Thủ tướng Nhật Bản, người đang đối mặt với làn sóng chỉ trích trong nước về cách thức đối phó với thảm họa động đất và sóng thần, nói ông rất lấy làm tiếc bởi cuộc khủng hoảng tại nhà máy hạt nhân đang rò rỉ phóng xạ.
 
"Tôi thực sự rất nghiêm túc và hối tiếc sâu sắc vì vụ việc hạt nhân tại nhà máy Fukushima Dai-ichi. Đặt tình hình dưới sự kiểm soát trong thời gian sớm nhất là ưu tiên hàng đầu của tôi”, ông Naoto Kan nói.

764698_small_62033.jpg
 Thủ tướng Nhật Naoto Kan. Ảnh: Reuters

Khi Nhật Bản bắt đầu kế hoạch tái thiết, thì các đối thủ chính trị của ông Kan đã trở lại với lời kêu gọi Thủ tướng từ chức.

Cám ơn cộng đồng quốc tế vì sự ủng hộ, ông Kan cam kết sẽ tái thiết một đất nước “kháng cự cao với các thảm họa tự nhiên”.
 
"Tôi cam kết rằng, chính phủ Nhật Bản sẽ kịp thời và triệt để xác định nguyên nhân vụ việc cũng như chia sẻ thông tin và bài học với phần còn lại của thế giới để góp phần ngăn chặn những vụ việc tương tự trong tương lai”, ông Kan nhấn mạnh.
 
Ngày càng có nhiều thất vọng với công ty Điện lực Tokyo - điều hành nhà máy hạt nhân Fukushima vì cho tới nay vẫn chưa giải quyết được cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất của Nhật. Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ 11/3 khi sóng thần cao 14 mét đổ xuống nhà máy, làm hỏng hệ thống làm mát tại khu liên hợp Fukushima Dai-ichi.
 
Các vụ nổ, cháy và hư hỏng khác đã cản trở nỗ lực sửa chữa nhà máy và làm rò rỉ phóng xạ. Hôm qua, các quan chức thông báo mức phóng xạ đã lại gia tăng nhanh chóng trong nước biển ở khu vực gần nhà máy, báo hiệu khả năng rò rỉ mới.
 
Công nhân đã bơm lượng nước lớn vào các lò phản ứng quá nóng. Một lượng nước chứa phóng xạ đã rò rỉ vào Thái Bình Dương. Quan chức nhà máy cho hay, họ đã bịt lượng nước rò rỉ vào ngày 5/4 và mức phóng xạ trong nước biển giảm xuống.
 
Tuy nhiên, các mẫu thử hôm thứ sáu cho thấy, mức phóng xạ đã tăng 1.100 lần so với giới hạn trong các mẫu thử lấy ở một ngày trước đó. Tuy nhiên, nó còn kém xa với mức kỷ lục ghi lại hồi đầu tháng này. Chính quyền vẫn khẳng định, phóng xạ sẽ tiêu tan và không gây nguy hiểm trực tiếp tới các sinh vật biển hay con người có thể ăn chúng. Phần lớn các chuyên gia đồng ý với việc này.
 
Bắt đầu từ thứ bảy, các công nhân đã đổ các bao cát chứa cát và zeolite - một chất hấp thụ cesium phóng xạ - xuống biển để đối phó với rò rỉ phóng xạ.
 
Các quan chức Nhật đã tỏa đi khắp các khu vực ảnh hưởng để cố gắng giải thích những quyết định sơ tán và kêu gọi người dân bình tĩnh. Chánh văn phòng Nội các Yukio Edano đã có cuộc họp với Thống đốc của Fukushima. Vị phó của ông, Tetsuro Fukuyama, thì xin lỗi dân chúng tại làng Iitate vì quyết định sơ tán của chính phủ bởi cuộc khủng hoảng hạt nhân.
 
Tại thành phố Inawashiro, giáo sư đại học Hiroshima Kenji Kamiya, người được bổ nhiệm làm cố vấn cho quận Fukushima, đã có cuộc gặp với 250 quan chức giáo dục để giải thích rằng, mức độ phóng xạ trong khu vực không gây ra mối đe dọa lập tức hay đáng kể với dân chúng.
 
Kamiya hầu như ngày nào cũng thuyết trình trong nỗ lực thuyết phục mọi người không phản ứng thái quá với nguy hiểm có thể xảy ra. "Mọi người sợ vì họ không hiểu. Chúng tôi thậm chí còn lo sợ trước những cơn mưa vì chúng tôi không biết nó có an toàn hay không”, Takaaki Kobayashi, cha của hai đứa trẻ cho biết. “Giờ đây tôi cảm thấy đỡ hơn khi đưa con tới trường”.


Theo VietNamNet/AP