(Baonghean) - Sinh ra và lớn lên ở Nghi Lộc, trong một gia đình nghèo nên cậu bé Lê Hồng Lộc có những tháng ngày tuổi thơ tự do bay nhảy với những trò chơi lấm lem, tinh nghịch. Không ai nghĩ, cậu bé giỏi leo trèo nghịch ngợm ấy, một ngày kia được đi biểu diễn trong và ngoài nước, cũng là người đầu tiên đưa xiếc thú Việt Nam ra biểu diễn trên thế giới và giành giải cao.

Cậu bé nhà nghèo và ước mơ làm xiếc

Cậu bé nghèo ngày xưa hiện là NSƯT Lê Hồng Lộc kể, gia đình mình không ai theo nghề xiếc, nhưng cũng như nhiều bè bạn có một tuổi thơ tự do bay nhảy trên đồng ruộng, khắp đầu làng cuối xóm, nên từ bé Hồng Lộc có vài tài lẻ về vận động tinh tế. Năm 1972, trường Xiếc về Nghệ An tuyển sinh, Lê Hồng Lộc cùng 5 người bạn đồng hương khác trúng tuyển khi mới 13 tuổi. Và tới nay, chỉ một nửa số người còn theo nghề.

images1655858_bna_57aef1de14dd2.jpgNSƯT Lê Hồng Lộc và những chú chó do ông huấn luyện.

Tốt nghiệp Trường Xiếc Việt Nam năm 1977, Hồng Lộc được theo học tiếp ở Liên Xô. Tài năng của anh sớm được ghi nhận từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều lần, anh được các thầy cô người nước ngoài mời cùng tham gia biểu diễn trong những chương trình Xiếc quốc tế, với tiết mục giữ thăng bằng trên dây. Không may, một lần đang biểu diễn giữ thăng bằng thì sợi dây bị đứt, Lê Hồng Lộc ngã từ trên cao xuống gãy xương sống, xương bả vai, với nhiều vết thương khắp mình mẩy.

Vị bác sĩ giàu kinh nghiệm buồn rầu lắc đầu, thông báo với anh rằng, với sức khỏe này, tuyệt đối không thể quay lại nghề xiếc.

“Buồn chán, thất vọng, thậm chí nghĩ mình đã mười mươi bỏ nghề rồi và không còn thiết tha gì nữa. Đó là tâm trạng của tôi lúc ấy. Một chàng trai ngoài 30 tuổi. Tuổi chín của nghề. Nhưng cũng lúc ấy là lúc bản tính chịu khó của người Nghệ nhắc tôi kiểu gì thì kiểu, phải được làm nghề mình yêu thích. Không biểu diễn được xiếc người thì ta làm xiếc thú. Xiếc thú không đòi hỏi nhiều sức lực như xiếc người mà là kinh nghiệm dạy dỗ, giao tiếp, phối hợp khéo léo với những con thú” - NSƯT Lê Hồng Lộc chia sẻ.

Nghĩ là làm, đầy quyết tâm và không ngại khó, Lê Hồng Lộc tìm tòi học hỏi ở những thầy cô, bạn bè nước ngoài xung quanh về biểu diễn xiếc thú. Mọi người vì cảm phục và thương chàng trai trẻ không chịu khuất phục số phận nên tận tình chỉ dạy hết kinh nghiệm, bí quyết. Khởi đầu về nghề xiếc thú của NSƯT Lê Hồng Lộc đầy gian truân trắc trở như thế.

Xiếc chó.

Năm 2008 tiết mục “Gấu biểu diễn” do NSƯT Lê Hồng Lộc dàn dựng và đào tạo đã đoạt giải Bạc Liên hoan xiếc Quốc tế tại Vũ Hán, Trung Quốc - giải thưởng đầu tiên giành cho xiếc thú Việt Nam. Nói về nghề xiếc thú, nghệ sỹ Hồng Lộc nói: “Đó là nghề chọn tôi”.

Tính tới nay, hơn 40 năm theo nghề xiếc, NSƯT Lê Hồng Lộc đã giành được hàng chục huy chương, giải thưởng vàng, bạc… trong các hội diễn xiếc trong và ngoài nước.

Xiếc Thạch Sanh đánh trăn.

Tạo dựng một “thương hiệu”

Bước sang tuổi 12, Đoàn xiếc thú Hồng Lộc do NSƯT Lê Hồng Lộc làm trưởng đoàn đã phần nào gây dựng được thương hiệu riêng trong lĩnh vực xiếc thú. Điểm biểu diễn phục vụ khán giả thường xuyên của đoàn tại Vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội) và đội biểu diễn lưu động của đoàn xiếc thú Hồng Lộc có hơn 30 nghệ sỹ và 12 loài thú với số lượng 40 con. Không chỉ ở miền Bắc, xiếc thú Hồng Lộc trở thành thương hiệu được khán giả miền Trung, miền Nam háo hức đón nhận vì sự không ngại khó, đưa nghệ thuật xiếc đến mọi miền.

Khi trò chuyện với nghệ sỹ Hồng Lộc, tôi có nhắc rằng, khi xưa ở Vinh có nhiều đoàn xiếc đến rồi đi, để lại trong lòng trẻ con bao tiếc nuối. Nghệ sỹ cười, chia sẻ, thời hoàng kim của xiếc ấy đã qua rồi. Nghệ sỹ xiếc bây giờ phải chủ động, chuyên nghiệp, đến mọi nơi, mọi thời điểm thì mới có khán giả. Không ngại khó, mê nghề, thân tình và luôn tìm tòi là những tiêu chí để đoàn xiếc tồn tại trong lòng khán giả.

Và để đáp ứng những điều ấy, những nghệ sỹ trong đoàn xiếc Hồng Lộc hầu hết là người Nghệ An. Ông chủ đoàn xiếc cho rằng, kinh nghiệm đi nhiều, sống khắp cho chú thấy, người Nghệ có đủ đầy phẩm chất để thành những nghệ sỹ xiếc ưu tú.

Xiếc hề rắn.

Nhiều người khi xem tiết mục “Những chú chó làm toán” đã bán tín bán nghi chuyện những chú chó biết làm tính thật không. Anh Lê Quang Nhật, người phụ trách những chú chó thông minh khẳng định, chúng thực sự hiểu những điều anh nói. Để đạt được điều ấy, anh và chúng đã trải qua những giờ tập vô cùng gian khổ và nhẫn nại trước đó.

Tố chất đầu tiên cần có ở người nghệ sỹ là niềm đam mê. Cùng với đó là sự kiên nhẫn trong quá trình rèn luyện. Kỹ thuật dạy thú chuyên nghiệp là điều rất quan trọng, nhưng phần nữa cũng quan trọng không kém là tình yêu động vật. Chỉ khi xây dựng được tình bạn thân thiết và sự thấu hiểu cần thiết giữa người và thú, các nghệ sỹ mới thực hiện được các tiết mục biểu diễn.

Coi thú như bạn

Coi thú như những người bạn thân thiết, là điều NSUT Lê Hồng Lộc luôn căn dặn học trò, đồng thời cũng là điều mà anh muốn chuyển tải tới các khán giả, nhất là những khán giả nhỏ tuổi. Và để chuyển tải thông điệp ý nghĩa này, NSƯT Hồng Lộc không chỉ là người chỉ đạo nghệ thuật cho đoàn, còn là người xây dựng kịch bản những chương trình hấp dẫn.

Một màn xiếc chó

Ngoài giờ tập, giờ biểu diễn, anh cùng các nghệ sỹ dạy là người trực tiếp chăm sóc việc ăn uống, tắm rửa, phòng bệnh cho chúng. Mỗi ngày thức dậy, sau khi vệ sinh cá nhân cho mình, họ cũng phải chăm lo vệ sinh cho con thú. Ngoại trừ những con vật “máu lạnh” như cá sấu, trăn, các loài động vật khác đều biết cách biểu lộ tình cảm rất đáng yêu.

Anh Lộc có kỷ niệm với một chú gấu khi còn làm việc ở đoàn xiếc Việt Nam. Mỗi sáng anh thường ghé chuồng chú gấu nhỏ ấy nựng nựng má xệ của nó và đưa cho nó một trái cây nhỏ. Cũng có hôm đang bận hoặc mải suy nghĩ điều gì, chưa kịp ghé chào, chú gấu lại lay cánh cửa sắt ầm ầm. Đúng giờ tới mức, các đồng nghiệp khác nói đùa: “Chẳng cần nhìn lên, cứ nghe tiếng rung cửa là biết ông Lộc vừa đến”.

Dù coi thú như bạn nhưng đôi khi vẫn gặp những tai nạn nghề nghiệp do “bạn” gây ra, như NSƯT Lê Hồng Lộc nói: “Làm nghề dạy xiếc thú mà chân tay không có vết sẹo nào thì chưa phải dạy xiếc thú. Hãy hiểu thế này, gần gũi mới thấy đám thú cũng như những đứa trẻ, mỗi đứa một cá tính, thích quà bánh, thích cưng nựng, nũng nịu và đôi khi tai nạn chúng gây ra cũng chỉ là vô tình”.

Ngay cả với chuyên gia huấn luyện thú dữ như anh Hải Đăng, một nghệ sỹ trong đoàn xiếc Hồng Lộc, dù đã thực hiện hàng trăm lượt biểu diễn đưa đầu vào hàm cá sấu thành công, anh cũng không thể chắc chắn về độ an toàn tuyệt đối khi làm việc với loài động vật máu lạnh này.

Đã có nhiều tiết mục xiếc thú ghi lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả như “Chú chó với anh hề”, “Tiếng gọi nơi hoang dã”, “Lão nông với những chú gà”, “Gà đẻ trứng theo ý muốn”… nhưng NSƯT Hồng Lộc, ở tuổi U60, vẫn hàng ngày chỉ đạo, dạy dỗ những nghệ sỹ trẻ trong đoàn của mình phải luôn nỗ lực hơn và không ngừng tìm tòi sự mới mẻ. Đó chính là bí kíp thành công của đoàn xiếc được xem là “hàng hiếm” khi được lòng khán giả khắp mọi miền đất nước.

Đoàn xiếc thú chuyên nghiệp Hồng Lộc được thành lập từ năm 2004 do NSƯT Lê Hồng Lộc phối hợp cùng Liên chi hội Xiếc Việt Nam theo chủ trương xã hội hoá các đoàn nghệ thuật của Nhà nước. Có thể nói đây là đoàn xiếc thú chuyên nghiệp tiên phong và duy nhất tại Việt Nam. Năm 2007 Đoàn đã thành lập một ê-kíp riêng với những chương trình nghệ thuật xiếc thú - ảo thuật đặc sắc biểu diễn xuyên Việt. Mỗi địa danh đi qua, Đoàn đều để lại ấn tượng cho khán giả từ chất lượng nghệ thuật được đảm bảo từ Liên chi hội xiếc Việt Nam đến cung cách tổ chức và phục vụ hết sức chuyên nghiệp. 

Sau 12 năm thành lập, Đoàn đã tổ chức thành công hàng chục chương trình nghệ thuật xiếc lớn nhỏ với hàng nghìn suất diễn trên cả nước và luôn được khán giả nồng nhiệt đón nhận mỗi lần tái ngộ. Ngoài ra, Đoàn xiếc thú chuyên nghiệp Hồng Lộc cũng là một đơn vị có nhiều uy tín trong việc nhận dàn dựng các tiết mục xiếc thú cho các đơn vị bạn, các khu du lịch, các tổ chức cá nhân có nhu cầu như Khu du lịch Vinpearl resort - Nha Trang, Khu du lịch Long Phú - Khánh Hoà, Khu du lịch Tuần Châu - Hạ Long… 

Võ Thu Hương

TIN LIÊN QUAN