Sáng 10/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri tại huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) trước kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIV.
Trực tiếp trao đổi với cử tri về các vấn đề quan tâm, trong đó có tình trạng một bộ phận trong xã hội có lối sống, ứng xử lệc lạc, thiếu văn hóa, Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước đã thấy được những tồn tại này trong quản lý Nhà nước và tiếp tục có những giải pháp xử lý, đồng thời yêu cầu các cấp chính quyền cần coi trọng giữ gìn văn hóa ở từng địa phương chứ không chỉ phát triển kinh tế.
Tại cuộc tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Nghĩa - Phó Bí thư Thường trực, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng đã thông báo đến cử tri nội dung kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Tiếp sau đó, các cử tri phát biểu về các vấn đề quan tâm, trong đó đánh giá cao tình hình kinh tế xã hội đất nước và Thành phố Hải Phòng thời gian qua, đồng thời đặt vấn đề về giải pháp hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2019, vấn đề phát triển doanh nghiệp công nghệ của đất nước và Hải Phòng, vấn đề thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Hải Phòng; vấn đề thực hiện tinh giản bộ máy cán bộ, vấn đề ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận người dân...
Qua ý kiến của các cử tri, Thủ tướng đánh giá cao các cử tri Hải Phòng đều thể hiện lòng yêu nước, có trách nhiệm với đất nước, hiểu rõ các vấn đề của đất nước và Thành phố Hải Phòng. Thủ tướng thông báo với các cử tri Hải Phòng về tình hình đất nước thời gian qua với thành công trên nhiều lĩnh vực, mang lại niềm tin lớn với nhân dân.
Về các ý kiến, đề xuất của cử tri đối với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thủ tướng cho biết đoàn ghi nhận để phản ánh có trách nhiệm tại kỳ họp Quốc hội. Trả lời câu hỏi của cử tri về việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước năm nay, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang nỗ lực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, trong đó tăng trưởng từ 6,6 đến 6,8%.
Thủ tướng cho biết áp lực tăng giá dầu thế giới tác động đến giá xăng trong nước và vừa qua giá điện tăng, nhưng Chính phủ cam kết kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra để không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Cử tri Phạm Văn Thơm thì đặt vấn đề về minh bạch trong xây dựng các văn bản pháp luật, tránh lợi ích nhóm khi thời gian qua, còn một số bộ ngành chưa gắn lợi ích chung, vẫn còn tình trạng lợi ích cục bộ trong xây dựng văn bản, quy định, một số nội dung cải cách chưa quyết liệt, chưa đồng bộ; thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà, gây khó khăn trong nhân dân.
"Đề nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa và có các giải pháp toàn diện, đồng bộ đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là việc thực hiện có hiệu quả phương châm 12 chữ: “Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Bứt phá - Hiệu quả của Chính phủ” - cử tri Thơm kiến nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xây dựng pháp luật phải sát với thực tiễn, sát quy luật của sự phát triển; không để pháp luật vênh lớn đối với đời sống xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển.
“Tôi hoàn toàn nhất trí ý là phải chống lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Pháp luật phải phục vụ người dân và sự phát triển, quản lý xã hội tốt hơn. Điều này phải được các cấp, ngành, Quốc hội giám sát, thông qua chặt chẽ hơn. Từ khi Chính phủ nhiệm kỳ mới, chúng tôi đã đề cao công tác xã hội pháp luật, coi hoàn thiện thể chế là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của Chính phủ, cho nên tất cả các phiên họp Chính phủ đều dành nhiều thời gian thảo luận các cơ chế, thể chế, chính sách pháp luật” - Thủ tướng nói.
Đối với vấn đề cử tri nêu ra về việc một bộ phận trong xã hội có lối sống, ứng xử lệch lạc, thiếu văn hóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Đảng, Nhà nước đã thấy được những tồn tại này trong quản lý xã hội và tiếp tục có những giải pháp tốt hơn.
“Chúng ta nói là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chứ không phải xã hội thị trường. Chúng ta lên án những việc phi đạo đức, kém văn hóa ở một số lĩnh vực, một số biểu hiện đã phát hiện. Các cơ quan chức năng, đảng bộ, các cấp chính quyền cần coi trọng lãnh đạo, giữ gìn văn hóa ở từng địa phương chứ không chỉ phát triển kinh tế, để cuộc sống nhân dân ta ấm no, hạnh phúc thực sự cả vật vất và tinh thần. Đây là những góp ý quan trọng để góp phần giữ lại “hồn thiêng sông núi”, văn hóa của người Việt luôn được giữ gìn”.