những ngày qua đã có nhiều tổ chức, đoàn thể chung tay giải cứuhành tămcho người dân. Bà Lê Thị Duyên - cán bộ nông nghiệp xã Nghi Lâm, Nghi Lộc cho biết: "Sau khi kêu gọi, các tổ chức như hội Nông dân, hội Liên hiệp phụ nữ, các huyện bạn đã về địa phương để vừa thu hoạch vừa bao tiêu hành tăm cho bà con, giúp người dân giảm thiểu thiệt hại. Hiện vẫn còn một số đơn vị tiếp tục đăng ký "giải cứu" hành tăm trong những ngày tới".

Được biết, giá hành tăm hiện giải cứu là 15.000 đồng/kg. Đến hết ngày 22/3 đã có gần 10 tấn hành tăm được tiêu thụ, con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
 
Các tổ chức, đoàn thể chung tay giải cứu hành tăm cho người dân Nghi Lộc. Ảnh: Nguyên Châu

Bà Bùi Thị Nhung, ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) phấn khởi: Từ đầu tháng 3 đến nay, chúng tôi rất lo lắng vì giá hành đã giảm kỷ lục nhưng vẫn không có thương lái đến thu mua như các năm trước khiến hành ế ẩm nặng. Bà con thu hoạch về chất đống từ trong nhà ra ngoài sân, bốc mùi nồng nặc. Rất may là các cá nhân, tổ chức đã về giải cứu nên chúng tôi rất phấn khởi và cảm kích...".

Mặc dù đã giải cứu được gần 10 tấn hành tăm, tuy nhiên đây chỉ là con số rất khiêm tốn so với lượng hành đang ế ẩm tại huyện Nghi Lộc. Được biết, hiện toàn huyện Nghi Lộc có hơn 200ha hành tăm, chủ yếu tại các xã Nghi Lâm, Nghi Kiều, Nghi Thuận với sản lượng lên đến hàng ngàn tấn, do đó việc giải cứu chỉ mang tính tạm thời và không bền vững.
Hiện đã có gần 10 tấn hành tăm đã được giải cứu. Ảnh: Nguyên Châu

Ông Trần Nguyên Hòa - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc nhận định: "Việc hành tăm ế ẩm chủ yếu là do những năm trước, giá nông sản này tăng cao, người dân đã mở rộng diện tích ồ ạt trong khi đó, thị trường tiêu thụ của mặt hàng này còn hạn chế. Do đó, thời gian tới chúng tôi sẽ quy hoạch lại vùng trồng hành, đồng thời tăng cường liên kết để đảm bảo đầu ra cho nông sản này".