(Baonghean) - Sau hàng loạt vụ tấn công các nước Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu, vụ tấn công mới nhất mà Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm tại Bangladesh khẳng định sự hiện hữu của tổ chức này ở khu vực Nam Á vốn ẩn chứa nhiều bất ổn.
Bangladesh vào tầm ngắm
Dư luận thế giới chưa hết bàng hoàng vì vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở một sân bay tại Thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 40 người thiệt mạng thì lại rúng động bởi 1 vụ bắt cóc ở khu vực tập trung nhiều cơ sở ngoại giao của Dhaka, Bangladesh. Sau hơn 10 giờ thương thuyết bất thành, 20 con tin, được cho là người nước ngoài, đã thiệt mạng.
Ngoài ra, ít nhất 2 cảnh sát tử vong và 30 cảnh sát bị thương. IS đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc này và còn đăng tải những bức ảnh ghê rợn tại hiện trường xảy ra vụ tấn công như một thông điệp khẳng định sự hiện hữu của nhóm này tại Nam Á.
Có thể nói, bạo lực, khủng bố không phải điều lạ lẫm ở Bangladesh, nơi có nhiều phần tử cực đoan ẩn náu. Làn sóng giết người gia tăng ở quốc gia Nam Á này trong 2 năm trở lại đây, với hơn 50 người thiệt mạng dưới tay những kẻ nghi là Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, đa số nhằm vào cá nhân như các blogger thế tục, nhà văn, nhà hoạt động, học giả và những người thuộc tôn giáo thiểu số.
Những vụ tấn công do IS gây nên ở Bangladesh cũng xuất hiện nhiều nhưng chủ yếu được thực hiện bằng dao, các vũ khí nhỏ hoặc các thiết bị nổ thô sơ. Do đó, vụ tấn công mới nhất có quy mô khác hẳn và có vẻ được lên kế hoạch kỹ càng.
Những kẻ khủng bố đã nhắm đến những đối tượng là người nước ngoài thay vì người bản địa. Các nạn nhân trong vụ tấn công lần này được xác định là người Italy, Nhật Bản và Mỹ.
Theo các chuyên gia, vụ bắt cóc và khủng bố ở Bangladesh có nhiều nét tương đồng vụ tấn công ở sân bay tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28/6 (cũng được cho là do IS thực hiện, như được lên kế hoạch từ trước, chọn mục tiêu là nơi đông đúc...).
Nhiều người đang lo ngại, sau các vụ tấn công “như cơm bữa” ở Iraq, Syria và các quốc gia vùng Bắc Phi khác cũng như các vụ khủng bố gây chấn động ở châu Âu, IS đang tìm cách mở rộng sang khu vực màu mỡ tại Nam Á và Bangladesh là địa bàn thuận lợi. Việc chúng gây nên những vụ bạo lực đẫm máu là nhằm lôi kéo các phần tử vũ trang Hồi giáo tại Bangladesh gia nhập tổ chức của chúng.
Khả năng IS thêm chi nhánh
Mặc dù Chính phủ Bangladesh nhiều lần bác bỏ những thông tin về việc có sự tồn tại của nhánh IS tại nước này, và cho rằng một số tay súng trong nhóm tấn công là các chiến binh Hồi giáo cực đoan trong nước, song có nhiều lý do để IS chọn Bangladesh là nơi hình thành và phát triển chi nhánh.
Trước hết, Bangladesh có cộng đồng người Hồi giáo đông đảo với 150 triệu người. Đây là nơi IS thuận lợi để tuyển mộ nhân lực. Các quan chức an ninh Bangladesh tiết lộ một trong hai nhóm vũ trang trong nước là Jamaat-ul-Mujahideen đã thề trung thành với IS.
Môi trường chính trị nhiều bất ổn trong những năm qua khiến tư tưởng thánh chiến tăng đột biến tại quốc gia này. Tháng trước, trong chiến dịch truy quét khủng bố, nhà chức trách Bangladesh đã bắt giữ 11.000 người.
Ngoài ra, Bangladesh còn là địa điểm thuận lợi để IS có thể phát triển sang phía Đông Ấn Độ và Myanmar. Khu vực Tây Nam bang Rakhine (Myanmar) - nơi có người thiểu số Hồi giáo Rohingya sinh sống - đang xảy ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo và các nhóm thánh chiến cực đoan vẫn chưa khai thác vấn đề này để phát triển lực lượng.
Tuy nhiên, sự hiện diện của các nhóm phiến quân địa phương cũng tạo ra những thách thức nhất định cho IS bởi giữa chúng có sự khác nhau về lý tưởng và các mục tiêu tấn công, chưa kể đến việc phải cạnh tranh để tồn tại và phát triển.
Mặc dù sẽ rất khó khăn để IS trở thành nhóm thánh chiến số 1 tại Bangladesh, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể. Chi nhánh IS tại Bangladesh hoàn toàn có thể lặp lại con đường phát triển mà tổ chức này thực hiện ở châu Phi hay Đông Nam Á. Hơn nữa, chi nhánh này cũng có thể hợp tác với các nhóm cực đoan khác để cùng phát triển.
Bạo lực tăng vọt ở Bangladesh làm Ấn Độ lo ngại. Trước nay, Liban là điểm trung chuyển của các tay súng tham gia IS nhưng giờ biên giới nước này bị siết chặt dưới áp lực quốc tế. Và Bangladesh có thể trở thành cửa ngõ thay thế. Đây là kịch bản đáng lo ngại cho an ninh khu vực Nam Á, và điều này cho thấy cuộc chiến chống IS vẫn không thể lơ là.
Rõ ràng, thời gian qua Mỹ và các đồng minh đã đạt được nhiều tiến triển trong cuộc chiến chống IS, khiến IS chịu nhiều tổn thất lớn tại Iraq và Syria, song nhóm khủng bố này vẫn còn khả năng tiến hành các cuộc tấn công trên toàn thế giới.
Các nỗ lực của liên quân quốc tế chống IS trên cả mặt trận quân sự và tài chính đều không làm suy giảm năng lực tấn công khủng bố và vươn ra toàn cầu của chúng. IS vẫn tiếp tục thu được ít nhất hàng chục triệu USD mỗi tháng, chủ yếu từ thuế và bán dầu thô.
Theo cảnh báo của giới chức Mỹ, IS sẽ tiếp tục thay đổi chiêu thức tấn công cũng như phạm vi hoạt động một khi “địa bàn” của chúng ngày một bị thu hẹp./.
Thanh Huyền