Nghệ An: Bắt nhóm chuyên hack facebook, lừa đảo hàng chục tỷ đồng
Sau hơn 1 ngày thông tin vụ bắt nhóm thanh niên chuyên hack Facebook, lừa đảo hàng chục tỷ đồng được đăng tải trên báo chí, rất nhiều người dân đã liên lạc với Công an TP Vinh để trình báo sự việc.
Hơn 2 năm theo dấu chân lừa đảo
Theo Trung tá Nguyễn Hữu Cường - Phó trưởng Công an TP Vinh, không chỉ đến bây giờ mà từ năm 2017, đơn vị đã nhận được tin báo của người dân về việc họ bị lừa rất nhiều tiền bằng thủ đoạn chiếm Facebook người quen. Và cho đến cuối năm 2018, đơn vị đã tiếp nhận hơn 50 tin báo về trình trạng này.
Từ những ngày đầu tiếp nhận tin báo của người dân, các cảnh sát vào cuộc xác minh thì phát hiện, những đối tượng lừa đảo chủ yếu ở các địa bàn khác và việc chuyển tiền đều thông qua dịch vụ Internet Banking. Tài khoản các đối tượng đưa ra để bị hại chuyển tiền vào thì sau khi nhận được tiền thì chúng hủy ngay. Xác minh thì các tài khoản này được mua bán trên mạng và thực tế chủ tài khoản không liên quan.
Những dấu vết mà các đối tượng lừa đảo này để lại rất mơ hồ khiến công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, có thời điểm việc điều tra rơi vào bế tắc, trong khi số người dân gửi đơn trình báo ngày càng nhiều lên.
Xác định phải ngăn chặn nhóm tội phạm này trước khi chúng lừa thêm nhiều người dân khác, cuối năm 2018, Công an TP Vinh xác lập chuyên án 229N để tập trung điều tra, làm rõ. Để chuyên án sớm có kết quả, Công an TP Vinh đã đặt vấn đề với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an xin được giúp đỡ trong quá trình điều tra.
Ban chuyên án xây dựng kế hoạch tỉ mỉ, tập trung thu giữ các chứng cứ điện tử và tài liệu trinh sát. Qua đó, Ban chuyên án đã dựng lên được chân dung ổ nhóm lừa đảo qua mạng xã hội này là một nhóm thanh niên, tập trung tại tỉnh Quảng Trị.
Mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng các đối tượng này có bề dày hoạt động và thậm chí có đối tượng đã mang tiền án, tiền sự về tội danh lừa đảo công nghệ cao này.
Sau khoảng 6 tháng điều tra, theo dõi, những ngày cuối tháng 4/2019, Ban chuyên án phát hiện các đối tượng này tập trung về Đà Nẵng để hội ngộ và tiếp tục hành vi lừa đảo. Kế hoạch vây bắt được vạch ra.
“Một tổ cảnh sát được cử vào Đà Nẵng trước để xác định sơ bộ ban đầu, thu hẹp điểm hoạt động của các đối tượng này. Sau đó, tổ thứ 2 tiếp tục vào và phối hợp với các lực lượng khác, chia thành 4 nhóm ập vào 4 nhà trọ, nhà nghỉ trên địa bàn TP Đà Nẵng bắt gọn 13 đối tượng, tất cả đều là người Quảng Trị”, Trung tá Nguyễn Hữu Cường nói và cho biết thêm rằng, thời điểm cảnh sát ập vào, các đối tượng này đang lừa một người phụ nữ ở Đà Lạt và người này đã chuyển 30 triệu đồng.
Tại hiện trường, cơ quan công an thu giữ 750 triệu đồng, 8 viên hồng phiến, nhiều ổ cứng, máy vi tính, điện thoại, thẻ ATM…để phục vụ hoạt động lừa đảo.
Hoạt động chuyên nghiệp hóa
Thực tế, thủ đoạn lừa đảo của nhóm đối tượng này không hề mới, nếu không nói là quá cũ nhưng nhiều người vẫn rơi vào bẫy. Các đối tượng này lên mạng xã hội, dò mật khẩu Facebook người khác bằng kinh nghiệm rồi nghiên cứu mối quan hệ giữa chủ Facebook với những người khác thông qua các tin nhắn trò chuyện. Sau đó, chúng chiếm quyền sử dụng bằng cách thay đổi mật khẩu rồi dựng lên màn kịch vay tiền, mượn tiền vì có việc cấp bách.
“Mỗi ngày, các đối tượng này có thể chiếm đoạt và lừa đảo 5 tài khoản. Trung bình, mỗi nạn nhân bị các đối tượng này lừa từ 50-100 triệu đồng, nhưng cũng có nhiều nạn nhân bị lừa hơn 300 triệu đồng”,
Trung tá Cường cho biết thêm rằng, người bị hại thì rất nhiều, ngẫu nhiên, bất kể ở tỉnh thành nào trong cả nước, thậm chí là người ở nước ngoài. Bước đầu cơ quan điều tra nhận định, nhóm này đã chiếm đoạt được hàng chục tỷ đồng sau nhiều năm hoạt động.
Từ lời khai ban đầu của các đối tượng này, cảnh sát xác định ổ nhóm này hoạt động theo một “dây chuyền” chuyên nghiệp hóa, phân chia nhiệm vụ cụ thể. Một đối tượng chuyên đi hack Facebook rồi nhắn tin lừa đảo, sau khi nạn nhân chuyển tiền thì một đối tượng khác chuyên đi “rửa tiền” bằng nhiều cách.
“Chúng có thể chuyển tiền qua một tài khoản khác bằng dịch vụ Internet Banking, thậm chí chuyển vào tài khoản game để mua tiền ảo. Sau đó, bán tiền ảo để lấy tiền thật. Hoặc một đối tượng khác được hóa trang cẩn thận, đến các cây ATM rút ngay tiền ra trước khi bị hại tỉnh ngộ”, một điều tra viên nói và cho hay, vì chuyên nghiệp hóa nên các đối tượng này không cần ở gần nhau, mỗi người một nơi nhưng vẫn hoạt động trôi chảy.
Số tiền chúng chiếm đoạt được cũng được chia theo công sức và nhiệm vụ được giao. Đối tượng trực tiếp rút tiền thì được 5%, đối tượng trung gian thì được 10%, số còn lại là của đối tượng hack Facebook và trực tiếp lừa được bị hại.
Trong 13 đối tượng đang bị Công an TP Vinh tạm giữ hình sự thì Nguyễn Hữu Tiến (SN 1995, trú khu phố 1, phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) được xác định có vai trò cầm đầu.
“Tiến không có nghề nghiệp ổn định và hoạt động tội phạm chuyên nghiệp. Qua sao kê trong máy điện thoại và máy tính của Tiến thì cảnh sát phát hiện có gần 400 tài khoản đã bị đối tượng này hack. Và lượng tiền chuyển khoản giao dịch cũng lên đến 10 tỷ đồng”, Trung tá Cường cho biết thêm.
Cũng theo cơ quan công an, các đối tượng này dò được mật khẩu facebook người chơi bằng kinh nghiệm và có những cái mẹo riêng. Hơn nữa, các đối tượng này cơ bản đều am hiểu về công nghệ thông tin, hiểu rõ tâm lý con người nên rất dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo.
Nhận định nạn nhân của nhóm này rất nhiều, trong đó có cả trong và ngoài nước, thông qua Báo Nghệ An, Công an TP Vinh thông báo ai là nạn nhân của nhóm đối tượng lừa đảo này thì liên hệ theo số điện thoại 0936.237.999, gặp điều tra viên Trần Hồng Hà.