Nữ tình nguyện viên Ruth Atkins trở thành người đầu tiên trong 60 người được tiêm văcxin Ebola trong thử nghiệm an toàn tiến hành tại Anh.

 
Bà Ruth Atkins, quản lý truyền thông tại Cơ quan Y tế Anh (NHS) là tình nguyện viên đầu tiên thử nghiệm văcxin Ebola trong chương trình kiểm định an toàn tại ĐH Oxford (Anh). Văcxin do Viện Y học quốc gia Mỹ và hãng dược GlaxoSmithKline (GSK) hợp tác phát triển. Tổng cộng có 60 người tham gia đợt kiểm tra tính an toàn của văcxin lần này.
 
images1051330_6.jpgBà Ruth Atkins, tình nguyện viên đâu tiên tiếp nhận văcxin Ebola tại Anh. Ảnh: freshnews-uk.com
“Tôi tình nguyện tham gia bởi dịch bệnh đang diễn ra tại Tây Phi rất nghiêm trọng. Tôi nghĩ rằng được trở thành một phần của quá trình sản xuất văcxin lần này là đóng góp bé nhỏ của mình và hy vọng nó sẽ tạo ra một thay đổi tích cực cho tình hình hiện nay”, người phụ nữ 48 tuổi chia sẻ và cho biết thông tin về thử nghiệm được bà biết đến khi nghe chương trình radio.
 
Trong 8 tuần tới, bà Atkins sẽ được theo dõi để ghi nhận các tác dụng phụ và tiến hành xét nghiệm máu định kỳ. Tới nay, sức khỏe của tình nguyện viên đầu tiên này vẫn ổn định. “Tôi cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh. Không có gì khác biệt sau khi tiêm văcxin so với trước đây”, bà khẳng định.
Kiểm định văcxin tại Anh là một trong một chuỗi các thử nghiệm an toàn được tiến hành để xác định độ an toàn và hiệu lực của văcxin trước khi đưa vào sử dụng. Ảnh: freshnews-uk.com.
Văcxin nói trên sử dụng một protein đơn lẻ của virus Ebola để kích thích phản ứng miễn dịch trong cơ thể người. Các nhà sản xuất nhấn mạnh đoạn di truyền Ebola trong văcxin thử nghiệm không làm người được tiêm văcxin nhiễm Ebola.
 
Những thử nghiệm an toàn với số lượng nhỏ người tham gia là cần thiết để xác định liệu văcxin có đủ an toàn và hiệu quả cho những thử nghiệm tiếp theo trên quy mô lớn với rủi ro cao hơn hay không. Kiểm định tại Anh là một phần trong chuỗi các thử nghiệm được tiến hành để xác định độ an toàn và hiệu lực của văcxin trước khi đưa vào sử dụng.
 
Dự kiến quy trình thử nghiệm sẽ kết thúc vào cuối năm 2014. Hãng GSK đã bắt đầu sản xuất lô văcxin 10.000 liều và nếu thử nghiệm thành công, văcxin sẽ được WHO sử dụng ngay lập tức.
 
Dịch bệnh Ebola đang tàn phá Tây Phi đã cướp đi sinh mạng hàng nghìn người, ảnh hưởng nặng nề nhất tại Guinea, Liberia và Sierra Leone. Một trong những lo ngại lớn hiện nay là chưa có loại thuốc hay văcxin nào chống lại dịch bệnh chết người này. Nguyên nhân chủ yếu là công ty dược phẩm thường không đầu tư vào các vùng như Tây Phi trước khi dịch bùng phát bởi các khó khăn tài chính. 
 
Theo VnExpress