(Baonghean) - Để có ý kiến chính xác về vấn đề này, chúng ta tính toán cụ thể. Nhà ở bán cho người thu nhập thấp là nhà ở có giá dưới 15 triệu đồng/m2, cụ thể, hiện đã có nhà đang bán với giá 12 triệu đồng/m2. Như vậy, một căn hộ nhỏ nhất 50m2, có giá là 600 triệu đồng. Chúng ta thử tính xem, người có thu nhập từ tiền lương, cụ thể là bao nhiêu một tháng thì sẽ mua được căn hộ này?
Gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng là gói tiền ngân hàng xuất ra cho người mua nhà vay trong 10 năm với lãi suất 6%/năm. Theo quy định, người mua nhà phải có vốn 20% tức là 120 triệu đồng, chỉ được vay 80%, tức là 480 triệu đồng. Để trả số tiền 480 triệu đồng trong 10 năm, người mua phải trả 1 tháng 4 triệu đồng tiền gốc. Với lãi suất 6%/năm, khoản vay 480 triệu đồng thì mỗi năm người vay phải trả lãi cho ngân hàng là 29 triệu đồng, tức mỗi tháng 2,4 triệu đồng.
Vậy là, để sau 10 năm, người vay tiền không nợ ngân hàng thì mỗi tháng người vay tiền phải trả số tiền gốc 4 triệu đồng cộng với tiền lãi 2,4 triệu đồng, tức là 6,4 triệu đồng. Một gia đình, muốn mua được căn nhà nhỏ 50 m2, ngoài chi tiêu ăn uống, học hành… thì mỗi tháng gia đình đó phải có khoảng 6,4 triệu đồng tiền dư ra để trả nợ cho ngân hàng. Nếu tính cả tiền ăn tiêu, sinh sống của gia đình thì tối thiểu gia đình đó cũng phải có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Chúng ta thấy, một gia đình (2 vợ chồng, 2 đứa con) có thu nhập cỡ đó là không nhiều. Vậy nên, người có thu nhập thấp (dưới 15 triệu đồng/tháng) khó mơ tưởng đến chuyện mua nhà.
Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng thành thật nói rằng: “Cỡ như bộ trưởng, tính theo lương, cũng phải 40 năm mới mua được nhà!”.
Vậy làm sao? Trong 3 cách, tăng lương cho người lao động, hạ giá thành nhà ở xuống thấp hơn nữa, kéo dài thời gian và hạ thấp lãi suất cho vay của ngân hàng? Muốn nâng cao đời sống cho người lao động, muốn giúp họ mua được nhà ở thì tốt nhất là Chính phủ cần đề xuất với Quốc hội để thực thi đồng bộ cùng lúc cả 3 giải pháp đó. Thực tế, tình hình hiện tại ra sao?
Về việc tăng lương, ít nhất, đến tháng 7 này, nghị quyết của Quốc hội phải được thực hiện. Mặc dù kinh tế nước ta đang ở thời điểm hết sức khó khăn, nguồn thu ngân sách bị hạn chế, nhưng theo ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, “không tăng được nhiều thì cũng phải tăng ít, chứ không thể không tăng”. Như vậy, sắp tới nếu có tăng lương thì có lẽ số lương tăng thêm đó may ra cũng chỉ đủ để bù cho các khoản tăng giá, khó có thể cải thiện đời sống người ăn lương, nói chi đến chuyện tích lũy để mua nhà!
Về việc hạ giá thành nhà ở cho người thu nhập thấp: Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đang tính toán để đưa mức giá nhà thu nhập thấp xuống dưới 12 triệu/m2. Ngày 28/5, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) khởi công hàng nghìn căn nhà ở xã hội. Giá bán có thể xuống dưới 10 triệu đồng/m2. Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở đang triển khai 14 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, với tổng diện tích là 12,9 ha, tổng diện tích sàn xây dựng 1,24 triệu m2 với 15.412 căn hộ, giá bán cũng dưới 10 triệu đồng/m2. Như vậy, ta thấy “nguồn cung” có thể khá dồi dào. Tuy nhiên, dù giá nhà ở hạ xuống dưới 10 triệu đồng/m2, nhưng với đồng lương hiện tại, người ăn lương vẫn chưa thể có khả năng với đến việc mua nhà ở.
Hiện tại, tiền lương của người lao động rất thấp, tiền mua căn hộ lại quá cao nên khả năng mua nhà của người ăn lương vẫn đang là điều không tưởng. Theo thống kê, mức chênh lệch giữa giá nhà ở và tiền lương thu nhập của người lao động thì ở Việt Nam giá nhà cao gấp 25 lần, trong khi giá ở châu Âu chỉ 7 lần, Thái Lan 6,3 lần, Singapore 5,2 lần… Với con số so sánh như vậy, chúng ta thấy rằng việc giải quyết nhà ở cho người ăn lương ở Việt Nam khó khăn hơn rất nhiều lần ở các nước khác! Hy vọng Chính phủ, Quốc hội sẽ có biện pháp thỏa đáng hơn nữa để giải quyết vấn đề quá chênh lệch về tiền lương và nhà ở của người lao động nước ta trong thời gian sớm nhất…
Thu nhập thấp có mua được nhà ở từ gói cứu trợ bất động sản 30.000 tỷ đồng?
Thạch Quỳ