(Baonghean) - Từ ngày 1/10, lần đầu tiên chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella sẽ được triển khai sâu rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Ngoài ngành y tế, sẽ có sự tham gia của nhiều ban, ngành khác, đặc biệt là ngành giáo dục và bộ đội biên phòng tỉnh…
Chỉ trong 2 tháng (4, 5/2014), cả nước có 100 trẻ em tử vong do sởi và các biến chứng từ sởi. Tại Nghệ An, tuy chưa có trường hợp nào tử vong nhưng có nhiều em phải chuyển lên tuyến trên điều trị với tình trạng bệnh diễn biến nặng. Dịch sởi lan rộng đã tác động đến nhận thức của người dân, đặc biệt là trong việc tiêm phòng sởi để phòng tránh bệnh cho trẻ.
Bệnh rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra và rất dễ lây lan trong không khí khi người mang mầm bệnh hắt hơi hoặc ho. Bệnh không quá nguy hiểm và không gây nhiều biến chứng đối với trẻ nhỏ nhưng với phụ nữ mang thai thì hết sức nguy hiểm; hội chứng rubella bẩm sinh là nguyên nhân chính gây ra các khuyết tật cho trẻ sơ sinh. Các nghiên cứu về y học cho thấy, khi người phụ nữ bị nhiễm vi rút rubella trong giai đoạn đầu của quá trình mang thai, có tới 90% số trường hợp người mẹ có thể truyền vi rút sang thai nhi. Hậu quả thai nhi bị chết hoặc có thể gây hội chứng rubella bẩm sinh với những dị tật nặng nề. Trong số các trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh có tới trên 90% trẻ mắc các dị tật phức tạp ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như các dị tật về tim, 45% trẻ bị đục thủy tinh thể, 37% lách to, 15% vàng da nhân, 12% trẻ chậm phát triển. Điều đáng lo ngại là hiện nay số phụ nữ đang ở độ tuổi sinh đẻ được tiêm phòng rubella còn rất thấp, vì vậy, nếu mắc bệnh trong thời kỳ mang thai khó tránh được rủi ro trẻ bị dị tật.
Ngay như trường hợp của bác sỹ Nguyễn Thi N, ở Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, thời điểm chị mắc bệnh rubella khi thai nhi đã 5 tháng. Khi sinh ra, cháu bị điếc bẩm sinh. Chưa đến 2 tuổi đã phải đeo tai nghe rất bất tiện và khó khăn. Trường hợp của bé Ngọc Trang mà chúng tôi gặp ở Trung tâm giáo dục, dạy nghề cho trẻ em khuyết tật tỉnh cũng rất đáng thương. Trang năm nay 16 tuổi nhưng nhận thức chẳng khác nào đứa trẻ, bởi em bị dị tật rất nặng cả về nhận thức, phát âm và khả năng nghe, nói. Chị Lan, mẹ của em tâm sự: Ngày mang thai cháu, chị bị ốm rồi nổi phát ban. Nhưng khi đó, thông tin còn hạn chế nên cũng chủ quan, nghĩ là ốm thông thường. Sau khi sinh con ra, bị dị tật, mới biết đó là di chứng rubella lây truyền từ mẹ.
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị dị tật vẫn còn cao, đó là nhiều năm nay, chưa có một chương trình tiêm chủng nào có tiêm mũi rubella. Mũi tiêm dịch vụ cũng chỉ mới được triển khai ở các thành phố, thị xã, thị trấn và cũng chỉ được ở một lượng nhỏ vì kinh phí khá đắt. Đó cũng là lý do vì sao người dân rất phấn khởi trước thông tin Bộ Y tế thực hiện chiến dịch tiêm chủng miễn phí vắc-xin sởi – rubella trên phạm vi cả nước. Ông Trần Nguyên Triều, Phó phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế cho biết: Việc tiêm đầy đủ vắc-xin sởi - rubella có thể giúp đáp ứng miễn dịch với bệnh đạt hiệu quả bảo vệ tới 95% và kéo dài suốt cuộc đời.
Theo kế hoạch của Sở Y tế, chiến dịch tiêm vắc-xin sởi – rubella trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ bắt đầu từ 1/10/2014 và kéo dài đến tháng 1/2015 cho khoảng 760.000 trẻ trong độ tuổi từ 1 – 14 tuổi và sẽ được chia thành 3 đợt. Đợt 1, từ 1/10 – 15/10 cho trẻ từ 1 – 5 tuổi ( với các cháu sinh từ 1/1/2009 – 31/8/2013, học nhà trẻ mẫu giáo); đợt 2, từ 16/11 – 31/12 cho trẻ từ 6 – 10 tuổi (với các cháu sinh từ 1/1/2004 – 31/12/2008); đợt 3, từ 2/1 - 15/2/2015 cho trẻ từ 11 – 14 tuổi (với các cháu sinh từ 1/1/2000 – 31/12/2003). Với số lượng trẻ tiêm đông, kéo dài trong nhiều tháng, chương trình không chỉ triển khai tiêm ở các trạm y tế xã theo lịch tiêm chủng định kỳ mà còn được tiêm tại nhiều điểm tiêm lưu động như các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và các nhà văn hóa khối, xóm. Để đảm bảo an toàn cho hơn 1.000 điểm tiêm lưu động tại các trường học, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh Văn phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện sở đã gửi kế hoạch tiêm phòng vắc-xin sởi – rubella cho tất cả các phòng giáo dục của các huyện, thành, thị để các trường chủ động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa của công tác loại trừ bệnh sởi, khống chế bệnh rubella; phối hợp với các trung tâm y tế dự phòng, y tế địa phương điều tra, lập danh sách học sinh trong các trường học tại địa phương, đặc biệt tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để tránh bỏ sót đối tượng. Phối hợp kiểm tra giám sát trước, trong và sau chiến dịch.
Với đặc thù địa bàn rộng, địa hình đi lại khó khăn, thời gian triển khai chiến dịch lại diễn ra vào mùa mưa nên việc triển khai tiêm chủng ở các huyện miền núi sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngành Y tế sẽ tích cực phối hợp với lực lượng y tế của Bộ đội Biên phòng trong việc vận động, tuyên truyền, khám sàng lọc cho trẻ em trước khi tiêm. Ngoài ra, do đặc thù miền núi nên ở các huyện vùng cao thay vì tiêm phòng từng đợt cho từng độ tuổi sẽ triển khai cuốn chiếu ở tất cả các xã, nhằm đảm bảo tiêm phòng đủ cho tất cả trẻ em.
Mỹ Hà