Thoát nghèo từ vốn vay chính sách.
Về xóm Mỹ Đình, xã Châu Đình (Quỳ Hợp), hỏi thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Chu Quốc Trụ ai cũng biết. Hiện mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi của gia đình ông Trụ được đánh giá hiệu quả, nhiều người tham quan học hỏi kinh nghiệm.
Ông Trụ cho biết, trước đây nhà đông con (5 người con) nhưng thuần nông, chủ yếu phụ thuộc vào cây ngô, cây sắn, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy đất đai ở xã Châu Đình thuận lợi cho việc trồng cây ăn quả nên ông đã bàn với vợ con, một số hộ gom góp lại để làm một vườn ươm cây giống. Sau khi thành công, ông được Hội Nông dân huyện cho vay ủy thác nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư trồng cam. Với 96 triệu đồng vốn vay, cộng với tiền anh em, bạn bè, ông đã đầu tư trồng được gần 5 ha cam, quýt. Bước sang năm thứ tư cây phát triển tốt, cho ra mùa quả đầu tiên, sản lượng được 5 tấn/ha; Trừ các khoản chi phí thu về được gần 1 tỷ đồng. Từ số tiền này, gia đình đã trả được vốn vay Ngân hàng đúng kỳ hạn và tiếp tục đầu tư cho vụ tới và tăng thêm diện tích cây trồng.
“Năm vừa rồi là vụ thu hoạch thứ 2 cho gia đình tôi thu nhập trên 2 tỷ đồng từ cây cam, quýt và thu nhập từ chăn nuôi gần 100 triệu đồng” - ông Trụ chia sẻ.
Hiện nay, từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội đã giúp cho hàng ngàn hộ nông dân ở Quỳ Hợp có vốn làm ăn, tạo việc làm ổn định, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình như hộ ông Chu Quốc Trụ, xóm Mỹ Đình, xã Châu Đình với mô hình trồng cam, quýt và chăn nuôi; hộ ông Trương Đình Xưởng, xóm Vặc, xã Tam Hợp mô hình trồng mía và chăn nuôi; hộ bà Nguyễn Thị Vân, xóm Na Xén, xã Châu Quang mô hình chăn nuôi lợn, gà...Tại huyện Nghĩa Đàn, từ năm 2013 gia đình chị Vi Thị Mỹ (xóm Mồn, xã Nghĩa Lạc) được vay Ngân hàng CSXH 20 triệu đồng mua 1 con trâu sinh sản. Từ nguồn vốn này cộng với sự chịu thương, chịu khó mà năm 2017 gia đình chị Mỹ là hộ thoát nghèo tiêu biểu của xã Nghĩa Lạc.
Chị Mỹ chia sẻ: Sau 3 năm vay vốn, đàn trâu nhà chị đã có 4 con, chị bán 1 con trả nợ Ngân hàng CSXH, đầu năm 2017 chị bán 2 con góp tiền làm được căn nhà khang trang, tôi vẫn còn 1 con trâu đực để tiếp tục sản xuất, hiện nay đã có của ăn của để.
Anh Lê Hồng Tuyên - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Đàn cho hay: Với trọng trách đồng hành cùng người nghèo, Ngân hàng CSXH huyện đã luôn làm tốt vai trò cầu nối giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo. Để đồng vốn đến tay các đối tượng thụ hưởng đạt hiệu quả, Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội để xây dựng hợp đồng ủy thác, triển khai rà soát, xác định đối tượng chính sách vay vốn. Từ đó hình thành mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn ở từng thôn, xóm…, đến nay, riêng từ kênh Hội nông dân có tổng dư nợ 106 tỷ đồng, có 4.818 hộ vay đang dư nợ và có 100 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động, trong đó có 96 tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại hoạt động tốt chiếm 96%. Các tổ tiết kiệm này đã đưa vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Tiếp tục nâng chất lượng dịch vụ ủy thácTheo tổng hợp, đến 31/3/2018, tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 7.485 tỷ đồng, riêng Hội nông dân các cấp nhận cho vay ủy thác đạt trên 2.272 tỷ đồng, trong đó, các chương trình chiếm tỷ trọng cao như cho vay hộ nghèo (23,4%), cho vay hộ cận nghèo (25,6%), chương trình cho vay hộ thoát nghèo (13,2%). Một số huyện có dư nợ cao như Diễn Châu 194,7 tỷ đồng; Yên Thành 184,5 tỷ đồng; Thanh Chương 169,2 tỷ đồng; Đô Lương 124,7 tỷ đồng… Hiện có 4.185 hộ còn dư nợ. Nợ quá hạn chiếm 0,18%, một số đơn vị không có nợ quá hạn là Quỳ Hợp, TX.Hoàng Mai, TX.Thái Hòa.
Thời gian qua, các cấp hội luôn chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác, không để xảy ra hiện tượng xâm tiêu vay ké, chiếm dụng nguồn vốn ủy thác trong quá trình thực hiện. Công tác bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích. Nguồn vốn vay giải quyết việc làm hoạt động có hiệu quả, dư nợ tăng 4,5 tỷ đồng so với đầu năm, nợ quá hạn giảm.
Theo đánh giá của Ngân hàng CSXH tỉnh, qua hoạt động ủy thác với các tổ chức chính trị, xã hội, trong đó có Hội Nông dân đã góp phần đưa vốn tín dụng đến được đúng đối tượng thụ hưởng; các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả. Nguồn vốn tín dụng trên đã giúp cho 75.778 hộ nông dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Nhiều gia đình hội viên nông dân giải quyết được vấn đề tài chính cho con ăn học, cải tạo công trình nước sạch, vệ sinh, cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển chăn nuôi, trồng trọt, làm nghề…, qua đó không chỉ xóa nghèo cho mình mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ khác cũng thoát nghèo vươn lên.
Ông Nguyễn Hữu Nhị - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo các cấp hội ở các địa phương rà soát, lựa chọn phân công cán bộ có năng lực thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ số hộ vay; phối hợp với cán bộ tín dụng của Ngân hàng hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vốn vay bảo đảm đúng mục đích. Bên cạnh đó, chúng tôi chủ động tiến hành kiểm tra đột xuất ở những địa phương có phát sinh nợ xấu, nợ khoanh tăng. Đối với các huyện, thành Hội tổ chức thực hiện kiểm tra tất cả các cơ sở; mỗi cơ sở kiểm tra ít nhất 30% số Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) do mình quản lý.“Thông qua hiệu quả đạt được của hoạt động ủy thác mà vị thế, vai trò của các cấp Hội ngày càng tăng lên, hội viên, nông dân thêm tin tưởng vào tổ chức của mình. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngân hàng để thực hiện củng cố hoạt động của các Tổ TK & VV, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng dịch vụ ủy thác” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết thêm.