(Baonghean.vn) - Diễn Châu là một trong những huyện ven biển có nghề làm muối lâu đời ở Nghệ An. Nỗi vất vả của người làm muối từ bao đời vẫn là câu chuyện "biết rồi"...nhưng khó thay đổi.
Hiện toàn huyện Diễn Châu có 130 ha đất sản xuất muối với khoảng 1700 lao động, chủ yếu tập trung ở 3 xã: Diễn Kim với 45 ha/750 lao động; Diễn Vạn với 67 ha/700 lao động và Diễn Bích khoảng 30 ha/300 lao động.. Để làm ra hạt muối trắng, diêm dân phải trải qua nhiều công đoạn vất vả. Trong ảnh: Công đoạn ra cát. Nghề muối là một nghề rất cực nhọc. Từ công đoạn lóng nước mặn vào hố, tơi ải cát trên ruộng đến lúc phơi nước mặn lên nền sân bê tông... vào những ngày nắng đổ lửa, những diêm dân nơi đây phải lặn lội từ sáng tinh mơ cho đến lúc mặt trời lặn mới thu được những hạt muối mặn về nhà. Nghề làm muối tuy nặng nhọc nhưng thu nhập rất thấp so với các ngành nghề khác do chưa được chú trọng đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng dẫn đến năng suất kém, chất lượng thấp, giá muối rẻ mạt và biến động thất thường. Trong ảnh: Muối kết tinh trên nền sân bê tông. Theo báo cáo của UBND các xã Diễn Kim, Diễn Vạn, tại thời điểm này, giá muối bán ra trên thị trường Diễn Châu chỉ khoảng 1.200 – 1500 đồng/kg; thu nhập bình quân của người làm muối chỉ đạt khoảng 1 triệu đồng/tháng. Nhiều diêm dân phải bỏ nghề muối để đi tìm kiếm công ăn việc làm xa quê. Vì vậy diện tích sản xuất muối đang thu hẹp dần. Ở xã Diễn Vạn hiện đã có 30% trong số 67 ha đất sản xuất muối bị bỏ hoang. Trong ảnh: Diêm dân chạy muối khi mưa xuống. Trần Cảnh Yên