Cho đến thời điểm này, tôi mới chỉ nắm toàn bộ sự việc qua báo chí, chứ ngành chức năng địa phương chưa báo cáo lên nhưng theo quan điểm của tôi, đây là một việc làm vô lý, không thể chấp nhận được.
TS.Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT).
Tôi cho rằng, việc HTX Dịch vụ Minh Anh yêu cầu người dân đóng phí đồng cỏ với mức 100.000 đồng/con/năm là không theo một căn cứ pháp lý nào cả. Việc này, cả chính quyền, HTX phải xem lại, việc tổ chức thu được căn cứ vào đâu, lý do tại sao, sau đó phải bàn bạc, thống nhất với dân chứ không thể áp đặt một cách vô nguyên tắc như vậy.
“Trong trường hợp xã tổ chức, quy hoạch được diện tích đồng cỏ riêng biệt, có hàng rào xung quanh, cỏ được trồng và chăm sóc thường xuyên thì lúc đó mới được phép thu phí nếu người dân muốn được chăn thả gia súc, gia cầm ở đó. Tất nhiên, việc thu phí cũng phải thực hiện công khai, minh bạch, có sự tham gia giám sát của chính quyền, các hội đoàn thể và người dân trên cơ sở đạt được sự đồng thuận.
Thế còn việc HTX Dịch vụ Minh Anh yêu cầu các cá nhân mua máy gặt đập liên hợp, máy lồng phải đóng 5 triệu đồng tiền thế chấp cho HTX, ngoài ra, mỗi máy còn phải đóng thêm 10%/đầu sào phí dịch vụ thì sao, thưa ông?
Cá nhân tôi ủng hộ việc làm này nếu như HTX trong quá trình làm, phải tổ chức một cách minh bạch, có sự tham gia của các bên liên quan, đằng này người dân bảo bị ép buộc, phía HTX nói thực hiện việc thu trên tinh thần tự nguyện và có văn bản họp dân. Điều này chứng tỏ trong quá trình làm chưa thực sự dân chủ.
Người dân xã Thiệu Dương bức xúc vì khoản phí vô lý.
Theo tôi hiểu, việc thu tiền thế chấp đối với máy gặt, máy lồng là để HTX có chi phí sửa chữa, nâng cấp hệ thống hạ tầng nếu các loại máy này tác động làm hỏng hóc, sạt lở trong quá trình hoạt động. Trên thực tế, hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn chủ yếu được xây dựng trên tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó, công sức đóng góp của người dân là rất lớn, Nhà nước cũng không thể có đủ kinh phí để sửa chữa, tu bổ nếu có hỏng hóc.
Vì vậy, ở các địa phương, cần có người đứng ra quản lý, nếu trong quá trình hoạt động, các loại máy nông nghiệp của các tổ chức, cá nhân làm hỏng, sạt lở (đường giao thông) thì lấy tiền thế chấp để sửa chữa. Nhưng nếu sau mùa vụ, các máy này không có tác động đến hạ tầng, nói cách khác, không gây ra sự cố nào thì phải trả lại tiền cho tổ chức, cá nhân đã nộp trước đó.
Tôi xin nhắc lại, dù là làm bằng hình thức nào thì sự minh bạch, công khai mọi thông tin, có sự tham gia giám sát của người dân phải được ưu tiên hàng đầu và tuân thủ một cách nghiêm túc. Có vẻ ở Thiệu Dương đã không đạt được điều này.
Tôi nghĩ việc chính quyền xã Thiệu Dương cần làm lúc này là vào cuộc làm rõ vấn đề, chấm dứt ngay việc thu phí một cách vô lý và tùy tiện như vậy, công khai đến mọi người dân để lấy lại niềm tin của dân.
Rõ ràng, trong lúc Đảng, Nhà nước, Chính phủ dành rất nhiều quan tâm và ưu tiên cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ mấy năm trước, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo rà soát, cắt giảm đến mức tối đa các loại thuế, phí trong nông nghiệp, giảm gánh nặng cho nông dân và đang trong quá trình cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để tạo thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ còn trực tiếp đối thoại với nông dân nhằm lắng nghe mọi tâm tư tình cảm, những vướng mắc bà con gặp phải trong quá trình sản xuất mà HTX Dịch vụ Minh Anh lại đặt ra những khoản phí không có căn cứ pháp lý như vậy là đi ngược với chủ trương, chính sách về tam nông, coi nhẹ quyền lợi của nông dân.