(Baonghean.vn)- Ngày 3/7, một bộ trưởng trong Chính phủ Đức tiết lộ rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể sẽ “hất cẳng” Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker trong năm tới, giữa lúc có sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ chính giới châu Âu về cách thức đối phó với vấn đề Brexit.

Phát biểu trên tờ Sunday Times, một bộ trưởng Đức giấu tên cho biết “Sức ép phải từ chức đè nặng lên Chủ tịch Hội đồng châu Âu Juncker, và Thủ tướng Angela Merkel sẽ phải ứng phó với vấn đề này trong năm tới.”

Vị Bộ trưởng trên cho biết thêm sự tức giận của bà Merkel đối với vị Chủ tịch Hội đồng châu Âu càng tăng lên, trong bối cảnh châu Âu đang bị chia rẽ về cách thức đối phó với vấn đề Anh rời khỏi EU. Chính giới châu Âu đang “phân vân” giữa việc tận dụng các cuộc thương lượng liên quan đến Brexit nhằm làm sâu sắc thêm sự hội nhập châu Âu, hay có bước đi thực tế hơn đối với Anh.

resize_images1608019_anh_1__1_.jpgChủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker, người đang đối mặt với áp lực từ chức ngày càng lớn sau khi Anh rời khỏi EU. Ảnh: Getty

Thái độ bất bình của bà Merkel còn thể hiện ở việc vị Thủ tướng này chỉ gặp các nhà lãnh đạo Pháp và Italy tại Berlin hồi tuần trước, mà loại trừ ông Juncker khỏi các cuộc đối thoại.

Sự tức giận của Thủ tướng Đức phản ánh sự chia rẽ ngày càng lớn trong nội bộ châu Âu, với một bên là ông Juncker và các nhà lãnh đạo Pháp và Bỉ, những người muốn chứng kiến “một châu Âu đoàn kết hơn” hậu Brexit, còn một bên là bà Merkel và Bộ trưởng Tài chính đầy quyền lực trong chính quyền Đức Wolfgang Schauble, những người coi vấn đề nhất thể hóa hậu Brexit là điên rồ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, vị lãnh đạo có tiếng nói tiên phong trong EU. Ảnh: Getty

Kể từ khi cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở của nước Anh trong EU diễn ra ngày 23/6 vừa qua, cả Ngoại trưởng Séc và Ba Lan đều công khai kêu gọi sự từ chức của ông Juncker. Tuy nhiên, tình trạng bất bình xuất hiện từ giới lãnh đạo Berlin mới thực sự là mối đe dọa nghiêm trọng tới nhiệm kỳ của ông Juncker.

Nội bộ EU chia rẽ cũng khiến tương lai đàm phán giữa Anh và EU càng trở nên khó khăn hơn. Một nguồn tin cấp cao của Anh cho biết “các cuộc thương lượng với Anh sẽ do Ủy ban châu Âu giải quyết, giữa những người đứng đầu của 27 quốc gia thành viên, mà không phải do Hội đồng châu Âu giải quyết.”

Liệu rằng 27 quốc gia thành viên EU còn lại có duy trì được sự đoàn kết sau khi Anh rời khỏi “mái nhà chung châu Âu” hay không, chúng ta phải chờ tới ngày 16/9 tới khi họ gặp nhau tại Bratislava - không phải Brussels - để thảo luận về quan điểm của khối đối với vấn đề Brexit./.

Lan Hạ

(Theo Telegraph)

TIN LIÊN QUAN