(Baonghean.vn)- Về huyện Yên Thành (Nghệ An) nhắc đến Trần Văn Thân (còn gọi là Thân Hợi) không ai trong giới săn bắt và buôn lươn là không biết. Anh được giới buôn lươn của huyện ví là “sát thủ” lươn đồng.
Đi thả trúm từ năm 12 tuổi
Đến huyện lúa Yên Thành, hỏi thăm giới săn bắt và buôn lươn về anh Trần Văn Thân (SN 1980, trú tại xóm Trung Nam, xã Hậu Thành) ai nấy đều “ngả mũ”. Anh nổi tiếng với nghề săn bắt lươn đồng và được mọi người ví là “sát thủ”. Cũng nhờ lươn, gia đình anh trở nên khá giả, có của ăn của để.
Anh Thân là con trai út trong gia đình có 3 chị em. Lên 2 tuổi, anh mồ côi mẹ, gia đình luôn rơi cảnh vào thiếu ăn. Hai chị đầu học hết lớp 5 thì bỏ học để về đi phụ giúp cha. Anh Thân cũng học hết lớp 6, vì thấy cảnh gia đình không thể giúp anh ăn học tiếp nên anh đã dừng con đường học hành. 12 tuổi, anh bắt đầu kiếm ăn bằng nghề thả ống lươn (còn gọi là thả trúm).
Bắt đầu từ năm 12 tuổi, đến nay đã 25 năm anh Thân gắn bó với cây trúm, con lươn. “Một tháng có 30 ngày thì hầu như không bỏ một ngày nào, làm gì cũng phải tranh thủ để về thả lươn cho bằng được. Thực sự, nghề thả trúm lươn đã “ăn vào máu” rồi, một ngày không được bắt lươn thì cảm thấy thiếu cái gì đó, ăn không ngon, ngủ không yên được. Ngày nào còn sức khỏe, còn đi lại được thì ngày đó tôi vẫn theo cái nghề này,” anh Thân chia sẻ.
Bí quyết 'nhử' lươn đồng
Để nhử lươn chui vào trúm là cả một quá trình dày công nhưng cũng đòi hòi người thả trúm phải tinh tường. Nói cách khác, nó chẳng khác gì 'bày binh bố trận' để lươn tự chui vào ống trúm một cách ngoan ngoãn.
Khâu đầu tiên phải kể đến đó là việc chọn và thiết kế trúm. Trúm lươn chủ yếu được thiết kế từ cây nứa, dài khoảng 50-70cm tùy thuộc vào thả đồng cạn hay đồng sâu và được cắt bỏ một đầu để làm cửa cho lươn chui vào.
“Ống trúm không được khô hoặc tươi quá lươn sẽ không vào hoặc có vào cũng không năng suất. Nếu ngày nào cũng thả trúm thì cứ một tháng nên thay ống trúm một lần sẽ đạt năng suất tốt nhất. Nắp cửa phải thay 2 lần trước khi thay ống trúm mới", anh Thân chia sẻ kinh nghiệm chọn ống trúm.
Ngoài các yếu tố kỹ thuật về làm trúm thì kỹ năng chọn mồi, cách thả trúm là yếu tố quyết định để dụ lươn vào trúm. Người dân Yên Thành có câu “Cá mắc vì đăng, lươn say vì mồi”. Theo đó, để dụ được lươn vào trúm thì mồi là yếu tố rất quan trọng. Lươn vốn thích mùi tanh mà món “khoái khẩu” vốn là giun đất nên mồi được chọn phần lớn là từ loại côn trùng này.
“Thời trước việc tìm mồi rất vất vả và mất thời gian nhưng gần đây chỉ cần bỏ ra khoảng 20 phút là đã đủ mồi cho khoảng 400 ống trúm rồi. Cách đơn giản nhất đó là dùng nước rứa bát hòa với nước. Sau đó, chọn chỗ đất nào có giun đào tổ thì đổ lên đó một phút sau tha hồ bắt mà không cần phải đào bới mất sức và thời gian. Giun đất sau khi được bắt về thì băm nhỏ rồi quệt vào cửa trúm rồi đem đi thả. Một điều đặc biệt là giun đất phải còn sống, nếu giun đã chết mà làm mồi sẽ bị hôi và lươn sẽ không vào”, anh Thân chia sẻ cách tìm mồi cho trúm.
Việc chọn vị trí thả cũng là cả một quá trình đúc rút kinh nghiệm. Bởi vậy, không phải ai cũng thả được trúm và thả đúng chỗ có lươn. Với kinh nghiệm 25 năm làm nghề săn bắt lươn, anh Thân chia sẻ: “Phải chọn chỗ nước có rêu để thả trúm xuống chắc chắn ở đó có lươn và lươn to. Tuy nhiên, những vũng nước có rong lươn lại ít khi sống ở đó và dù mồi có tốt thế nào thì thả trúm xuống đó cũng ít khi được lươn. Thả trúm ở mương thì được lươn to hơn ở thả ruộng.
Tuy nhiên, những nơi nước chảy lớn không nên thả trúm xuống vì lươn sẽ không vào được trúm. Nếu thả kênh mương thì nước phải vừa mới chọn thả trúm xuống, nước to quá hoặc nhỏ quá lươn sẽ không đi tìm mồi. Nếu chọn ruộng để thả trúm xuống thì mực nước tầm 10-15cm sẽ được lươn nhiều hơn là những ruộng nước nhỏ hoặc nước tù đọng. Một điều cấm kỵ là tuyệt đối không được để nước ngập rãnh thông hơi nếu không lươn vào sẽ bị chết ngạt”.
Ngoài việc đi thả, những lúc đồng rộng gặt hái xong, anh Thân cũng thường đi bắt lươn bằng tay. Với anh, chỉ cần thấy ổ lươn anh thò ngón tay vào móc lươn ra cũng dễ như lấy một món đồ trong túi vậy.
“Thay da, đổi thịt” nhờ lươn
Nhờ lươn đồng, gia đình anh Trần Văn Thân từ chỗ nghèo khó nếu không nói là chạy cơm từng bữa thì nay đã “thay da đổi thịt” nhờ lươn đồng.
Lươn đồng được bình chọn là một trong 10 đặc sản không thể thiếu nếu ai biết đến xứ Nghệ. Thời gian gần đây, lươn đồng như một món đặc sản không thể thiếu trong các nhà hàng, khách sạn.
Với đặc trưng của lươn đồng ở thích sống ở vùng trũng nên vùng đất Yên Thành lươn đồng sinh trưởng rất nhanh. Không riêng gì anh Thân mà rất nhiều người dân vùng này “phất” lên nhờ lươn đồng. Thế nhưng, lươn tại vựa lúa miền Trung này không bao giờ hết.
“Cứ mỗi đêm, với 400 ống lươn, mình bắt được từ 8-12kg lươn, có khi lên tới 15kg. Nếu nhập lươn chưa sơ chế thì 1kg có giá 130 ngàn đồng. Sau khi sơ chế, làm sạch thì 1kg lươn có giá 160kg ngàn đồng. Cứ như vậy, mỗi đêm mình cũng kiếm được trên 1 triệu đồng”, anh Thân cho biết.
Nhờ lươn đồng, anh Thân cất được 2 dãy nhà ngang và nhà dọc, mua sắm xe máy, tivi, tủ lạnh, máy kéo, máy cày bừa, gần chục con trâu bò, 2 bộ rạp đám cưới cho thuê. Có của ăn của để, anh Thân còn gửi số tiền còn dư vào ngân hàng. Anh Thân cũng thộ lộ rằng gia đình đang có ý định mua máy gặt để cho thuê kiếm lời.
Nếu như trước đây phải đi nhập hoặc các thương lái đến thu mua thì giờ, chị Hà (vợ anh Thân) đã tự sơ chế và đem đến chợ bán vừa có giá thành cao hơn tăng thêm thu nhập cho gia đình lại có công ăn việc làm. “Mỗi sáng cứ hơn yến lươn nhưng chưa trưa chợ đã hết vèo rồi. Có hôm còn phải gom lươn từ mấy người thả trúm khác nhưng đều hết hàng sớm.
Nguời dân họ tin tưởng và mua lươn mình vì chính anh Thân làm ra, là lươn đồng thực sự. Hơn nữa trong quá trình bán, do không phải dân buôn nên mình có thể thêm bớt chút ít vì vậy mà khách hàng cũng rất vui vẻ mua hàng. Ngoài ra, các phụ phẩm như: xương, đầu, đuôi lươn còn tạo điều kiện phát triển chăn nuôi gia cầm nên chúng rất mau lớn, Chị Hà vui vẻ cho biết.
Ông Nguyễn Viết Linh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hậu Thành cho biết: Gia đình anh Thân là điển hình về phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ con lươn đồng, anh Thân đã giàu có trông thấy. Từ thiếu ăn, thiếu mặc nay nhà cửa khang trang, có của ăn của để và mua sắm đầy đủ vật dụng cho gia đình.
Lê Đình Quyết